Những xét nghiệm buộc phải làm nhiều lần

(Dân trí) - Liên thông kết quả xét nghiệm là hợp lý, hợp tình nhưng cùng với đó, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết. Vậy khi nào người bệnh sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm "giống nhau"?

Những xét nghiệm buộc phải làm nhiều lần - 1

1. Cần “kiểm tra” kết quả xét nghiệm của tuyến dưới

Bệnh viện tuyến sau, thường là tuyến cao hơn và là nơi trực tiếp điều trị bệnh nhân, do đó họ có “quyền” chưa tin cậy xét nghiệm của tuyến trước hoặc nghi ngờ kỹ thuật xét nghiệm của tuyến trước chưa đảm bảo. Ví dụ với xét nghiệm đường glucose máu, cùng một mẫu máu, nhưng tùy theo cách lấy máu, phương tiện, kỹ thuật xét nghiệm sẽ có thể có các kết quả khác nhau.

Sau khi khám lâm sàng, thầy thuốc gần như bắt buộc phải nhờ đến các xét nghiệm, thủ thuật cận lâm sàng hỗ trợ để xác định căn bệnh, đánh giá mức độ cũng như tiên lượng bệnh.

Có rất nhiều xét nghiệm trong y khoa, chúng được chia làm hai nhóm: (1) xét nghiệm để chẩn đoán gồm chẩn đoán định hướng, chẩn đoán xác định (xét nghiệm vàng), chẩn đoán phân biệt và (2) xét nghiệm để theo dõi gồm theo dõi diễn tiến bệnh, hiệu quả điều trị, biến chứng.

Hiện nay, hệ thống kiểm chuẩn của chúng ta chưa đánh giá, phân loại các phòng xét nghiệm bệnh viện theo loại A, B, C, D như ở nước ngoài. Cả nước mới có khoảng 50 phòng xét nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO 15189. Còn máy móc, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện đầu tư khác nhau, trình độ nhân lực chệnh lệch do đó kết quả xét nghệm sẽ có thể khác nhau.

Theo luật y tế, bác sĩ điều trị phải chịu trách nhiệm trước bệnh nhân. Do đó, các đa số bệnh viện khi tiếp nhận bệnh chuyển đến thường phải làm lại xét nghiệm để có “bằng chứng” trong hồ sơ điều trị, đặc biệt với các bệnh nặng chuyển tuyến. Ví dụ, nếu bác sĩ căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác, không xét nghiệm kiểm tra lại mà mổ luôn, không may người bệnh có vấn đề gì thì ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm?

Có thể thấy điều này qua trả lời của lãnh đạo các bệnh viện trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, theo ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cho biết, bệnh viện mới chỉ chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như: Bạch Mai, K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Nhi Trung ương...

Tương tự, tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện cho rằng: Tuy vẫn tôn trọng kết quả xét nghiệm của các bệnh viện khác chuyển đến, nhưng với một số trường hợp còn nghi ngờ, chưa rõ ràng thì vẫn phải làm xét nghiệm lại.

GS.TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu học TP.HCM, nói: "Vô số phòng xét nghiệm hiện nay được mở ra và sự sai số về kết quả xét nghiệm giữa các nơi là có thật. Sai số có thể là do con người, máy móc, thuốc thử và cả phương pháp làm xét nghiệm giữa các nơi khác nhau. Một số cơ sở xét nghiệm lấy máu bệnh nhân rồi cho vào tủ lạnh, đợi gom cho đủ số lượng rồi mới đưa đến nơi khác làm xét nghiệm dẫn đến làm sai lệch kết quả”. Vì vậy, việc xét nghiệm lại sẽ giúp chẩn đoán chính xác, tránh được các sai sót có thể xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, việc một số kết quả xét nghiệm khi chuyển viện bị yêu cầu làm lại chủ yếu do nguyên nhân khách quan, xét nghiệm lại nhằm mục đích giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

2. Tuyến trước chưa có xét nghiệm đủ “tầm” để chẩn bệnh

Rõ ràng bệnh viện tuyến trước thường và chỉ chuyển lên tuyến cao hơn, nơi có những kỹ thuật, thăm dò, xét nghiệm mà bệnh viện mình không có. Ví dụ những xét nghiệm sinh hóa cao cấp về nội tiết, di truyền phân tử, thậm chí có những xét nghiệm thường quy nhưng với kỹ thuật mới sẽ có độ nhạy và đặc hiệu cao cấp hơn.

