Nước đóng chai nhiễm khuẩn... Coliform

Ngày 3/3, sở Y tế TPHCM thanh tra 2/3 cơ sở sản xuất nước đóng chai có kết quả xét nghiệm mẫu nước nhiễm vi sinh. Công tác thanh tra đã phát hiện những thực tế đáng sợ.

Nước nhiễm khuẩn bán ở căn tin bệnh viện

 

Theo kết quả xét nghiệm của viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM ngày 16/2 (lô sản xuất 3/1/2009, hạn dùng 2/2/2010), các chỉ số hoá lý của nước đóng chai Aquaphar đều đạt, nhưng kết quả vi sinh lại cho thấy có mặt của 5 con vi khuẩn Coliform (trong phân người)/250ml nước và 45 x 102 con vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (có thể gây tiêu chảy nặng và nhiễm trùng huyết)/250ml nước.

 

Như thế, kết quả này cho thấy sản phẩm bị nhiễm bẩn ở một khâu sản xuất nào đó. Tình hình còn trầm trọng hơn khi ông chủ Trần Ngọc Sơn cho biết sản phẩm công ty phân phối chủ yếu cho các căn tin của bệnh viện Ung bướu, 115, Từ Dũ, Nhi Đồng 2!

 

Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trưởng đoàn thanh tra, đợt thanh kiểm tra này nằm trong kế hoạch định kỳ hằng năm của sở Y tế TPHCM. Nhưng chưa năm nào cho kết quả bất ngờ như năm nay vì mới qua thanh tra vài ba cơ sở, gửi mẫu nước đi xét nghiệm, đã cho 3/3 mẫu có kết quả nhiễm vi khuẩn Pseudomonas! Ngoài sản phẩm Aquaphar còn có sản phẩm Aguavida (của công ty Thuận Huy, sản xuất 15/1/2009, hạn dùng 15/1/2010) và Golf (của công ty Tân Tấn Đức, sản xuất 2/1/2009, hạn dùng 2/1/2010, sản phẩm này chứa đến 175 x 104 con vi khuẩn!).

 

Sản xuất theo công nghệ Mỹ (!?)

 

 

Nước đóng chai nhiễm khuẩn... Coliform - 1

Khu vực rửa bình của cty Tâm Đăng

 

Nơi sản xuất của công ty Tâm Đăng, số 46 đường số 7, Q.6, TPHCM lý giải phần nào tại sao sản phẩm không đạt chuẩn vệ sinh. Gần như toàn bộ tường trần nhà đều hoen ố; vòi súc rửa nước bị gỉ sét; hai nhân viên sản xuất không được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm; trang phục bảo hộ lao động dơ bẩn, rách rưới, móng tay để dài đen đủi; khâu súc vỏ bình không bảo đảm vệ sinh, thiếu công đoạn ngâm.

 

Đáng nói là mặc dù trên nhãn hiệu ghi rõ “sử dụng công nghệ Mỹ” nhưng thực chất là trong khâu lọc nước bằng hệ thống thẩm thấu ngược, cơ sở lại hoàn toàn sử dụng máy tự ráp. Đặc biệt nhất, sản phẩm tự cho là khử trùng bằng ozone nhưng kiểm tra tại chỗ lại cho thấy không hề có máy sục ozone. Ông chủ Trần Ngọc Sơn thanh minh: “Chúng tôi có xử lý mà, chắc ai đã cắt đứt dây của hệ thống sục (!?)”. Trong sản xuất nước đóng chai, khâu khử trùng là cực kỳ quan trọng, có cơ sở xử lý ozone đến hai lần, nhưng Aquaphar thì không.

 

Thật đáng lo!

 

Chỉ mới qua thanh kiểm tra vài ba cơ sở sản xuất nước đóng chai, nhưng thực tế cho thấy kiểu sản xuất thủ công, đơn giản, trên những thiết bị tự chế đã bộc lộ nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nhất là mùa nóng nhu cầu nước tăng.

 

Cả TPHCM hiện có hơn 200 cơ sở sản xuất nước đóng chai, mỗi nơi sản xuất theo một quy trình khác nhau, trên nguyên liệu khác nhau (nước máy, nước giếng...), và như thế thì tốt xấu, vàng thau lẫn lộn.

 

Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, trưởng phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở Y tế TPHCM, nói: “Nếu không quản lý và kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tiêu hoá qua sử dụng nước đóng chai là hoàn toàn có thể xảy ra”. Thật vậy, chỉ cần một nơi nào đó trên địa bàn thành phố phát sinh dịch tả, vi khuẩn gây bệnh thấm vào nước ngầm, và nước này lại được dùng làm nước đóng chai thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị