Niềm tin giảm, nhiều doanh nghiệp thực phẩm chức năng lao đao?

Không còn sôi động như một vài năm trước, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam hiện dần đi vào quỹ đạo của quy luật đào thải. Khách hàng quay lưng lại với những sản phẩm chất lượng kém với cách buôn bán “chụp giật”, bất chấp các quy định hiện hành.

Trong khi những sản phẩm khẳng định được chất lượng vẫn “sống tốt” thì hầu hết các sản phẩm còn lại vô cùng chật vật trong “cuộc chiến” tìm kiếm và giữ chân khách hàng trung thành.

Niềm tin giảm, nhiều doanh nghiệp thực phẩm chức năng lao đao? - 1

Việc vi phạm của hàng loạt các cơ sở sản xuất TPCN cũng đã được cơ quan quản lý công bố rộng rãi với số tiền phạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2016, có đến 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN bị phát hiện vi phạm và xử lý về quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ, chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả, thu hồi 12 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 18 lô TPCN vi phạm.

Từ những năm 2000, các sản phẩm TPCN đầu tiên đã có mặt tại thị trường VN bằng con đường nhập khẩu. Đến năm 2015, nước ta đã có hơn 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm kém an toàn tràn lan… như hiện nay khiến các bệnh mạn tính không lây bùng phát dẫn đến việc sử dụng TPCN chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng cao.

Vốn là những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, có thể sử dụng mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi của bác sĩ, TPCN tại VN phần lớn được phân phối tại các nhà thuốc, các cửa hàng chăm sóc sức khỏe, hệ thống siêu thị...

Cô Hà Lê (53 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thường đến nhà thuốc để mua các loại TPCN để được dược sĩ tư vấn loại nào tốt, phù hợp cho từng người, từng loại bệnh khác nhau”.

Kinh doanh TPCN theo hình thức đa cấp tại thị trường VN đang dần bị xiết chặt quản lý, thậm chí rút giấy phép hoạt động. Hầu hết sản phẩm TPCN thuộc kênh bán hàng đa cấp đều được quảng cáo quá sự thật, giá cả thì bị thổi phồng vô tội vạ nhưng chất lượng lẫn tác dụng của sản phẩm đều rất khó kiểm chứng.

“Tôi từng sử dụng nhiều loại TPCN của nhiều công ty đa cấp. Chỉ một số ít sản phẩm khiến tôi hài lòng”, anh Ngọc Phương (37 tuổi, TP.HCM) cho biết.

TPCN xách tay vẫn là hình thức được ưa chuộng nhiều tính đến thời điểm hiện tại. Dù vậy, các vấn đề về nguồn gốc sản phẩm, thành phần, tác dụng và chất lượng sản phẩm... cũng khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với kênh bán hàng này “lung lay” đi nhiều. Được bạn giới thiệu cửa hàng chuyên bán TPCN xách tay từ Mỹ, Nhật, Hàn…, chị Hoàng Quyên (34 tuổi, Hà Nội) như lạc vào “mê trận” bởi: “Có nhiều sản phẩm có cùng công dụng nhưng mức giá lại “trên trời dưới đất” chênh lệch quá nhiều. Chưa kể khi hỏi về hóa đơn chứng từ chứng minh hàng chính hãng thì người bán chỉ đảm bảo bằng miệng.”

Hình thức mua bán qua mạng rất phổ biến hiện nay, thu hút đông đảo người tham gia mua bán với hàng trăm trang web bán TPCN trực tuyến. Thống kê cho thấy, trong số 19% số người online có mua sắm trực tuyến thì có đến 39% hướng đến mặt hàng TPCN. Một điều tra gần đây lại chỉ ra rằng, mức độ niềm tin của người tiêu dùng dành cho mua bán online đang sụt giảm do các vấn đề liên quan đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, quảng cáo quá sự thật v.v…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, thị trường TPCN tại Việt Nam có gần 40% sản phẩm là được nhập khẩu. Trong khi đó, theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, hiện có rất ít doanh nghiệp trong nước đầu tư dây chuyền sản xuất bài bản, tuân thủ các quy trình sản xuất TPCN an toàn. Theo các chuyên gia, khi mà nhận thức người dân tăng cao với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, “cuộc chơi” của thị trường TPCN thời gian tới sẽ thuộc về những đơn vị biết đầu tư và nâng cao chất lượng sản xuất để khẳng định chất lượng sản phẩm nội tương đương sản phẩm nhập.

Bảo Hà