Nới lỏng cách ly xã hội, nguy cơ nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn
(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã giảm nhanh, Chính phủ đã quyết định nới lỏng cách ly xã hội. Tuy nhiên, khi nới lỏng cách ly, mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh ở mức cao hơn, tuyệt đối không lơ là chống dịch.
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao hơn
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội trên toàn cầu, khiến hơn 2,5 triệu người mắc trong đó có hơn 177 nghìn ca tử vong. Dịch bệnh đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tồi tệ đến kinh tế, xã hội, nguy cơ đẩy nhân loại vào một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu nhưng với đường lối đúng đắn trong cuộc chiến chống dịch, Việt Nam đang từng bước khống chế, đẩy lùi tiến tới dập tắt hoàn toàn dịch Covid-19 trên toàn lãnh thổ.
Chiều 22/4, Chính phủ đã quyết định triển khai phương án chủ động thực hiện các bước nới lỏng cách ly xã hội, tiến tới chung sống với dịch Covid-19.
Dưới góc nhìn chuyên môn về phương án nới lỏng cách ly xã hội, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM phân tích: “Nới lỏng cách ly xã hội thì mọi người đều đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn khi còn cách ly xã hội. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, cả nước không phát hiện ca mới nhiễm Covid-19, số ca mắc bệnh cũng sắp khỏi hết, đây là thời điểm cần nới lỏng cách ly xã hội, từng bước đưa kinh tế và các vấn đề xã hội phát triển trở lại. Chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp”.
Tuy nhiên, khi nới lỏng cách ly xã hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm ở mức cao hơn do giao thương, đi lại, tiếp xúc nhiều trong cộng đồng. Các điểm có yếu tố nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong cộng đồng sẽ rơi vào những nơi tập trung đông người như công xưởng, trường học, chợ, siêu thị. Nếu không có giải pháp kiểm soát tốt để xuất hiện ca bệnh (F0) trong cộng đồng thì việc kiểm soát dịch trong tình hình mới sẽ nhiều khó khăn”.
Để ngăn chặn, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch khi nới lỏng cách ly xã hội, theo BS Trương Hữu Khanh, các đơn vị liên ngành phải có biện pháp cứng rắn đối với những điểm nguy cơ cao. Các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, nếu sai phạm sẽ bị xử lý, buộc đóng cửa doanh nghiệp sai phạm. Những nơi tập trung đông người cần có giải pháp quản lý tốt, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý “nóng” những người cố ý vi phạm quy định phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, không kiểm tra thân nhiệt…
Toàn dân đồng lòng sẽ dẹp tan dịch Covid-19
Tại TPHCM, đến nay đã qua 15 ngày không phát hiện ca bệnh mới, tuy nhiên, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Để ứng phó hiệu quả với diễn biến của dịch bệnh khi thực hiện giãn cách xã hội, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan chủ động triển khai các biện pháp chống dịch và khuyến cáo toàn dân tuyệt đối không chủ quan khi dịch Covid-19 suy giảm.
Sở Y tế nhận định, sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 sẽ lây lan tại các điểm tập trung đông người, bên cạnh đó là việc tiếp nhận người Việt Nam từ nước ngoài trở về. Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố phối hợp với các bên liên quan, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính rủi ro lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 phù hợp với đặc thù của từng sở ngành, đảm bảo duy trì chống dịch trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Liên quan đến nguy cơ từ kiều bào trở về nước, theo BS Trương Hữu Khanh cần phải xây dựng quy trình chặt chẽ đảm bảo 100% kiều bào về nước được cách ly từ sân bay, theo dõi sát nguy cơ nhiễm bệnh tại các khu cách ly tập trung cho tới khi đảm bảo an toàn dịch mới hòa nhập cộng đồng. Đây là việc làm bắt buộc đối với mỗi cá nhân để đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng trước dịch Covid-19.
Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, học sinh sẽ từng bước trở lại trường, an toàn của học sinh trước dịch bệnh đang thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, theo phân tích của BS Hữu Khanh, việc học sinh, sinh viên nhập học trở lại cũng chỉ là yếu tố nguy cơ khi con người đi lại nhiều. Nếu bảo đảm được người lớn không nhiễm bệnh, không lây cho trẻ em thì trong môi trường học đường sẽ không có mầm bệnh.
Việc khống chế ca bệnh ngoài cộng đồng là giải pháp tiên phong, song các trường cũng cần chủ động những phương án phát hiện sớm trường hợp nguy cơ thông qua kê khai y tế, đo thân nhiệt ngay từ cổng trường, cho học sinh mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, cách ly khi có ca nghi nhiễm... giữ khoảng cách hợp lý giữa các học sinh bằng việc tạm ngưng chào cờ đầu tuần, không tập trung đông người trong trường học là việc nên làm.
BS Hữu Khanh khuyến cáo, khi nới lỏng cách ly xã hội việc phòng ngừa vẫn sẽ tập trung ở khuôn mặt và bàn tay. Cộng đồng cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, mang nón che giọt bắn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hạn chế tập trung đông người. Cần bảo vệ người lớn tuổi, người có bệnh lý nền và trẻ nhỏ trước các nguy cơ lây nhiễm của dịch Covid-19.
Nếu chúng ta vừa nới lỏng, vừa giám sát chặt các yếu tố nguy cơ, toàn dân đều tuân thủ quy định phòng chống dịch, cơ quan chức năng ngăn chặn được nguồn bệnh từ biên giới tràn vào hoặc từ kiều bào về nước không để lây lan trong cộng đồng thì dịch Covid-19 khó có khả năng bùng phát trở lại trên cả nước. Tình huống xấu hơn thì dịch cũng chỉ xuất hiện cục bộ ở một số điểm đơn lẻ, có thể nhanh chóng kiểm soát được.
Vân Sơn