1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người phụ nữ Việt được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh

(Dân trí) - Huân chương Bắc đẩu bội tinh là một huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp đặt biệt cho nhà nước Pháp. 4 người phụ nữ Việt Nam đã vinh dự nhận được Huân chương cao quý này.

“Người phụ nữ của ánh sáng”

“Người phụ nữ của ánh sáng”

Đó là tên gọi trìu mến và cũng đầy sự kính trọng của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam dành Nhắc đến bà Tôn Nữ Thị Ninh. Còn với người dân Việt Nam không chỉ nhớ đến hình ảnh một nhà ngoại giao, một nữ chính khách mà là còn là một người phụ nữ Việt truyền thống, mang đậm phong cách Huế.

Dù theo gia đình sang Pháp học từ khi còn là một bé gái 3 tuổi, nhưng nhìn vào bà, người ta vẫn nhận thấy những nét đặc trưng của phụ nữ Việt. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khi trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà đã phải thốt lên, bà “vừa là hiện thân cho gương mặt thời nay của các nhà nho lớn thời xưa của Việt Nam, vừa là hiện thân của các nhà trí thức dấn thân của Pháp của thế kỷ XX”.

Từ khi còn là sinh viên, bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những sinh viên Việt Nam xuất sắc trong hệ thống giáo dục đại học Pháp. Sau đó trở thành giáo viên, bà còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm ở Fontenay-aux-Roses, Paris. Từ năm 1969 đến 1972, bà giảng dạy Văn học Anh tại Đại học Paris III. Trở về Việt Nam, bà Ninh tiếp tục công tác giảng dạy cho đến năm 1979 tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 

Sau khi dấn thân vào con đường ngoại giao và trở thành Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế của Bộ ngoại giao Việt Nam và sau đó là Trợ lý Bộ trưởng, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã đóng góp vào việc Việt Nam tham gia các tổ chức đa phương (Liên Hợp Quốc, Phong trào các nước không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và chuyên trách các vấn đề toàn cầu. Trong khuôn khổ đó, bà là một trong những tác nhân và là nhà tổ chức chính của Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Hà Nội năm 1997.

Bà được trao Bắc đẩu bội tinh lần đầu vào năm 1997. Tới tháng 3/2013, một lần nữa những đóng góp của bà lại được ghi nhận bằng việc chính phủ Pháp quyết định thăng hạng Huân chương cho bà. Tại lễ trao tặng Bắc đẩu bội tinh này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier đã dành những lời lẽ tốt đẹp ca ngợi bà:  "Bà là một người phụ nữ của Ánh sáng, một phụ nữ của văn hóa, đồng thời là một nhà ngoại giao và một nữ chính khách, và bà hết sức coi trọng việc truyền bá kiến thức cho các thế hệ trẻ"
 
Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Paster thế giới

 
 Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Paster thế giới

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng là một người phụ nữ Việt đã nhận được Huân chương cao quý của Chính phủ Pháp, tôn vinh những đóng góp to lớn của bà trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt – Pháp.

Suốt 20 năm làm việc tại Viện Paster TP Hồ Chí Minh, rồi lên nắm giữ cương vị Viện trưởng khi còn rất trẻ (bà Tiến là Viện trưởng trẻ nhất trong hệ thống Viện Paster trên toàn thế giới), bà Tiến đã có nhiều đóng góp cho sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của Pháp đến Việt Nam và ứng dụng vào thực tế.

“Được coi là Viện trưởng trẻ nhất trong hệ thống Viện Paster trên thế giới, đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc nhưng trách nhiệm cũng rất lớn. Là phụ nữ, ngoài công việc xã hội còn phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, nhưng chúng tôi cũng như những người nam giới, nếu có quyết tâm cao, nỗ lực, sự đồng lòng của tập thể việc gì khó cố gắng đều có thể hoàn thành mọi công việc”, bà Tiến tâm sự.

Không chỉ tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học mang tính thực tiễn cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong công tác phòng chống dịch bệnh, phục vụ công tác điều trị ở Việt Nam như: Dự án bệnh tiêu chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con; bệnh sốt xuất huyết; chân tay miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như SARS, cúm A/H5N1, bà Tiến cũng tham gia giảng dạy, báo cáo khoa học trong hệ thống y học của các nước nói tiếng Pháp, làm đầu mối một số hoạt động hợp tác trao đổi về khoa học, chuyển giao công nghệ với không chỉ nước Pháp mà còn với nhiều quốc gia khác là Mỹ, Úc, làm cố vấn khoa học của một số dự án nghiên cứu khoa học lớn và chủ nhiệm đề tài của Pháp.

