Những phát minh y học tình cờ
Lịch sử y học cho chúng ta thấy có những sự tình cờ thật kỳ diệu, đem đến những điều tốt đẹp từ những mục đích nghiên cứu ban đầu cho tới khi ra kết quả lại hoàn toàn khác,...
Lịch sử y học cho chúng ta thấy có những sự tình cờ thật kỳ diệu, đem đến những điều tốt đẹp từ những mục đích nghiên cứu ban đầu cho tới khi ra kết quả lại hoàn toàn khác,... Tuy nhiên, những sự “tình cờ” này đã giúp cứu sống hàng nghìn sinh mạng.
Cô lập insulin từ tuyến tụy động vật...
Có bao giờ bạn tự hỏi con người có thể sống mà không cần tuyến tụy? Vào năm 1889 nhà khoa học Oskar Minkowski đã tìm cách trả lời câu hỏi này, ông cắt bỏ tuyến tụy của chó, kết quả con chó vẫn sống, nhưng quan trọng hơn cả là ông phát hiện ra sau đó nước tiểu của nó chứa một lượng đường cao, nhận ra được vai trò của tuyến tụy đối với hormon điều hòa đường huyết theo một cách nào đó. 32 năm sau đó, insulin được cô lập từ tuyến tụy của động vật nhờ vào phát hiện tình cờ này. Hiện nay, insulin được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường cho hàng trăm triệu người trên toàn cầu.
Thuốc gây tê được phát hiện ra từ khí cười
Vào những năm 1700, nhà hóa học trẻ người Anh, Humphry Davy, khi nghiên cứu về oxyd nitơ đã phát hiện ra tính chất độc đáo của nó là gây cười, ông đã công bố phát hiện này trong một buổi dạ hội mà thành viên tham gia là những nhà quý tộc người Anh, họ đã có một trận cười vui vẻ khi hít khí này. Tình cờ một hôm ông bị đau răng, ông vẫn cố gắng tới phòng thí nghiệm để làm việc, sau khi hít khí cười, ông nhận thấy răng không còn đau nữa. Sau phát hiện này, “khí cười” còn được dùng làm thuốc gây tê, giảm đau cho bệnh nhân. Ngày nay, oxyd nitơ nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Pap smear: phết tế bào cổ tử cung
Năm 1928, BS. George Nicholas papanicolaou, người Hy Lạp. Ông làm việc trong phòng thí nghiệm thuộc Đại học Cornell, ông nghiên cứu quan sát sự thay đổi dịch tiết âm đạo theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Trong một lần tình cờ, quan sát trên một nhóm người tình nguyện thử nghiệm, ông kinh ngạc khi thấy tế bào ung thư của một phụ nữ hiện rõ qua kính hiển vi. Từ đây, ông cho ra đời kỹ thuật phết dịch âm đạo để tầm soát ung thư cổ tử cung , phương pháp này đã cứu sống nhiều người khi phát hiện ở giai đoạn sớm.
Phát hiện ra kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn
Phát minh nhờ “tai nạn nghề nghiệp”, cũng là một sự tình cờ. Năm 1928, nhà khoa học Alexander Flemming quên làm sạch dụng cụ nghiên cứu trước khi đi nghỉ một vài ngày. Khi trở về, thấy nhiều vi khuẩn, nấm mốc bám trên dụng cụ... Tuy nhiên, có một số vùng vi khuẩn không phát triển. Từ sự tình cờ này, Flemming đi sâu nghiên cứu, thế là penicillin ra đời, cứu hàng nghìn sinh mạng trong chiến tranh thế giới.
Phát hiện ra tia X ứng dụng trong điều trị
Nhà khoa học người Đức, Wilhelm Conrad Roentgen, một lần tình cờ sau khi rời phòng thí nghiệm, sực nhớ chưa cắt cầu dao điện cao thế, ông quay trở lại thấy một vệt sáng xanh lục trên bàn mặc dù phòng tối. Ông đã đặt tên đó là tia X và nghiên cứu tìm cách sử dụng tia này. Bức ảnh đầu tiên ông chụp được là tay của vợ, ông nhìn thấy rất rõ từng đốt xương và cả nhẫn cưới qua phim. Ông đã chứng minh khả năng đâm xuyên qua cơ thể của tia X. Và tia X hiện nay được ứng dụng trong y học để hỗ trợ chẩn đoán trong điều trị bệnh.
Thiết bị điện có thể chữa bệnh
Nhà vật lý học và y học người Ý - Luigi Galvani, ông có phòng thí nghiệm vừa nghiên cứu vừa dạy học. Một hôm ông đang giảng bài trong đó có sử dụng một con nhái đã lột da. Do tình cờ con nhái được đặt lên một bàn kim loại, khi giảng tới sự phức tạp của các đường gân và bắp thịt, Galvani lấy xiên đâm vào đùi con nhái, chân nhái co giật lại, ông hết sức ngạc nhiên cho thử lại nhiều lần vẫn thế. Ông phát hiện ra, khi chạm hai thanh kim loại khác nhau vào đùi ếch, một dòng điện được tạo ra gây hiện tượng co giật trên ếch. Phát hiện của ông đã góp phần to lớn vào việc sử dụng các thiết bị điện để chữa bệnh sau này.
Theo DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Sức khỏe & Đời sống