1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ô nhiễm, khói bụi gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới

(Dân trí) - Theo Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương quân đội 108, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý đường hô hấp, tai mũi họng. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 7 triệu người tử vong do tiếp xúc khói bụi.

Tại Hội nghị khoa học Tai mũi họng năm 2018 do BV Trung ương quân đội 108 đăng cai tổ chức, GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết, thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO công bố vào tháng 5/2018 đã cảnh báo 90% dân số thế giới đang hít phải không khí bị ô nhiễm.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói bụi, hơn 90% ca tử vong xảy ra chủ yếu ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình tại châu Á và châu Phi. Đặc biệt, có khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới tử vong do tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Tại Việt Nam, theo báo cáo chỉ số chất lượng môi trường (EPI) được thực hiện bởi Đại học Yale (Mỹ) đã nhấn mạnh Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước ô nhiễm nhất thế.

Theo các chuyên gia y tế, nguồn không khí ô nhiễm chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý về đường hô hấp nói chung và tai mũi họng nói riêng. Bệnh lý này đang có tỷ lệ người mắc cao nhất trong cơ cấu 5 loại bệnh tật tại Việt Nam (gồm: bệnh hô hấp, sinh đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh) và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 (16,9%) sau nhóm bệnh thuộc hệ tuần hoàn.

Các bệnh viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, ung thư vòm họng, thanh quản, điếc và nghe kém….vẫn là nỗi ám ảnh cho bệnh nhân và thầy thuốc ngay cả với các nước có nền y học tiên tiến hiện đại.

Thiếu tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng chia sẻ về trường hợp nữ bác sĩ trẻ (áo xanh trên màn hình) bị điếc sau khi lây qua bị từ bệnh nhân đã nghe lại được sau khi cấy điện cực ốc tai tại BV Trung ương quân đội 108.
Thiếu tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng chia sẻ về trường hợp nữ bác sĩ trẻ (áo xanh trên màn hình) bị điếc sau khi lây qua bị từ bệnh nhân đã nghe lại được sau khi cấy điện cực ốc tai tại BV Trung ương quân đội 108.

Tại Việt Nam, ngoài phương pháp mổ mở thông thường thì phẫu thuật nội soi thực sự là cuộc cách mạng trong chuyên ngành phẫu thuật, nhất là phẫu thuật mũi xoang.

Trước đây để phẫu thuật xoang phẫu thuật viên phải đục xương mặt trước xoang để lấy đi tổ chức viêm gây phá hủy nhiều tổ chức lành xung quanh, mất máu nhiều ... Nhưng ngay, với phương pháp nội soi kết hợp với hệ thống định vị các bệnh lý về xoang được giải quyết hiệu quả giữ được chức năng sinh lý xoang, tránh được nhiều biến chứng trong quá trình phẫu thuật.

Các kỹ thuật này được thực hiện thường kỳ tại BV Trung ương quân đội 108 cũng như nhiều bệnh viện chuyên ngành khác. Đặc biệt, tại Việt Nam hiện có 3 Bệnh viện là BV Nhi Trung ương (năm 2014), BV Bình Dân (năm 2016), BV Chợ Rẫy (2017) đã ứng dụng thành công hệ thống Robot trong phẫu thuật các bệnh về đường hô hấp, tai mũi họng.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong điều trị các bệnh lý về ung thư tai mũi họng nói riêng cũng được quan tâm. Các nhà khoa học đã tìm ra những gen liên quan đến khối u, vi rus là tác nhân gây nên ung thư như HPV, EBV... từ đó có biện pháp phòng và xây dựng phác đồ điều trị như dùng phương pháp điều trị đích, thuốc đích để chữa ung thư như trong ung thư biểu mô tế bào vẩy, biểu mô tuyến trong tai mũi họng.

Hay với kỹ thuật cấy điện cực ốc tai đã mang lại một cuộc sống mới cho những em bé bị điếc bẩm sinh, giúp các em nghe được, nói được như những em bé bình thường. Tuy giá thành cao (khoảng 300 – 700 triệu đồng/máy) nhưng cấy điện cực ốc tai đã mang lại cả cuộc sống bình thường cho đứa trẻ sau này, đứa trẻ sẽ không phải sống trong cảnh câm điếc cả cuộc đời.

GS Bàng cho rằng, hội thảo lần này với 19 báo cáo tiêu biểu trình bày sẽ là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, cùng nhau trao đổi, cập nhật những kiến thức mới, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật sâu rộng hơn giữa Bệnh viện TWQĐ 108 và các đơn vị y tế khác trong nước và quốc tế.

Hồng Hải