(Dân trí) - Ở thời điểm hiện tại, nhiều gia đình "săn rồng vàng" đang bước vào giai đoạn nước rút, khi chỉ còn chưa đến một tháng để thực hiện mục tiêu này.
Cầm chiếc que thử thai một vạch trên tay, chị Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), 28 tuổi, thở dài vì thêm một lần "săn rồng" hụt.
"Năm Giáp Thìn rất đẹp nên cả gia đình tôi đều mong muốn đón quý tử trong năm nay. Từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu "thả" nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì", chị Hương chia sẻ.
Phục vụ cho việc "săn rồng vàng", gia đình chị Hương đầu tư từ thực phẩm chức năng (tinh chất hàu, viên uống bổ trứng), sản phẩm tạo môi trường giúp dễ thụ thai cho đến que test rụng trứng. Chi phí, theo người vợ tiết lộ, trên dưới 2 triệu đồng mỗi tháng.
Cặp đôi này cho biết áp lực tăng dần theo thời gian vì khả năng "săn rồng" hụt ngày càng lớn.
"Nếu không có tiến triển, chúng tôi dự tính sẽ can thiệp bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung)", chị Hương nói.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều gia đình "săn rồng vàng" đang bước vào giai đoạn nước rút, khi chỉ còn chưa đến một tháng để thực hiện mục tiêu này.
Như trường hợp của vợ chồng anh Phong, chiến dịch "săn rồng vàng" đã bắt đầu từ cách đây gần nửa năm.
"Các cụ xem tử vi thấy năm Giáp Thìn rất đẹp lại hợp tuổi với tôi nên động viên có con luôn trong năm nay", anh Phong chia sẻ.
Sau một tháng "thuận theo tự nhiên" nhưng vẫn chưa thu được kết quả, anh Phong và vợ quyết định tìm thêm các biện pháp giúp tăng cơ hội mang thai. Được người quen mách bảo ăn hàu sẽ giúp tăng cường bản lĩnh phái mạnh, thấy dễ áp dụng, nên gia đình này quyết định làm theo.
Thời gian đầu, cứ mỗi tuần, gia đình anh lại ăn hai bữa hàu. Tuy nhiên, qua tháng đầu tiên không thấy tác dụng, gia đình quyết định "tăng liều" lên gấp đôi. Có lần sát ngày rụng trứng, một mình anh được vợ chuẩn bị cho 2 cân hàu chưa tách vỏ.
"Giờ tôi chỉ nhìn thấy hàu là đã sợ. Tuy nhiên chỉ còn khoảng một tháng để chúng tôi "chạy nước rút" cho mục tiêu sinh con tuổi rồng nên đành gắng", Phong bộc bạch.
Theo nhiều chuyên gia y tế, đến hẹn lại lên, cứ đến các năm đẹp, nhu cầu có con của người dân lại tăng vọt.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, BSCKII Ngô Thị Hương, Trung tâm can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, từ nửa cuối của năm 2023, số lượng các cặp vợ chồng đến thăm khám và tư vấn mang thai đã tăng lên rõ rệt.
"Nhiều gia đình chia sẻ rằng, có mong muốn sinh con năm rồng vì là năm đẹp nên đến để khám sàng lọc sức khỏe, cũng như để được bác sĩ tư vấn những việc cần chuẩn bị cho thai kỳ, các sản phẩm bổ sung giúp tăng khả năng thụ thai, cách "canh trứng"…", BS Hương chia sẻ.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng ghi nhận hiện tượng tương tự. Theo ThS.BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, vài tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân có nhu cầu hỗ trợ sinh sản tăng gấp nhiều lần thông thường.
"Việc này xuất phát từ tâm lý muốn sinh con tuổi rồng. Ở các năm đẹp trước đó, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự", BS Ngọc cho hay.
Đáng chú ý, theo BS Ngô Thị Hương, ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn khoảng một tháng nữa để thực hiện kế hoạch sinh con năm rồng, nhiều gia đình quyết định "đổi chiến thuật".
"Nhiều gia đình sau một thời gian dài "thả" nhưng vẫn không có con theo cách tự nhiên nên tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thậm chí là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), để có thể chắc chắn sinh được con tuổi rồng", BS Hương chia sẻ.
Ngược lại, không ít cặp đôi quyết định sẽ "quay xe" trong giai đoạn nước rút này.
"Có những gia đình không muốn sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản chỉ nhờ chúng tôi tư vấn thêm các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung cũng như cách canh trứng để tăng cơ hội mang thai tự nhiên.
Họ cũng chia sẻ thêm rằng, nếu đến khoảng giữa tháng 3 vẫn chưa thể thụ thai sẽ gác lại việc có em bé đến năm sau nữa, vì ngay sau Giáp Thìn là năm Ất Tỵ", BS Hương phân tích.
Hiện tượng nhà nhà "săn rồng vàng" hiện nay khiến các bác sĩ sản khoa nhớ về khoảng thời gian cách đây tròn 12 năm. Khi đó, nhiều khoa sản cũng phải chạy hết công suất vì trào lưu "săn rồng" Nhâm Thìn.
"Tôi nhớ như in năm 2012, cứ đến viện là lao vào đỡ đẻ hoặc mổ đẻ. Ngày nào chúng tôi cũng quần quật. Bệnh nhân đông đỉnh điểm trong các năm. Năm nay dựa theo tình hình sốt rồng vàng hiện tại thì giai đoạn tới các bác sĩ sản cũng sẽ bận rộn không kém gì", BS Hương chia sẻ.
Đáng chú ý, chuyên gia bày tỏ lo ngại một bộ phận các gia đình mong muốn sinh con tuổi đẹp, giờ đẹp mà có những hành động cực đoan đi ngược lại chỉ định của bác sĩ.