Tuy nhiên, có nhiều xét nghiệm đơn giản nhưng bắt buộc phải làm lại. Ví dụ trước khi truyền máu, xét nghiệm công thức máu không cần phải làm lại nhưng xét nghiệm nhóm máu thì bắt buộc phải làm lại cho dù người bệnh đã làm xét nghiệm nhóm máu ở bệnh viện khác. Bởi nếu nhóm máu không chính xác, truyền nhầm nhóm máu sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

3. Những xét nghiệm để theo dõi diễn biến, hiệu quả điều trị phải làm nhiều lần

Trong khá nhiều bệnh, trong quá trình theo dõi điều trị thầy thuốc bắt buộc phải làm xét nghiệm nhiều lần.

Ba thí dụ minh họa cho điều này là Sốc nhiễm trùng, Đái tháo đường và Sốt xuất huyết: Trong Sốc nhiễm trùng những thông số sinh học được đo thường xuyên trên máy monitor và qua các xét nghiệm sinh hóa; trong Đái tháo đường các xét nghiệm glucose máu, điện giải đồ, khí máu động mạch…được tiến hành mỗi giờ; trong Sốt xuất huyết xét nghiệm tiểu cầu, Hct (độ đặc máu) ít lắm 3 lần mỗi ngày…

Đôi điều bàn luận

Xét nghiệm rất cần thiết để chẩn đoán và theo dõi bệnh. Thầy thuốc mà thiếu xét nghiệm hỗ trợ thì chỉ “đoán mò” chứ không thể chẩn bệnh được.

Những xét nghiệm để theo dõi diễn tiến và điều trị cần phải làm nhiều lần, thậm chí là liên tục, để kịp thời xử lý tình huống, diễn tiến phát sinh.

Thầy thuốc phải hiểu rõ phải quy trình, ý nghĩa và công dụng của các xét nghiệm mình cho tiến hành trên bệnh nhân. Có như thế, chúng ta sẽ tránh được những xét nghiệm lặp lại không cần thiết, như chụp phim gãy xương đến hai lần, hoặc cho làm thừa xét nghiệm vô ích tốn tiền bạc, thời gian, công sức của bệnh nhân.

Bệnh viện cùng hạng cần phải có quy trình nội kiểm, ngoại kiểm chuẩn mực để liên thông chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, tránh tình trạng một số bệnh viện cùng hạng, thậm chí nằm sát nhau nhưng khi bệnh nhân từ bệnh viện này chuyển sang bệnh viện kia vẫn phải làm lại xét nghiệm mất thời gian và lãng phí tiền bạc không cần thiết.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cả nước có 1.336 bệnh viện, trong đó có 38 bệnh viện tuyến T.Ư; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 629 bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện ngành...

Nhu cầu, số lượng xét nghiệm tại các bệnh viện tăng hơn 10% mỗi năm. Chi phí cho xét nghiệm khá lớn, theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm gần 20% tổng chi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của các trung tâm, bệnh viện chưa đồng nhất, thậm chí còn khác nhau…Do đó, vẫn có tình trạng các cơ sở y tế chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau và bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm vừa kéo dài thời gian vừa tốn kém tiền bạc.

Nhằm chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm và tạo điều kiện thuận tiện, tiết kiệm cho người bệnh, Thủ tướng đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm bệnh viện hạng 1 và bệnh viện hạng đặc biệt trước ngày 1/1/2018.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm