Nội soi viên nang: công cụ xóa "điểm mù" trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với kích thước nhỏ gọn và không xâm lấn, nội soi viên nang giúp bác sĩ có cái nhìn trực quan bên trong ống tiêu hóa, nhất là đoạn sâu trong ruột non - nơi được xem là "điểm mù" của các kỹ thuật nội soi phổ biến hiện nay.

Phát hiện và xử lý kịp thời bệnh lý ruột non nhờ nội soi viên nang

Bệnh nhân Trịnh Văn H. (44 tuổi, TPHCM) nhập viện tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện FV ngày 2/3/2022 với tình trạng tiêu phân đen, thiếu máu, đau quanh rốn âm ỉ cách đó khoảng một tháng. Kết quả nội soi dạ dày và nội soi đại tràng cho thấy, ông bị viêm dạ dày nhẹ và túi thừa toàn bộ đại tràng - nhưng không có dấu hiệu chảy máu.

Nội soi viên nang: công cụ xóa điểm mù trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa - 1
Bệnh nhân nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

2 ngày sau nhập viện, bệnh nhân tiêu ra máu tươi ồ ạt, chỉ số Hgb (chỉ số hemoglobin trong máu) chỉ còn 6,5%g/dL - tương đương 50% người bình thường. Ông được truyền máu khẩn và chỉ định nội soi viên nang. Hình ảnh ghi nhận cho thấy, ngoài các vấn đề đã phát hiện, bệnh nhân còn bị viêm loét trợt hỗng tràng (phần giữa ruột non) và polyp nhỏ trực tràng.

Sau khi nắm rõ nguyên nhân xuất huyết, các bác sĩ tại Bệnh viện FV đã điều chỉnh đơn thuốc. Tình trạng bệnh nhân nhanh chóng chuyển biến tích cực. 2 ngày sau nội soi viên nang, ông H. không còn tiêu phân đen hay máu, chỉ số Hgb ổn định và xuất viện ngày 8/3/2022.

Bệnh viện FV cũng tiếp nhận một trường hợp cấp tính tương tự. Khoảng giữa tháng 9/2022, bệnh nhân David M. (65 tuổi, quốc tịch Anh) nhập viện sau nhiều ngày tiêu phân đen, thiếu máu với Hgb chỉ còn 6,4g/dL. Dù được truyền máu tích cực, nhưng tình trạng đi phân đen và thiếu máu vẫn không cải thiện, Hgb không ổn định.

Nghi ngờ bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ẩn, các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày nhưng cũng chỉ phát hiện viêm nhẹ. Riêng nội soi đại tràng bị hoãn do chống chỉ định tim mạch. Sau đó, ông cũng được tiến hành nội soi viên nang với kết quả: viêm sung huyết rải rác khắp dạ dày, ruột non, đại tràng - vài điểm viêm đỏ, có dấu hiệu xuất huyết; nhiều vết loét ở đoạn hồi manh tràng (tiếp giáp giữa đại tràng và ruột non)... Nhờ kết quả nội soi viên nang này, các bác sĩ nhanh chóng can thiệp trúng đích, bệnh nhân đã không còn tiêu phân đen, chỉ số Hgb dần ổn định.

Nội soi viên nang mở ra chương mới trong điều trị các bệnh lý ruột non

Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nhuận Quý - Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan mật Bệnh viện FV, các bệnh lý liên quan đến ruột non như chảy máu, viêm loét, kém hấp thu, hẹp, polyp, ung thư... không phổ biến nhưng đang có xu hướng tăng. Một nghiên cứu cho thấy, trong 911 trường hợp xuất huyết tiêu hóa ẩn (tiêu máu lẫn trong phân), nội soi viên nang có thể tìm ra nguyên nhân ở 509 ca (56%). Và trong 509 ca đó, có 20% là xuất phát từ các bệnh lý liên quan đến ruột non.

Nội soi viên nang: công cụ xóa điểm mù trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa - 2
Thiết bị nội soi viên nang nhỏ như viên thuốc con nhộng (Ảnh: FV).

Các phương pháp nội soi trước đó như nội soi tiêu hóa trên (nội soi dạ dày), nội soi đại tràng và nội soi ruột non (gồm nội soi đẩy, bóng đơn, bóng kép và xoắn ốc) không thể kiểm tra toàn bộ ruột non. Hơn nữa, những kỹ thuật này thường yêu cầu gây mê toàn thân, thời gian thực hiện lâu, kỹ thuật phức tạp và sử dụng tia X khiến bệnh nhân tiếp xúc với phóng xạ.

Chính vì thế, ruột non được xem là "điểm mù" trong kỹ thuật khảo sát bằng hình ảnh. Trước đây, các bệnh lý liên quan đến ruột non thường chỉ phát hiện ở giai đoạn tiến triển nặng như khối u to gây xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, tắc ruột, vỡ khối u gây viêm phúc mạc...

