Nút mạch chữa bệnh đi tiểu 9 – 10 lần một đêm của quý ông

(Dân trí) - Ngay sau ca can thiệp nút mạch chữa phì đại tuyến tiền liệt, bệnh nhân nam 71 tuổi đã giảm ngay triệu chứng, dễ đi tiểu, số lần đi tiểu giảm. Đây là ca can thiệp thứ 133 thành công tại BV Bạch Mai sau hơn 2 năm phương pháp này được áp dụng.

Nỗi khốn khổ thức giấc liên tục trong đêm của quý ông

Trước đó, chiều 21/4, bệnh nhân nam 71 tuổi được các bác sĩ thực hiện biểu diễn can thiệp nút động mạch tại Hội nghị điện quang lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày cuối tuần tại Hà Nội.

Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện trong tình trạng bí tiểu cấp. Ông đã có tiền sử 10 năm bị phì đại tuyến tiền liệt, uống thuốc không cải thiện nhưng vẫn cố duy trì. Từng ấy năm bệnh nhân trải qua những đêm ngủ không ngon bởi có những đêm dậy 10 lần đi vệ sinh do luôn bị bí tiểu, tiểu không hết bãi.


Can thiệp nút mạch phì đại tuyến tiền liệt mang lại nhiều ưu điểm so với nội khoa, phẫu thuật. Trong ảnh, bệnh nhân đang được can thiệp nút mạch tại BV Bạch Mai. Ảnh: T.A

Can thiệp nút mạch phì đại tuyến tiền liệt mang lại nhiều ưu điểm so với nội khoa, phẫu thuật. Trong ảnh, bệnh nhân đang được can thiệp nút mạch tại BV Bạch Mai. Ảnh: T.A

Sau khi vào viện, bệnh nhân được đặt ống thông tiểu, tiến hành các xét nghiệm loại trừ nguy cơ ung thư. Thể tích u tuyến tiền liệt xác định khoảng 81gram – với trọng lượng này không thể tiến hành mổ vì nguy cơ chảy máu cao. Bệnh nhân được tiến hành can thiệp nút phì đại tuyến tiền liệt cả hai bên.

Ngay sau khi nút mạch một ngày, triệu chứng lâm sàng của người bệnh giảm rõ rệt, giảm số lượng lần tiểu đêm. Bệnh nhân đã được ra viện và sẽ tái khám sau 1 tháng để đánh giá u xơ nhỏ đi như thế nào.

TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Bạch Mai) cho biết, đây là một kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Bạch Mai. Đây là ca bệnh thứ 133 được nút mạch thành công tại bệnh viện.

Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới khi về già. Tuyến tiền liệt bị phì đại, gây chèn ép vào cổ bàng quang (đường đi tiểu) là nguyên nhân gây tiểu rắt, bí tiểu, đi tiểu nhiều. Có những bệnh nhân một đêm đi tiểu 9-10 lần. Người bệnh rất khó chịu vì cảm giác đi tiểu nhưng không hết, thường phải “rặn” mà dòng tiểu rất yếu.

Trong khi đó uống thuốc, thậm chí phẫu thuật với nhiều người vẫn không giải quyết được tình trạng bí tiểu, hoặc tiểu quá nhiều do phì đại tuyến tiền liệt.

Bệnh nhân N.K.V (56 tuổi, ở quận Tân Bình) chia sẻ, trước khi được can thiệp, ông sợ nhất phải đi ra ngoài, đi đám cưới, đám tang và từ chối luôn những chuyến đi chơi gia đình con cháu tổ chức. Bởi bị u xơ tuyến tiền liệt, ông rất ngại khi liên tục buồn tè, thông thường cứ hơn 1 giờ đồng hồ lại một lần đi tiểu. “Tối 9 giờ đi ngủ, đã cố gắng tiểu hết nhưng chỉ đến 10h hơn lại đi tiểu tiếp. Vào vừa thiu thiu ngủ thì cơn buồn tiểu lại ập đến. Không đêm nào đi dưới 10 lần khiến bác V. không ngủ được, mệt mỏi.

Đến giờ, sau tròn 1 năm được can thiệp nút mạch, bác V. sinh hoạt rất thoải mái, có những đêm ngủ một mạch từ 10h tối đến sáng mới phải dậy đi tiểu.

