1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nỗi lo dinh dưỡng học đường

(Dân trí) - Các gia đình thời nay thường chỉ có 2 con. Đời sống ngày càng cao nên việc chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ đến việc chọn trường cho con cũng kỹ lưỡng hơn. Xu thế chung là “con hơn cha mẹ” từ vóc dáng đến chỉ số IQ mới là gia đình hiện đại. Sự kỳ vọng này không có gì sai nếu chúng ta biết cách.

Tuổi học đường được tính từ khi đến trường cho đến khi học hết phổ thông trung học. Đây là giai đoạn trẻ phát triển thể chất, tinh thần và có bước ngoặt lớn lao về mặt tâm sinh lý. Đó là dậy thì. Nếu các bậc cha mẹ chịu nhớ lại thời kỳ “dở dở, ương ương” của mình thì còn đỡ. Sự áp đặt, nghĩ giùm và dùng những ngôn từ miệt thị hoặc so sánh với những trẻ khác đã khiến một số trẻ trở nên nổi loạn, chán chường, bỏ học hoặc rơi vào trầm cảm. Riêng chuyện ăn uống cũng tồn tại nhiều cung bậc khác nhau trong mỗi gia đình, đặc biệt với trẻ nhỏ, độ tuổi cấp 1.

 

Hội chứng chán ăn

 

Một số trẻ có ít cảm giác thèm ăn ngay từ tuổi mẫu giáo. Cha mẹ cho đến “tập đoàn” ông bà nội, ngoại đều nhất tề vào cuộc. Mẹ chồng đổ cho con dâu không biết nuôi cháu, có bà còn bóng gió rằng “Thời xưa tôi nuôi các anh, các chị làm gì có thực phẩm  dinh dưỡng tốt như bây giờ mà đứa nào cũng hay ăn chóng lớn. Khoa học kỹ thuật cho nó lắm vào, trông thằng cháu tôi cứ như cái giẻ vắt vai…”.

 

Người mẹ vừa tức vừa lo lắng, chẳng hiểu mình đã sai ở điểm nào? Từ tức giận dẫn đến hành động quá khích: dùng roi vọt bắt trẻ ăn. Đứa trẻ nhìn thấy chén cơm, ly sữa là quay mặt đi, nhưng khi nhìn thấy cây roi lại vừa khóc vừa nuốt. Cuộc “tra tấn ăn uống” diễn ra mỗi ngày lại đẩy “hội chứng chán ăn” đi xa hơn và trẻ chỉ ăn kèm theo cuộc tra tấn kinh hãi.

 

Có vợ chồng trẻ ở riêng,  xa cha mẹ nhưng giữa các bà mẹ có con cùng trang lứa luôn có cuộc “cạnh tranh ngầm”. Nếu con nhà kia được khen là “bụ bẫm nhìn thấy phát… ghét” thì  bà mẹ trẻ quyết tìm hiểu xem nó ăn những gì và áp đặt luôn cho con mình, dù con không nhiệt tình với những món mới đó. Trẻ đang phát triển bình thường có thể bị chựng lại vì sự áp đặt, đang ăn bình thường bị đổi sữa, đổi món đột ngột cũng có thể gây ra hội chứng chán ăn để rồi thiếu cân, suy dinh dưỡng và sức đề kháng giảm.

 

Béo phì

 

Với trẻ sẵn có “tâm hồn ăn uống” lại được gia đình chiều chuộng, dùng thực phẩm như phần thưởng khích lệ học tập lại dẫn đến béo phì. Trẻ được tự chọn món ăn và thường là đồ ngọt, đồ béo. Những thực phẩm chế biến sẵn đẹp mắt lại quảng cáo hấp dẫn trên tivi mỗi tối tạo ấn tượng rất mạnh với trẻ. Ra siêu thị chúng chạy đến quầy có loại bánh kẹo đó, khăng khăng đòi mua thật nhiều. Về tới nhà trẻ vừa xem tivi vừa ăn, chúng hoàn toàn không để ý đến cảm giác no, có trẻ rời mắt khỏi màn hình Cartoon network mới kêu lên: “No vỡ cả bụng!”.

 

Ở các trường bán trú, trẻ được cho ăn với chế độ bồi dưỡng và công khai cho các bậc phụ huynh…thích. Trường bán trú học suốt ngày, trưa ngủ đẫy giấc, thức dậy được ăn xế bằng chè, bánh…và đứa nào cũng phải ăn hết kẻo cô mất điểm thi đua! Những trẻ chán ăn lén lút nhờ trẻ háu ăn giải quyết giùm phần của mình. Chiều chiều cha mẹ đón con về lại hỏi: “Con muốn ăn gì?” Cô bé hay cậu bé được dịp chỉ những món ưa thích. Tối đến bên mâm cơm gia đình, trẻ lại được “chăm bón” tiếp tục sau một ngày xa cách cha mẹ.

 

Giờ chơi ở trường bán trú lại rất ít, năng lượng tiêu hao cho “sự ngồi” chẳng đáng là bao… Cho con học bán trú thường là những gia đình khá giả, nhà trường và gia đình đã vận dụng hết “kỹ thuật chăn nuôi trẻ”, thế là chúng trở thành những đứa trẻ có khối mỡ dầy hơn khối nạc, một số đã trở thành “em chã”.

 

Đến lúc này, tốc độ ăn giống như chiếc xe không thắng, cứ thế tiến về phía trước. Ăn nhiều lại ngủ nhiều khiến trẻ lơ là việc học. Nhà trường mời phụ huynh đến thông báo rằng điểm số các môn của cháu đang chuyển động theo chiều hướng đi xuống. Cha mẹ cứ thắc mắc: Nuôi đủ chất thế tại sao học không vô? Có bà mẹ nhìn con ngủ với cái bụng to tướng phơi ra, với vành đai đen hắc tố bám quanh cổ mới bắt đầu lo lắng: Chẳng hiểu con mình mắc bệnh gì? Nếu có đưa đến với bác sĩ dinh dưỡng thì họ thường yêu cầu: Bác sĩ dọa cho nó sợ, nó ăn nhiều lắm, nói mãi không nghe. Mà sao từ hồi béo phì nó học ngu hẳn đi… Tác giả cứ đứng chê “tác phẩm” của chính mình, bác sĩ cũng chỉ có nước…cười.

 

Rốt cuộc ăn như thế nào?

 

Mỗi gia đình là một “trường phái dinh dưỡng” độc lập, khó có thể đưa ra một công thức toán học trong vấn đề nuôi trẻ. Nên chăng các bậc cha mẹ đừng quan trọng hóa, cũng đừng quá thờ ơ. Ở Mỹ, quan điểm chung là: Trẻ đói thì chúng sẽ ăn. Họ không nóng ruột như các bà mẹ Việt Nam…anh hùng đến mức: Chiều nay “nó” ăn hơi ít, đang ngủ phải đánh thức dậy để bắt “nó” ăn kẻo đêm đói thì sao? Bữa ăn nên khen món này làm con lớn nhanh, món kia làm da đẹp, món nữa làm tăng trí thông minh. Trẻ vốn thích lớn nhanh và đẹp nên thấy cả nhà ăn “có khí thế”, chúng sẽ làm theo.

 

Với những trẻ đang thừa cân, béo phì nên giải thích và động viên trẻ quan tâm đến rau. Chẳng hạn ăn một tô canh rau nấu với thịt nạc sẽ tăng vitamine, chất khoáng và luôn nhắc trẻ đừng dán mắt vào màn hình tivi với bánh ngọt trên tay, trước khi đi ngủ không ăn các món ngọt vì chúng làm hạn chế phát triển chiều cao…

 

Nên tập thói quen gì cho trẻ

 

Vận động luôn tốt cho trẻ. Sự vận động dưới hình thức trò chơi càng tuyệt vời. Vận động sẽ kích thích tăng trưởng sụn đầu xương để ban đêm hóc - môn tăng trưởng tác động làm xương dài ra. Sự vận động giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, kích thích trí thông minh. Những trẻ được xếp vào loại hiếu động đều nhanh nhẹn, thông minh hơn những trẻ béo phì.

 

Nên tập cho trẻ cách học bài làm sao tiếp thu nhanh chứ không phải thức khuya để chứng tỏ sự cần mẫn. Muốn vậy các bậc cha mẹ khi kèm trẻ cần gợi mở óc sáng tạo trong cách nhớ bài hoặc cách giải bài toán khó. Kinh nghiệm cho thấy, những gia đình cha mẹ quan tâm đến dinh dưỡng và cách học của con không hẳn là những gia đình khá giả.

 

Họ cho con ăn rau, ăn thịt, cá, ăn đậu hũ, tôm, cua…chứ không phải là các món cao cấp hay thực phẩm chế biến sẵn. Chúng ta đừng đi vào vết xe đổ của những nước phát triển với đồ hộp và thực phẩm năng lượng cao bởi tổ tiên chúng ta đã thích nghi với săn bắt, hái lượm và thực phẩm tươi sống. Tập cho trẻ thói quen ăn uống vừa đủ để đảm bảo sức khỏe  thể chất, tinh thần mới mong “Con hơn cha là nhà có phúc”.

 

BS Lê Thúy Tươi

Chuyên san Trí Tri số 20