Nữ điều dưỡng đi hỗ trợ miền Tây dập dịch sau 15 phút nhận "điều động khẩn"
(Dân trí) - "Sáng nay, con út mới 3 tuổi thấy mẹ xếp đồ cũng đòi đi theo mẹ công tác chung. Mẹ đi bé có hơi buồn" - nữ điều dưỡng nói trước giờ rời TPHCM đi miền Tây chống dịch.
Ngày 8/11, hai đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh và BV dã chiến số 3 (đóng tại TP Thủ Đức) đã khẩn trương rời TPHCM để chi viện cho 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ đang có tình hình dịch Covid-19 rất căng thẳng là Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Đi hỗ trợ miền Tây sau 15 phút được điều động
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh cho biết, các đoàn chi viện miền Tây chống dịch theo sự điều động từ Sở Y tế TPHCM lần này có tổng cộng 65 người, bao gồm 16 y, bác sĩ hỗ trợ điều trị (8 người đến Bạc Liêu, 8 người đến tỉnh Kiên Giang) và 49 nhân viên y tế hỗ trợ tiêm chủng tại tỉnh Cà Mau.
Đáng chú ý trước tình hình dịch Covid-19 chuyển biến quá nhanh, trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", việc điều động lực lượng chi viện diễn ra rất khẩn trương.
Giữa trưa nắng, Cao Thảo, tham gia chống dịch tại BV dã chiến số 3 từ ngày 8/7 kéo vali vội vã vào nơi tập trung. Trước đó, cô là nhân viên y tế tại khoa Khám bệnh, BV Bưu Điện.
"Tôi mới được điều động 15 phút trước nên vội gom đồ đi, chưa biết sẽ làm cụ thể việc gì, nhưng trên tinh thần sẽ hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch một tháng" - Thảo nói và cho biết, cô thấy hào hứng hơn là bất ngờ khi được điều động gấp, vì đây là trách nhiệm chống dịch chung.
Tương tự, 22 giờ đêm qua (7/11), chị Hải Vân, khoa Giải phẫu bệnh, BV Lê Văn Thịnh mới nhận tin sẽ được điều động đi hỗ trợ tiêm chủng tại Cà Mau. Chị cho biết, mấy tháng dịch đã qua đã đi nhiều tỉnh như An Giang, Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Tháp hỗ trợ, nên không còn ngần ngại gì.
"Sáng nay, con út mới 3 tuổi thấy mẹ xếp đồ cũng đòi đi theo mẹ công tác chung. Mẹ đi bé có hơi buồn. Chưa biết tiêm tổng cộng bao nhiêu người nhưng một bàn tiêm của chúng tôi sẽ tiêm cho 1.000 người/ngày.
Tôi chỉ đem quần áo cho một tuần nhưng nếu phát sinh thêm cũng sẽ chấp nhận" - chị Vân nói, và bày tỏ mong muốn sẽ sớm giúp phủ vaccine dày nhất, để bà con có kháng thể đẩy lùi dịch bệnh.
Hệ thống oxy quyết định sống còn
Bác sĩ Lý Quốc Công, Trưởng đoàn bác sĩ hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch của BV Lê Văn Thịnh chia sẻ, các nhân viên y tế được điều động lần này đều bề dày kinh nghiệm nhiều tháng trời tại TPHCM.
Khi đến Bạc Liêu, Đoàn sẽ hỗ trợ thiết lập BV dã chiến, có thiết lập hệ thống oxy lỏng tại thành phố và các huyện. Ngoài ra, Đoàn cũng đem xuống các thiết bị y tế, máy thở, máy HFNC, thuốc men...
Bác sĩ Công cho biết, phải làm sao để người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Ngoài ra, mọi người phải tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau không được lơ là chống dịch. Như tại TPHCM, dù dịch đã cơ bản kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhất là trong tình hình người ở tỉnh đổ lên TPHCM làm việc, có nhiều trường hợp vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
"Bạc Liêu đã vượt 5.000 ca nhiễm rồi, thiếu thốn rất nhiều về đội ngũ y tế. Chúng tôi thấy rằng vấn đề oxy là quan trọng nhất, phải thiết lập được trung tâm cung cấp oxy thì mới có nhiều nhất cơ hội cứu được các bệnh nhân nặng.
Mục đích chúng tôi xuống Bạc Liêu kỳ này là khống chế nhanh, dập dịch nhanh, làm sao để giảm tối đa bệnh nặng, suy hô hấp" - bác sĩ Công nói.
Trong ngày 7/11, 10 tỉnh miền Tây phát hiện tổng cộng hàng ngàn F0.
Tại Bạc Liêu có 297 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 (tăng 32 ca). Trong đó có 106 trường hợp dương tính ghi nhận tại cộng đồng, tăng 34 trường hợp so với ngày 6/11.
Còn Cà Mau ghi nhận 168 người nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc tính từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay 2.856 ca.
Riêng Kiên Giang ghi nhận 363 F0 (giảm 35 ca so với 24 giờ trước), trong đó có 83 ca cộng đồng, 108 ca trong khu cách ly, 182 ca trong khu phong tỏa.