Quảng Bình:

Nút mạch gan, cứu kịp thời bệnh nhân vỡ u, chảy máu ồ ạt

Tiến Thành

(Dân trí) - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhân bị vỡ u gan, chảy máu ồ ạt bằng phương pháp nút mạch.

Chiều 20/12, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, các bác sĩ tại bệnh viện này vừa sử dụng phương pháp nút mạch gan, kịp thời cứu sống một nam bệnh nhân bị u gan vỡ, chảy máu ồ ạt.

Bệnh nhân nêu trên là ông N.V.T. (62 tuổi), trú thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Bệnh nhân T. được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, choáng trụy mạch, huyết áp tụt, đau bụng vùng hạ sườn phải. Qua thăm khám, kiểm tra, chụp CT scanner ổ bụng, các bác sĩ phát hiện u gan hạ phân thùy IV vỡ, chảy máu trong ổ bụng.

Nút mạch gan, cứu kịp thời bệnh nhân vỡ u, chảy máu ồ ạt - 1

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức và tiến hành nút mạch gan. Sau gần 30 phút, các bác sĩ đã nút mạch thành công, truyền 2 đơn vị máu cứu sống bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được.

Theo bác sĩ, nếu không được xử trí ngay, bệnh nhân sẽ bị mất máu ồ ạt trong ổ bụng dẫn đến tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Nút mạch gan là chỉ định hàng đầu để xử trí trong trường hợp này nhằm cứu sống bệnh nhân. Kỹ thuật can thiệp nút mạch sẽ bít tắc được mạch máu bị vỡ (nguyên nhân chảy máu), giúp bệnh nhân cầm máu tức thì, tránh nguy cơ tử vong.

Hơn nữa, vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước nhỏ như vết tiêm truyền mạch máu, ít gây đau đớn, không để lại sẹo và thời gian hồi phục sức khỏe sau thủ thuật nhanh, ít tai biến so với các phương pháp điều trị khác.

Được biết, kỹ thuật điện quang can thiệp đã được thực hiện từ nhiều năm nay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, áp dụng cho rất nhiều các bệnh lý của các bộ phận khác nhau như: U gan, u xơ tử cung, các u máu hàm mặt, các u máu phần mềm, các can thiệp tiết niệu và đường mật và rất nhiều bệnh lý khác, giúp bệnh nhân tránh được các cuộc đại phẫu nguy hiểm, nâng cao tỉ lệ cứu sống người bệnh, giảm chi phí và thời gian nằm viện.