Những thói quen giúp phòng bệnh mùa đông

(Dân trí) - Để tăng cường sức đề kháng của cơ thể trước thời tiết giá lạnh, bạn cần lưu ý cả dinh dưỡng, tinh thần, môi trường sống và các thói quen chăm sóc bản thân.

  

Những thói quen giúp phòng bệnh mùa đông  - 1


Dinh dưỡng

 

Uống nhiều thức nóng: Đồ uống nóng như trà hoa quả, hay thức uống có chanh có thể giúp tránh các bệnh liên quan đến hô hấp trong thời tiết khô hanh.

 

Ăn sữa chua: Các nhà nghiên cứu trường ĐH California nhận thấynhững người mỗi ngày ăn 1 cốc sữa chua lên men tự nhiên hoặc đã được thanh trùng có tỉ lệ mắc các bệnh cảm cúm thấp hơn 25% so với những người khác.

 

Ăn tỏi: Theo một nghiên cứu với 147 người tình nguyện ăn tỏi liên tục hàng ngày trong 3 tháng mùa đông. Trong thời gian đó họ hầu như không bị cảm cúm. Nếu chẳng may mắc chứng bệnh này, các triệu chứng mắc phải cũng nhẹ hơn nhiều, và rất chóng khỏi.

 

Uống nước: Thói quen đó không chỉ giúp bạn duy trì được việc ăn uống có lợi cho sức khoẻ, giúp “làm sạch” các hệ thống trong cơ thể, mà còn khiến làn da bạn luôn rạng rỡ sáng ngời.

 

Tinh thần

 

Dừng việc tự trách bản thân: Chắc bạn khó có thể tin việc tự trách móc bản thân sẽ dễ khiến bạn bị cảm cúm! Đây chính là kết luận của một nghiên cứu dài hơn 3 tháng với hơn 300 công nhân ở Úc. Thậm chí đối với những người làm rất tốt công việc của mình, nếu có chút mất tự tin, hay gặp vấn đề về tâm lý, có xu hướng tự trách móc bản thân, cũng dễ bị hắt hơi hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thái độ này dễ khiến con người phải chịu áp lực công việc lớn hơn. Mà áp lực, như bạn đã biết, cũng là nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể.

 

Thầm nghĩ đến một từ: Mỗi ngày bạn nên dành ra chút thời gian, tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi tĩnh tâm, nhắm mắt lại, tập trung tinh thần chỉ nghĩ về một từ. Đây là một cách giảm stress rất hiệu quả.

 

Môi trường sống

 

Để cửa sổ hơi hé một chút: Mùa đông, bạn nên để cửa sổ trong phòng mình thường ở hơi hé mở một chút. Điều này càng quan trọng nếu bạn sống trong căn nhà mới xây sửa lại. Bởi trong căn phòng mới, không khí luôn được lưu thông sẽ có tác dụng rất tốt trong việc “đánh đuổi” vi khuẩn và các chất độc hại do quá trình xây sửa tạo ra.

 

Độ ẩm trong phòng điều hòa:: Không khí khô hanh trong căn phòng quá nóng là cái nôi lí tưởng cho các loại vi khuẩn cảm cúm sinh sôi. Khi niêm mạc mũi, hay họng của bạn bị khô sẽ không thể “bắt” vi khuẩn một cách hiệu quả.

 

Chăm sóc bản thân

 

Hít thở luồng không khí nóng từ máy sưởi: Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng đó là 1 phát hiện của các nhà nghiên cứu Mỹ. Các triệu chứng khi bị cảm cúm của những người được hít thở luồng không khí nóng nhẹ hơn một nửa so với những người hay hít thở không khí ở nhiệt độ phòng bình thường trong mùa đông.

 

Bạn nên để máy sưởi ở chế độ thổi ra gió ấm, không cần để ở chế độ gió nóng. Sau đó, đặt máy ở cách mặt bạn ít nhất 40cm, trong thời gian khoảng 20 phút để mũi bạn có thể hít thở luồng không khí nóng.

 

Ngủ đủ giấc: Để đảm bảo sức khoẻ, cơ thể của bạn phải được ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày. Giấc ngủ không chỉ giúp trí não bạn minh mẫn cả ngày mà quan trọng hơn, giấc ngủ có thể hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất.

 

Năng vận động: Vận động rất có lợi cho sức khoẻ. Rèn thói quen vận động không chỉ giúp “củng cố” các cơ bắp, mà còn tăng cường sức đề kháng cho hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn.

 

Các thói quen trên chỉ là các phương pháp đơn giản có tác dụng hỗ trợ giúp bạn tránh mắc phải cảm cúm hay các bệnh đường hô hấp dễ lây truyền trong mùa đông. Các phương pháp này hoàn toàn không thể thay thế chỉ dẫn hay trị liệu của bác sỹ.

 

Phạm Thúy

Theo huanqiu