"Chuyện ấy" vẫn bình thường sau nút mạch

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, nút mạch chữa phì đại tuyến tiền liệt là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp thể tích tuyến tiền liệt nhỏ đi không chèn ép vào cổ bàng quang, không kích thích vào cổ bàng quang để bệnh nhân không bị bí đái, không đi đái nhiều lần.

Với phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh có thể uống thuốc, phẫu thuật. Với điều trị thuốc, người bệnh uống hàng năm (chi phí trung bình 1 triệu/tháng) nhưng nhiều trường hợp triệu chứng giảm chậm, vẫn còn hiện tượng bí đái và thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định như hạ huyết áp, rối loạn cương dương. Còn với phẫu thuật, nếu u to quá 80gram thì không được chỉ định làm vì nguy cơ chảy máu rất cao. Trong phẫu thuật bệnh nhân có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, nằm viện từ 5 – 7 ngày sau mổ. Chưa kể, tỉ lệ gặp tình trạng xuất tinh ngược, tiểu tiện không tự chủ sau phẫu thuật cũng khá lớn.

Nút mạch chữa phì đại tuyến tiền liệt là một phương pháp mới, một lần nút mạch duy nhất từ 2 – 3 tiếng, người bệnh không bị đau đớn, không chảy máu nên không có nguy cơ nhiễm trùng. Khi thực hiện người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, sau 1 đêm nút mạch là bệnh nhân có thể xuất viện, uống kháng sinh 5 -7 ngày phòng bội nhiễm rồi các triệu chứng gây bí tiểu, tiểu đêm dần dần giảm xuống. Đặc biệt, "chuyện ấy" của quý ông hoàn toàn bình thường do không có nguy cơ xuất tinh ngược.

“Thông thường, sau khi được nút mạch khoảng 2 tuần khối xu xơ bắt đầu nhỏ lại, bệnh nhân đi tiểu dễ chịu ngay. Có bệnh nhân sau 3 – 4 ngày nút mạch là có thể đi tiểu bình thường, không còn tiểu đêm nhiều, dòng tiểu thông thoáng hơn không tồn dư nước tiểu. Nhiều người bệnh đã rất hạnh phúc sau can thiệp bởi triệu chứng lâm sàng giảm hẳn, chất lượng cuộc sống được tốt hơn, TS Hiền nói.

Theo TS Hiền, ưu điểm của phương pháp thì quá rõ rang, nhưng đây là một kỹ thuật khó do nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt thường lớn tuổi, mạch đã bị xơ vữa, mạch nhỏ xoắn (động mạch tuyến tiền liệt chỉ nhỏ khoảng 1mm) nên đưa ống thông vào rất khó khăn.

Nút mạch tuyến tiền liệt được chỉ định cho các bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng là tiểu đêm, tiểu nhiều lần chục lần, khó tiểu. Bệnh nhân cũng cần lưu ý, chỉ bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt gây triệu chứng lâm sàng mới cần can thiệp. Còn bệnh nhân có tuyến tiền liệt to nhưng không gây triệu chứng thì không nên tiến hành can thiệp kể cả phẫu thuật hay nút mạch.

Về chi phí điều trị, TS Hiền cho biết nếu bệnh nhân không có BHYT, chi phí nút mạch khoảng 25 triệu đồng. Còn có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả gần hết theo từng loại thẻ. Với những ưu điểm về điều trị, chi phí tương đương phẫu thuật (thậm chí rẻ hơn), BV Bạch Mai hiện đang chuyển giao đào tạo thành công cho một số bệnh viện thực hiện phương pháp này.

Về các kỹ thuật điện quan can thiệp, GS Thông cho biết, trước đây để thực hiện các kỹ thuật can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ngày nay, các Bệnh viện được trang bị các máy móc chụp mạch hiện đại tới các tuyến tỉnh, các vật liệu can thiệp sẵn có và đặc biệt đã được Bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí giúp tạo điều kiện cho các bệnh nhân tiếp cận được các kỹ thuật cao. Đến nay toàn quốc đã có khoảng 30 Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp, trong đó có khoảng dưới 15 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh, được sánh ngang tầm khu vực như các nước Singapore và Thái Lan, như: , kỹ thuật điều trị phình động mạch não bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy, các kỹ thuật lấy huyết khối động mạch trong nhồi máu não cấp…

Được biết, cụm công trình do GS.TS Phạm Minh Thông chủ nhiệm cùng các tác giả về chủ đề “Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và can thiệp điều trị một số bệnh mạch máu não” đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hồng Hải