Nội soi tiêu hoá, tôi ơi đừng sợ!

Phải qua hàng ngàn năm mơ ước, lao động sáng tạo, khó khăn lắm mới có thể chế tạo được thiết bị nội soi. Thế nhưng hầu hết người bệnh thường hình dung hoặc nghe đồn đại, rằng nội soi là có thể bị ói, bị đau nên sợ không dám nội soi. Sự thật thế nào?

 

Nội soi tiêu hoá, tôi ơi đừng sợ! - 1


 

Các loại thiết bị nội soi

 

Nội soi cứng: là loại sử dụng ống cứng để đưa vào cơ thể. Loại này không uốn theo độ cong của các cơ quan trong cơ thể nên ít dùng trong soi ống tiêu hoá.

 

Nội soi mềm dùng sợi quang: ống soi chứa hàng chục ngàn sợi quang học li ti mềm để dẫn truyền ánh sáng chiếu vào và dẫn truyền hình ảnh đến camera đặt ở đầu ngoài ống soi. Đây là loại thường dùng trong nội soi, nhất là soi ống tiêu hoá. Ống soi có thể điều khiển uốn cong để tiến sâu vào trong lòng các cơ quan.

 

Nội soi mềm video: không dùng sợi quang mà sử dụng mini camera đặt tại đầu ống soi. Đây là ống soi mềm thế hệ mới cho chất lượng hình ảnh tốt hơn loại sợi quang.

 

Nội soi mềm có bóng: là hệ thống gồm một ống soi mềm lồng trong một ống bao, có một bóng ở đầu ống bao (bóng đơn) hoặc một bóng ở đầu ống bao và một bóng ở đầu ống soi (bóng đôi). Các bóng này có thể bơm căng và xả xẹp từng lúc để kéo rút ruột lại từng đoạn giúp ống soi tiến vào ruột một cách chủ động và hiệu quả.

 

Nội soi viên nang: gồm camera, đèn chiếu sáng, pin, bộ vi xử lý nhận và phát tín hiệu hình ảnh đặt gọn trong một viên nang giống viên thuốc con nhộng. “Viên thuốc” này sau khi được bệnh nhân nuốt vào sẽ ghi hình những nơi nó đi qua và phát tín hiệu ra cho một máy thu được bệnh nhân đeo bên ngoài.

 

Ai cần phải nội soi tiêu hoá?

 

Kỹ thuật nội soi có thể được dùng để: nội soi trong lòng cơ quan rỗng (soi vào các hốc, ống có sẵn trong cơ thể qua các lỗ tự nhiên của cơ thể); nội soi ống tiêu hoá; nội soi niệu; nội soi tai mũi họng, phế quản; nội soi đường mật; nội soi sản phụ khoa; nội soi phẫu thuật… Trong đó, nội soi tiêu hoá là lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất.

 

Lợi ích của nội soi

 

Giúp nhìn thấy cơ quan bên trong: hình ảnh thấy được có thể phóng đại nhiều lần, chụp lưu lại và in ra để nhiều bác sĩ cùng quan sát.

 

Giúp lấy mẫu mô thử nghiệm mô học và tế bào học: khi quan sát thấy thương tổn nào đó, bác sĩ nội soi có thể lấy nhiều mẫu mô ở nơi thương tổn (gọi là sinh thiết) gởi đến đơn vị giải phẫu bệnh để khảo sát vi thể về mô học, tế bào học.

 

Nội soi dạ dày còn được dùng để tầm soát phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Nếu có điều kiện thì mọi người trên 50 tuổi nên soi dạ dày tầm soát trong một đợt kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

 

Can thiệp qua nội soi: qua nội soi có thể thực hiện những thủ thuật hoặc phẫu thuật điều trị. Đây là cách điều trị nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn so với phẫu thuật kinh điển.

Thực quản - dạ dày - tá tràng: nội soi để chẩn đoán các bệnh viêm, loét, u, túi thừa… ở thực quản, dạ dày, tá tràng bằng cách dùng ống soi mềm có đường kính 10mm đưa qua miệng xuống thực quản đến dạ dày và tới phần đầu của tá tràng. Thủ thuật thực hiện khá nhanh chóng, không cần gây mê, bệnh nhân chỉ thấy buồn nôn khi ống soi chạm vào thành họng.