"Việc phát hiện chính xác điểm chảy máu đóng vai trò rất lớn trong việc điều trị trúng đích. Trường hợp cần can thiệp, cũng là can thiệp tối thiểu, giúp bệnh nhân đảm bảo sức khỏe và tính mạng", bác sĩ Quý nhấn mạnh.

Nội soi viên nang: công cụ xóa điểm mù trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa - 3
Bác sĩ Bùi Nhuận Quý chia sẻ về ưu việt của phương pháp nội soi viên nang (Ảnh: FV).

Kỹ thuật nội soi viên nang xuất hiện lần đầu vào năm 1981, giúp các bác sĩ tiêu hóa có cái nhìn rõ ràng hơn bên trong ruột non. Thiết bị nhỏ gọn gồm camera hình viên nang, nguồn sáng, pin và máy phát tín hiệu.

Khi được nuốt xuống ống tiêu hóa, thiết bị sẽ di chuyển dựa vào nhu động ruột và truyền các hình ảnh thu được bên trong về một máy thu tín hiệu được bệnh nhân đeo bên thắt lưng. Sau 11-12 giờ, bộ thu tín hiệu sẽ tự ngắt và viên nang tống xuất khỏi cơ thể qua đường bài tiết. Mỗi viên nang chỉ sử dụng một lần cho mỗi bệnh nhân.

Ngoài khả năng quan sát trực quan các khu vực của đường tiêu hóa mà ống nội soi quang học không thể tiếp cận được, nội soi viên nang còn có nhiều ưu điểm cho bệnh nhân như không xâm lấn, không tốn thời gian, không cần chuẩn bị ruột kỹ (nhịn ăn, tiêu sạch phân...). Phương pháp này cũng không yêu cầu người bệnh tạm ngưng các loại thuốc quan trọng, không cần dùng thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau, không hạn chế với trường hợp bệnh nhân có bệnh lý tim phổi và ít biến chứng nguy hiểm như chảy máu hoặc tổn thương niêm mạc ruột...

Nội soi viên nang cho kết quả cao trong 24 giờ đầu

Cũng theo bác sĩ Quý, kỹ thuật nội soi viên nang đã có mặt tại Việt Nam từ 10 năm nay. Nhưng chi phí đầu tư lớn (khoảng 400 triệu đồng cho bộ thu tín hiệu và 12-13 triệu đồng/viên nang) trong khi các bệnh lý liên quan đến ruột non không phổ biến nếu so với bệnh lý đại tràng và dạ dày, nên hầu hết các bệnh viện sử dụng thiết bị của bên thứ 3. Khi có trường hợp chỉ định nội soi viên nang, họ mới liên hệ với đối tác để thuê thiết bị và quá trình đó có thể mất 2-3 ngày.

Nội soi viên nang: công cụ xóa điểm mù trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa - 4
Bệnh nhân tại Bệnh viện FV được hướng dẫn thực hiện kỹ thuật nội soi viên nang (Ảnh: FV) .

Nhưng thực tế khám chữa bệnh cho thấy, viên nang nội soi có thể phát hiện đến 55% điểm xuất huyết nếu bệnh nhân chảy máu tiến triển trong 24h đầu tiên. Trường hợp trì hoãn khoảng 5 ngày sau đó, tỷ lệ phát hiện chỉ còn 18%.

FV là một trong số ít đơn vị có trang bị sẵn thiết bị nội soi cho bệnh nhân, không nhờ qua một công ty trung gian. Khoa Tiêu hóa và Gan mật Bệnh viện FV còn có lực lượng theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân lúc uống viên nang cũng như sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh trong quá trình mang máy thu tín hiệu tại nhà. Hết thời gian ghi hình, nhân sự của FV chủ động đến tận nơi để thu thiết bị về cho các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đọc kết quả và đưa ra hướng điều trị.

Với những bệnh nhân nằm viện, việc trang bị hệ thống nội soi viên nang tại chỗ giúp các bác sĩ hỗ trợ kịp thời cũng như chủ động đưa hướng xử lý phù hợp. Riêng với trường hợp cấp cứu trong tình trạng xuất huyết ồ ạt, việc chờ hỗ trợ từ bên thứ 3 có thể bỏ qua giai đoạn "vàng" để phát hiện điểm chảy máu.

"Chẳng hạn với trường hợp bệnh nhân David M. - người bị xuất huyết tiêu hóa ẩn trên nền bệnh tim mạch. Nếu không có nội soi viên nang, chúng ta chỉ có thể hy vọng vết thương tự cầm máu và người bệnh vượt qua được. Trường hợp vẫn tiếp tục chảy máu, bệnh nhân có thể phải trải qua cuộc phẫu thuật thám sát (rạch đường nhỏ trên bụng để đưa thiết bị nội soi vào từng đoạn ruột non của bệnh nhân; sau mỗi đoạn lại khâu lại và rạch vết mổ khác) với nguy cơ rất cao trên bàn mổ cũng như di chứng nặng nề cho sức khỏe bệnh nhân sau này", bác sĩ Quý chia sẻ.

Để điều trị các bệnh về đường tiêu hóa tại Bệnh viện FV, bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.