Nữ bệnh nhân 19 tuổi mang khối bướu khổng lồ như ễnh ương
(Dân trí) - Mỗi khi di chuyển, nữ bệnh nhân phải ngửa người ra phía sau mới lấy được thăng bằng, dù mới 19 tuổi nhưng khối bướu khổng lồ bệnh nhân đang mang có trọng lượng ước tính khoảng 50kg. Các bác sĩ đã lên phương án can thiệp phẫu thuật đề giải thoát nữ bệnh nhân khỏi khối bướu khổng lồ.
Ngày 20/7, thông tin từ BS-CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân 19 tuổi mang bướu khổng lồ. Bệnh nhân được người mẹ làm nghề bán vé số đưa đến Ung Bướu sau khi đã "gõ cửa" nhiều bệnh viện nhưng không được tiếp nhận, điều trị.
Qua thăm khám lâm sàng bác sĩ xác định bệnh nhân mang khối bướu rất lớn trong ổ bụng, ước tính trong lượng khối bướu lên tới 50kg. Bướu quá lớn nên mỗi lần di chuyển, bệnh nhi phải ngửa người ra phía sau để lấy thăng bằng. Cơ thể bệnh nhi như hình dạng của “con ễnh ương” chỉ thấy bụng kể cả lúc đứng.
Quyết tâm cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành tất cả các xét nghiệm, lên mạng dò tìm bệnh lý, gửi mail ra nước ngoài hỏi các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và hội chẩn các bệnh viện lớn tại TPHCM… nhưng vẫn chưa tìm ra phương án điều trị.
Hiện, khối bướu quá lớn đã chèn ép tim, phổi và các cơ quan nội tạng, đe dọa tử vong. “Còn nước còn tát” bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa, lên phương án “phẫu thuật nhiều lần” cho bệnh nhi. Dự kiến, bác sĩ sẽ rút giải áp mỗi ngày khoảng 2 đến 3 lít dịch, sau 1 tuần sẽ tiến hành mổ. Mỗi lần mổ, ê kíp sẽ lấy khoảng 1/4 khối lượng dịch và bướu trong ổ bụng bệnh nhi. Cùng với quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành giải phẫu bệnh, xác định bệnh lý để có phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.
Các bác sĩ đã lên phương án phẫu thuật với hi vọng giải thoát bệnh nhi khỏi khối bướu (ảnh: BS Tiến)
BS-CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 chia sẻ: “Cuộc đời làm Y của tôi đã gần 30 năm và cũng ngần ấy thời gian là dành cho ung bướu phụ khoa, cho những người phụ nữ bất hạnh mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân phải mang trong mình khối bướu khổng lồ và cũng đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp. Nhưng sau mỗi ca bệnh, trong lòng tôi luôn đọng lại cảm giác buồn man mác chứ không phải cảm giác sung sướng vì đã hoàn thành tốt ca mổ hay tự hào vì được mọi người hay báo chí ngợi khen. Buồn vì dân mình khổ quá, thiếu thốn đủ thứ từ vật chất đến kiến thức y học và điều kiện để khám chữa bệnh”.
Theo ông: “Ở nước ngoài hiếm khi gặp ca bướu sinh dục to vì người dân được khám sức khỏe định kỳ và phát hiện sớm, điều trị triệt để ngay từ đầu. Còn ở khoa Ngoại 1, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp những ca bướu to, nhiều khi phải dùng từ “khổng lồ” để hình dung. Lý do thì rất nhiều, nhưng tụ chung lại vẫn là do cái nghèo, cái thiếu hiểu biết đeo đuổi. Không có tiền đi khám, không biết như vậy là bệnh để khám, không biết đi đâu để khám, không có ai tư vấn để điều trị nên về uống thuốc nam thuốc bắc hay bỏ mặc bệnh đến đâu hay đến đó…”
Năm 2016, Bệnh viện Ung Bướu đã phẫu thuật thành công cho trường hợp nữ bệnh nhân ngoài 60 tuổi mang khối bướu trọng lượng 40kg. Tưởng như đó đã là ca bệnh kỷ lục nhưng đứng trước bệnh nhân mới 19 tuổi mang khối bướu có trọng lượng khoảng 50kg các bác sĩ thực sự… choáng. “Không ai nghĩ rằng đây là sự thật, bệnh nhân có lẽ sẽ là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh vì bệnh tật một con người có thể chịu đựng”.
Vân Sơn