Những triệu chứng cảnh báo ung thư gan giai đoạn cuối
(Dân trí) - Sụt cân, nôn, buồn nôn, ngứa, trướng bụng, đi ngoài phân bạc màu… đều có thể là những triệu chứng ở giai đoạn muộn của ung thư gan.
Ung thư gan được xếp vào nhóm khó sàng lọc phát hiện sớm. Ở giai đoạn sớm, bệnh ít có triệu chứng nên đa phần người bệnh phát hiện bị ung thư gan khi đã ở giai đoạn muộn, đã có biến chứng.
Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt…
Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:
- Sụt cân.
- Buồn nôn, nôn.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Trướng bụng.
- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải.
- Ngứa.
- Vàng da, củng mạc mắt.
- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết gan…
Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan.
Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng. Theo GLOBOCAN 2018, với 19.568 ca mắc mới, ung thư gan vượt qua ung thư phổi (16.722 ca) trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta.
Hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị bệnh gan mạn tính (tổn thương gan lâu dài gọi là xơ gan), gây sẹo xơ ở gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Điều kiện gây xơ gan là viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc,…
Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, lối sống.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chiến lược phòng chống ung thư gan là tiêm văcxin phòng viêm gan B, hạn chế uống rượu. Những người có nguy cơ cao như tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u AFP định kỳ 3-6 tháng một lần để phát hiện ung thư gan.
Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tốt. Bệnh tiên lượng tốt khi bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm, thể trạng bệnh nhân tốt, không kèm theo bệnh lý về gan như xơ gan, viêm gan siêu vi…
Ung thư gan chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...
Hà An