1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Nối cánh tay đứt lìa sát nách cho bệnh nhân 14 tuổi

(Dân trí) - Đến nay, sau hơn 1 tuần kể từ khi tiến hành ca mổ nối tay đứt lìa tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân Phan Công Bằng (14 tuổi, Yên Thành) đã tiến triển tốt, cánh tay đứt lìa đã có dấu hiệu phục hồi chức năng.

Hình ảnh chụp X Quang cánh tay đứt lìa của bệnh nhân lúc mới nhập viện.
Hình ảnh chụp X Quang cánh tay đứt lìa của bệnh nhân lúc mới nhập viện.

Vào lúc 18h05’, ngày 23/02, khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Bằng nhập viện với vết thương vùng cánh tay trái đứt gần lìa giờ thứ 4 (do bị tường đổ trong quá trình gia đình tháo dỡ nhà cũ) gây dập nát cánh tay.

Bệnh nhân đau dữ dội; xương, mạch máu, cơ cánh tay bị đứt hoàn toàn, dây thần kinh giữa, quay, trụ bị đụng dập, chỉ còn một mẩu da khoảng 5cm, tay nhợt lạnh, vết thương nham nhở, dập nát, mất vận động và cảm giác bàn tay trái.

Ngay lập tức, ê kíp hội chẩn liên khoa: Chấn thương, Ngoại lồng ngực, Gây mê hồi sức được huy động. Nhận thấy bệnh nhân mất máu trầm trọng do đứt động mạch, không còn mạch máu nuôi chi, nguy cơ tàn phế, ê kíp hội chẩn quyết định chuyển mổ tối khẩn.

Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng ngay trong đêm 23/2.

Bác sỹ khoa Chấn thương và Ngoại Lồng ngực thăm khám hậu phẫu chặt chẽ bệnh nhân Bằng
Bác sỹ khoa Chấn thương và Ngoại Lồng ngực thăm khám hậu phẫu chặt chẽ bệnh nhân Bằng

Các bác sỹ đã cắt ngắn khoảng 6cm xương cánh tay đoạn dập nát, cắt lọc tổ chức cơ, phần mềm hoại tử, dập nát và khâu nối lại; đồng thời cố định xương bằng khung ngoại vi.

"Sau khi ghép mạch, nhận thấy tuần hoàn ngoại vi đã có sự tưới máu, hồi lưu tĩnh mạch được, Ê kíp tiếp tục mở cân cẳng tay phòng hội chứng tái tưới máu”, Thạc sỹ, BS. Phạm Văn Chung, khoa Ngoại lồng ngực, phẫu thuật viên chính mạch máu cho biết.

Sau mổ, bệnh nhân liên tục được xét nghiệm máu, duy trì dùng thuốc chống đông, giảm đau, lợi tiểu; kết hợp cùng kháng sinh liều cao và mạnh nhất; thay băng, rửa vết thương thường xuyên để chống nhiễm trùng.

"Do bị tổn thương động mạch, nên sau 1 tuần điều trị, bệnh viện đã huy động gần 8 lít máu, huyết tương để truyền bù cho bệnh nhân”, Thạc sỹ, BS. Phan Ngọc Khóa, khoa Chấn thương Chỉnh hình nhận định.

Đến nay, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định, các ngón tay đã có thể vận động nhẹ. Bước đầu, cánh tay được ghép nối đã có kết quả khả quan.

Được biết, Bệnh viện HNĐK Nghệ An thường xuyên tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh đứt chi, nhưng đây là một trong những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương phức tạp nhất bệnh viện tiếp nhận điều trị.

Hoàng Yến - Nguyễn Duy