Nhờ những đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng Hòa Pháp trong lĩnh vực Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã vinh dự được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh hồi tháng 2/2009. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là cán bộ y tế Việt Nam đầu tiên nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

Hiện nay, là người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam, bà Tiến trăn trở về quá tải bệnh viện, làm thế nào để người bệnh không còn phải nằm ghép, trăn trở làm thế nào phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Bà chia sẻ mong muốn sẽ cống hiến công sức để đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân kể cả trong lĩnh vực dự phòng, điều trị ngày càng phát triển. Nữ bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn sẽ phát triển được BHYT toàn dân để có nguồn tài chính vững bền, đảm bảo mọi người bệnh đều được điều trị, người bệnh không phải lo lắng về chi phí chăm sóc y tế…
 
Người sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam

Người sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam

 Bà Trần Tố Nga – nguyên hiệu trưởng các trường PTTH Marie Curie, Dạy nghề Lê Thị Hồng Gấm và Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một trong những cá nhân Việt Nam đầu tiên được trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh (7/2004).

Bản thân là một nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, bà càng thấu hiểu với những nỗi đau, nỗi bất hạnh nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống của những nạn nhân dioxin.
 
“Các em cần phải đứng được trên đôi chân mình, và cần phải truyền cho các em ngọn lửa nhiệt tình, truyền cho các em lý tưởng, mình phải sống sao cho đàng hoàng với tư cách là những người Việt Nam kiên cường, dũng cảm”.  Từ quyết tâm đó, bà đã mở làng Cam ở huyện Hóc Môn để dạy cho các trẻ là nạn nhân chất độc da cam. Nay đã ngoài 70, bà vẫn ấp ủ nhiều kế hoạch, dự định giúp đỡ các trẻ nhiễm chất độc da cam.
 
“Người đẹp thuốc nổ” hàn gắn vết thương chiến tranh

“Người đẹp thuốc nổ” hàn gắn vết thương chiến tranh

Bà là Nguyễn Thị Xuân Phượng – cựu phóng viên chiến trường, người còn được biết tới với biệt danh “Người đẹp thuốc nổ” được vinh dự nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh vào tháng 10/2011.

Biệt danh “Người đẹp thuốc nổ” gắn với bà Phượng bởi một công việc rất đặc biệt, chế tạo  thuốc nổ, thuốc súng. Những năm miền Bắc bị ném bom ác liệt, bà làm phóng viên và trực tiếp dẫn các đoàn làm phim quốc tế đến các chiến trường. Cũng nhờ những chuyến đi thực tế đó, bà trở thành một đạo diễn phim xuất sắc và đóng góp nhiều cho nền điện ảnh, truyền hình nước nhà với các tác phẩm nổi tiếng như: Trên đoạn đường Trường Sơn, VN và chiếc xe đạp, 2 tiếng quê hương….

Rồi chiến tranh cũng đi qua, người chiến sỹ năm xưa trở về cuộc sống thường nhật. “Người đẹp thuốc nổ” làm công việc dịch sách, dịch phim, phiên dịch... tại Paris hoa lệ. Trong thời gian ở đây bà nhận thấy người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam rất hạn hẹp. Nói đến Việt Nam họ nghĩ ngay đến một đất nước đang chiến tranh, nghèo nàn, bệnh tật… “Tôi muốn người Pháp cũng như người của các nước khác phải hiểu về một nền văn hóa của Việt Nam”, bà Phượng nói.

Từ ý tưởng đó, mà nung nấu ý tưởng quảng bá văn hóa Việt, con người Việt bằng nghệ thuật. Năm 1991, tại Thủ đô Paris, bà tổ chức triển lãm tranh đầu tiên với 37 tác phẩm của họa sỹ Việt Nam. 27 bức tranh đã được bán, đó là một thành công ngoài sức tưởng tượng của bà cùng các cộng sự, đồng thời giới thiệu được rất nhiều họa sĩ trẻ, những người chưa được biết tên, chưa thành danh trong làng hội họa ra thế giới.

Bà Phượng đã đưa 28 đoàn điện ảnh Pháp sang thăm Việt Nam để làm phim cả trong thời gian chiến tranh lẫn thời bình. Từ năm 1991 đến nay, bà Phượng liên tục đưa nhiều đoàn họa sĩ Việt Nam sang Pháp triển lãm tranh tại nhiều thành phố. Tiếp đến là hàng loạt các thành phố trên nhiều đất nước như: Hàn Quốc, Ý, Singapo, Malaysia…

Bắc đẩu bội tinh là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp . Huân chương này được Napoléon Bonaparte  lập ra ngày 19 tháng 5 năm 1802 để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Tính cho đến nay Bắc đẩu bội tinh đã được trao cho khoảng hơn 110.000 cá nhân. 7 người Việt đã được trao Huân chương cao quý này.

 Tú Anh