Cụ thể, theo BS Hương, một số trường hợp sau khi xem thầy bói phải nhất nhất sinh con đúng ngày đúng giờ.
"Họ bất chấp chuyển dạ, bao giờ có dấu hiệu cấp cứu mới đến viện để đẻ, không theo chỉ định bác sĩ. Đây là hành động rất nguy hiểm.
Ví dụ với mẹ đã mổ đẻ cũ 2 lần, có sẹo thành tử cung thì khi xuất hiện cơn gò, cơn co hoặc dấu hiệu cấp cứu sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây rạn nứt vết mổ.
Sản phụ sẽ đối mặt với nguy cơ tai biến sản khoa cao hơn trong cuộc mổ đẻ", BS Hương cho hay.
Chuyên gia này dẫn chứng một trường hợp sản phụ có chỉ định đẻ mổ, được bác sĩ khuyên nên mổ lúc đủ tháng (khoảng 38 tuần).
Tuy nhiên, vì nghe lời thầy bói, gia đình này nhất quyết phải sinh con ở sau tuần 40 mới đẹp ngày.
BS Hương phân tích: "Trường hợp này hết sức cực đoan. Nếu theo sinh lý cơn gò, cơn co sẽ nhiều hơn khi vào cuối thai kỳ. Mặc dù lúc ấy khám chưa có vấn đề gì nhưng khi có cơn gò, cơn co khiến bệnh nhân bị rạn nứt vết mổ, vết mổ mỏng.
Điều này làm tăng nguy cơ chảy máu và gây nhiều khó khăn cho bác sĩ trong quá trình phẫu thuật".
Ngược lại, nhiều gia đình lại muốn sinh sớm trước ngày dự sinh, bằng phương pháp kích sinh sớm, để phục vụ cho mục đích con chào đời ngày đẹp.
"Phương pháp này chúng tôi khuyến cáo là không nên vì kích sinh không phải 100% thành công mà lại có nguy cơ phải sinh mổ.
Theo sinh lý, khi chuyển dạ phải sinh trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, với trường hợp kích sinh, đôi khi một vài ngày mới sinh hoặc cổ tử cung đã mở nhưng lại dừng sự chuyển dạ phải chuyển sang sinh mổ", BS Hương chia sẻ.
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực sản khoa, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chứng kiến nhiều trường hợp vì mục đích này mà mạo hiểm sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
"Có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ, gia đình vẫn cố tìm cách hoãn sinh, chọn đẻ mổ (dù không có chỉ định) để hạ sinh quý tử đúng giờ đẹp, ngày đẹp theo sách vở hay theo thầy bói. Đó là câu chuyện không hề hiếm gặp, đặc biệt là vào dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới", BS Thành chia sẻ.
Theo BS Thành, không ít gia đình quan niệm, con ra đời vào giờ đẹp, ngày đẹp sẽ "tốt số", khỏe mạnh, dễ thành công sau này.
Chuyên gia này dẫn chứng một trường hợp nguy hiểm đã tiếp nhận vào Tết năm trước: "Một thai phụ vỡ ối nhưng ở nhà 3 ngày chờ qua Tết mới tới viện thăm khám.
Khi đến viện, thai phụ đã sốt và được mổ cấp cứu ngay. May mắn em bé vẫn khóc tốt, nhưng có dấu hiệu nhiễm khuẩn và phải điều trị kháng sinh 5 ngày tại viện".
Qua khai thác thông tin, gia đình cho biết, vì người chồng cho rằng con mình chào đời phải đúng ngày, đúng giờ đó thì mới thành đạt, cũng như đem lại vượng khí cho cả gia đình.
Vì vậy, khi vợ vỡ ối vẫn cố nằm ở nhà 3 ngày chờ đợi, thậm chí chồng còn lấy gối kê cao mông vợ để nước ối không chảy ra.
"Khi đã vỡ ối không đến viện sẽ rất nguy hiểm, con dễ tử vong, người mẹ nguy cơ nhiễm trùng rất cao", BS Thành phân tích.
BS Thành chia sẻ: "Nhiều mẹ bầu dù chưa đến ngày dự sinh và không được chỉ định sinh mổ vẫn nằng nặc xin bác sĩ mổ đẻ cho mình.
Họ không biết rằng, việc xin mổ chủ động như vậy sẽ rất tổn hại cho sức khỏe bản thân. Nếu bác sĩ không chỉ định mổ lấy thai, sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên".
Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong một số trường hợp như: thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mẹ mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị suy thai nguy cơ tử vong, thai ngược...
"Đẻ thường lần đầu tuy mẹ bầu sẽ phải đối mặt với tình trạng đẻ khó nhưng sau đó việc sinh nở những lần sau càng thuận lợi, cả đời sinh sản có tử cung lành lặn không có sẹo.
Ngược lại mổ đẻ lần một dễ nhưng càng mổ những lần sau càng khó và có nhiều biến chứng từ việc mổ", BS Thành cho hay.
Theo đó, khi đẻ mổ, chị em phải đối mặt với tình trạng tử cung nhiều sẹo suốt cuộc đời người phụ nữ, có thể bị chửa tại vết mổ, khuyết sẹo dịch vết mổ, tụ dịch vết mổ, rong kinh rong huyết suốt đời đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.
Ở Việt Nam, tỉ lệ các mẹ bầu mổ đẻ đang ở khoảng 40-50%, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tỉ lệ mổ đẻ phù hợp chỉ cho phép ở mức dưới 20%. Theo BS Thành, có khoảng 30% mẹ bầu mổ đẻ không cần thiết.