Những sai lầm đang đẩy người Việt đến gần hơn với ung thư

(Dân trí) - Không chỉ dừng lại ở lối sống, nhiều chuyên gia nhận định, một nguyên nhân rất đặc trưng của người Việt chính là sự thiếu hụt các kiến thức về ung thư.

Lối sống có ảnh hưởng rất lớn đến rủi ro khởi phát ung thư. Trong khi việc ăn uống lành mạnh, đảm bảo cân đối dưỡng chất; tránh xa các tệ nạn; chăm chỉ tham gia hoạt động thể dục thể thao hay đơn giản chỉ là cười nhiều, giữ một tinh thần lạc quan cũng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư hay làm chậm diễn tiến bệnh nếu không may đã mắc phải, thì các lối sống phản khoa học, tệ nạn sẽ gây ra tác dụng ngược lại.

Những sai lầm đang đẩy người Việt đến gần hơn với ung thư - 1

Theo các chuyên gia dịch tễ học, người Việt Nam có không ít những thói quen khó bỏ, đang đẩy chúng ta đến gần hơn với căn bệnh ung thư.

Trước hết phải nói đến vấn nạn hút thuốc lá. Theo thống kê, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt đang ở mức rất cao với 47%. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, có hơn 5.700 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá. Trong số đó, có hơn 70 tác nhân gây ung thư, ví dụ như Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asen (thạch tín)…

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư khác nhau, đặc biệt là ung thư phổi.

Những sai lầm đang đẩy người Việt đến gần hơn với ung thư - 2

 Đáng nói, thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, mà những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc tại nơi làm việc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em trong độ tuổi đi học là con của những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh hen suyễn của họ trở nên trầm trọng hơn.

Bên cạnh hút thuốc lá thì lạm dụng rượu bia, chế độ ăn phản khoa học, ít vận động thể chất,… cũng là thói quen đang làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở nhiều người Việt.

Những sai lầm đang đẩy người Việt đến gần hơn với ung thư - 3

Không chỉ dừng lại ở lối sống, nhiều chuyên gia nhận định, một nguyên nhân nữa rất đặc trưng của người Việt chính là sự thiếu hụt các kiến thức về ung thư, mà điển hình chính là việc mọi người thường coi ung thư là “án tử”, từ đó dẫn đến thực trạng ngại đi khám định kì, sàng lọc phát hiện sớm ung thư.

Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Ung thư Quốc gia kết hợp với nhiều bệnh viện ung bướu trên cả nước, tâm lý chung ngại đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đa phần trường hợp phát hiện ung thư ở Việt Nam chủ yếu là khi bệnh đã phát triển nặng.

Những sai lầm đang đẩy người Việt đến gần hơn với ung thư - 4

Cần biết rằng, 1/3 số ung thư nếu biết cách phòng bệnh có thể không mắc; 1/3 số ung thư còn lại nếu được sàng lọc và phát hiện sớm có thể khỏi hẳn; như vậy chỉ còn 1/3 trường hợp buộc phải điều trị và sống chung với ung thư.

Do đó, có thể nói đối với căn bệnh ung thư, ngoài việc duy trì một lối sống lành mạnh, thì khám sàng lọc ung thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thứ nhất, khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị không phức tạp; thứ hai là giảm đáng kể chi phí điều trị; thứ ba là bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh.

Thực tế đã cho thấy nhiều bệnh ung thư hiện nay nếu được chẩn đoán và xác định sớm thì việc điều trị rất thành công, ví dụ như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng…

Minh Nhật