 

Khi bị các triệu chứng đau vùng trên rốn hoặc các rối loạn tiêu hoá trên như đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, ợ chua, người ta thường chẩn đoán là viêm dạ dày và dùng thuốc điều trị viêm dạ dày. Tuy nhiên, tốt nhất nên nội soi dạ dày tá tràng trước khi điều trị dạ dày để không bỏ sót các bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày. Ngoài ra, nội soi còn là phương tiện để lấy mẫu thử xác định nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

 

Nội soi dạ dày còn được dùng để tầm soát phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Nếu có điều kiện thì mọi người trên 50 tuổi nên soi dạ dày tầm soát trong một đợt kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

 

Trực tràng - đại tràng: nội soi để chẩn đoán các bệnh viêm, u, pôlýp, túi thừa bằng cách ống soi mềm có đường kính 12mm đưa từ hậu môn lên trực tràng và hết khung đại tràng, đôi khi qua được đoạn cuối ruột non vài chục centimet. Soi đại tràng khó hơn soi dạ dày vì đại tràng có nhiều chỗ gấp góc khó vượt qua. Bệnh nhân cảm giác khó chịu hơn do phải bơm hơi làm căng trướng ruột. Đôi khi cần gây mê toàn thân để bệnh nhân không cảm giác sợ và đau. Khả năng tai biến thủng đại tràng có thể xảy ra mặc dầu rất hiếm.

 

Khi bị các triệu chứng rối loạn thói quen đại tiện, rối loạn tính chất phân (thường xuyên đi phân lỏng hoặc bón, phân nhỏ dẹt), đặc biệt là phân có đàm nhớt lẫn máu, thì nên gặp các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tiêu hoá để được khám và chỉ định soi đại tràng. Ngoài ra, cũng như dạ dày, soi đại tràng còn dùng để tầm soát phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn sớm. Tuỳ mức độ nguy cơ, soi kiểm tra mỗi năm hoặc mỗi ba năm một lần.

 

Ruột non: là vị trí nội soi khó tiếp cận nhất của đường tiêu hoá cho dù đi từ miệng hoặc từ hậu môn. Cũng may mắn là bệnh ở ruột non xảy ra ít hơn nhiều so với bệnh dạ dày và đại tràng. Có hai kỹ thuật đặc biệt để soi ruột non là nội soi viên nang và nội soi có bóng (bóng đơn hoặc bóng đôi). Nội soi viên nang dễ thực hiện, viên nang sẽ được tống ra ngoài theo phân. Nhược điểm của kỹ thuật này là hình ảnh không rõ nét lắm, chi phí rất cao. Thêm nữa, viên nang không thể chủ động dừng lại để quan sát kỹ một vị trí nào đó khi phát hiện thương tổn. Với nội soi có bóng, ống soi mềm có bóng đơn hoặc bóng đôi có khả năng chủ động tiến sâu vào ruột non từ miệng xuống và từ hậu môn lên. Phối hợp cả hai đường có thể cho phép quan sát toàn bộ ruột non. Kỹ thuật khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và cần phải gây mê toàn thân.

 

Thông thường, nếu bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ thương tổn ở ruột non như xuất huyết tiêu hoá, rối loạn tiêu hoá không thấy được nguyên nhân ở dạ dày – đại tràng, nội soi viên nang được chỉ định. Khi nội soi viên nang phát hiện ruột non có thương tổn nghi vấn, sẽ thực hiện nội soi bóng đơn hoặc bóng đôi để xác định chẩn đoán.

 

Can thiệp qua nội soi: là dùng dụng cụ chuyên biệt đưa qua lòng ống soi đến vị trí thương tổn thực hiện những thủ thuật điều trị như cầm máu, cắt các u nhỏ, thắt tĩnh mạch giãn, lấy sỏi mật, nong những chỗ hẹp lòng ống tiêu hoá, đặt stent làm thông đường tiêu hoá… Đây là những phẫu thuật xâm hại tối thiểu, không để lại sẹo, mang lại nhiều lợi ích trong điều trị. Can thiệp qua nội soi cũng có thể xảy ra tai biến như chảy máu, thủng đường tiêu hoá… nhưng không đáng kể so với lợi ích mà nó mang lại.

 

Tóm lại, bệnh đường tiêu hoá rất khó chẩn đoán và điều trị. Nội soi là phương tiện vô cùng hiệu quả để giải quyết vấn đề khó khăn này.

 

Theo TS.BS Đặng Tâm

Sài Gòn tiếp thị