Nổi mề đay, tăng nhịp tim vì bọ xít đốt
(Dân trí) - Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết Trung tâm vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ (37 tuổi, Hà Nội) xuất hiện ban đỏ ngứa toàn thân, nhịp tim tăng do bọ xít đốt.
Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) bệnh nhân được xác định bị mày đay cấp do bọ xít đốt. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc, xuất viện cùng ngày. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Trung tâm được xác bị dị ứng bọ xít hút máu đốt.
Theo TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam - người đã có nhiều năm nghiên cứu về bọ xít hút máu: “Khi bị bọ xít đốt, tùy theo cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu”, TS Lam cảnh báo.
Thực tế, rất nhiều người sau khi bị bọ xít đốt thì sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu và sốt cao nhưng chỉ sau 1 - 2 ngày lại khỏi. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt, do cơ địa quá mẫn cảm nên khi bọ xít đốt gây phản ứng mạnh, sưng tấy, sốt cao phải nhập viện điều trị như một bệnh lý dị ứng.
Vì thế, để phòng ngừa bọ xít hút máu, người dân cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít.
Hồng Hải