Những nghịch lý trong nuôi trồng dược liệu
(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 206 loài cây thuốc có giá trị khai thác, nuôi trồng, hàng năm cung cấp khoảng 10.000 - 20.000 tấn dược liệu và đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa.
Sống trên cây thuốc nhưng “uống” nhập khẩu là chính
Theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến năm 2016, đã ghi nhận 5.117 loài và dưới loài thực vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam, trong đó có nhiều loài dược liệu bản địa và nhập nội quý cả về công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế đã được phổ biến rộng rãi trong sản xuất.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2016, hiện nước ta chỉ còn khoảng 206 loài cây thuốc có giá trị cao có thể khai thá tự nhiên, hàng năm cung cấp khoảng 10.000-20.000 tấn.
Trong khi đó, việc phát triển canh tác dược liệu cũng đã được khuyến khích từ những năm 1960, với nhiều vùng chuyên canh dược liệu truyền thống trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, riêng trong năm 2010-2011, tổng khối lượng dược liệu thuốc Bắc hiên phải nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm đã lên tới 20.000 tấn, với giá trị nhập khẩu khoảng 16 - 18 triệu đô la Mỹ/năm.
Trên thực tế, ngay cả những mặt hàng thuộc về thế mạnh của Việt Nam (các loại thuốc y học cổ truyền, dược liệu lưu hành trên thị trường) cũng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Đài Loan, Singapore…
Thêm vào đó việc khai thác dược liệu tự nhiên không đi đôi với bảo tồn đã khiến tài nguyên này ngày càng cạn kiệt; dược liệu nuôi trồng phát triển tự phát, mất cân đối, giá dược liệu không ổn định, kỹ thuật trồng vẫn mang tính kinh nghiệm, quảng canh… đã khiến lĩnh vực này có những thời điểm chặt, nhổ bỏ hàng loạt do giá rẻ, chất lượng dược phẩm không cao.
Với những vấn đề nêu trên, tại hội thảo "Đối thoại chính sách phát triển dược liệu theo hướng chuẩn hóa tại Việt Nam và tỉnh Lào Cai" tổ chức tại Bắc Hà mới đây, ông Phan Văn Thắng, GĐ Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đánh giá: “Nhu cầu sản xuất dược liệu rất lớn nhưng đáp ứng rất nhỏ”.
Thiếu cứ thiếu, thừa vẫn thừa
Báo cáo của Bộ Y tế năm 2013 chỉ rõ, nhu cầu dược liệu từ cây thuốc Việt Nam rất lớn (60.000 - 80.000 tấn/năm) với khoảng 30.000 tấn mỗi năm dành cho 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập, hơn 90% bệnh viện tỉnh và 80% trạm y tế xã và 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% đối với dược liệu dùng trong y học cổ truyền nói riêng và 20% ngành công nghiệp dược nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Kim Huê - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà - Lào Cai
Như tại Bắc Hà, Lào Cai, mặc dù đang có hướng phát triển mạnh các cây dược liệu như đương quy, cát cánh… nhưng mới chỉ phát triển được 50 ha. Bà Nguyễn Thị Kim Huê - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà - Lào Cai, cho biết: “Các công ty dược phẩm đã ký kết bao tiêu sản lượng trên tổng diện tích lên tới 300ha nhưng đến nay Bắc Hà vẫn chưa thể đáp ứng được”.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu cho biết các dược liệu trồng được như astiso, cà gai leo, giảo cổ lam hiện đã đủ cung ứng trong nước, thậm chí cà gai leo, giảo cổ lam đang ế thừa.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng trường Y Thái Nguyên, để tránh tình trạng trồng ồ ạt, cần có quy hoạch bài bản, có kế hoạch phát triển dược liệu giá trị cao (tạo vùng lõi)… để nuôi trồng dược liệu phát triển bền vững.
Đại diện Oxfam lại cho rằng cần để thị trường quyết định bởi nhiều người đã bỏ VIETGAP vì áp dụng 7 tiêu chí rất tốn kém nhưng rau trồng ra bán không được giá...
Theo đó, cần phải có nghiên cứu về cung - cầu 10 năm tới sẽ như thế nào? Sản phẩm ưu tiên mỗi tỉnh là gì? Bởi mặc dù có tới 2.000 chủng loài dược liệu nhưng giá trị thấp... Rồi quy hoạch, tổ chức sản xuất - chế biến như thế nào để quản lý được chất lượng?...
Đồng tình với quan điểm này, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để phát triển được dược liệu, trước hết cần rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu phù hợp với từng địa phương và gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng; phát triển các cơ sở thu mua kèm theo sơ chế, chế biến. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần đầu tư nghiên cứu cung ứng nguồn giống cho bà con kèm theo việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại…
Trần Phương