1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường

(Dân trí) - Mặc dù đái tháo đường là bệnh khá quen thuộc, nhưng nhiều người vẫn không được chẩn đoán vì các triệu chứng ban đầu có thể rất mơ hồ, dễ bị bỏ qua hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Điều quan trọng là phải cảnh giác với các dấu hiệu đầu tiên của bệnh, vì càng sớm gặp bác sĩ, thì việc điều trị càng được bắt đầu sớm. Đái tháo đường có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống, thay đổi lối sống và thuốc. Nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển thành một số biến chứng khá nghiêm trọng. Dưới đây là những tín hiệu đầu tiên mà cơ thể gửi đi khi bị đái tháo đường.

Khát nhiều

Một dấu hiệu ban đầu rất phổ biến của đái tháo đường, khát tăng lên xảy ra do bệnh làm cho đường (glucose) tích tụ trong máu. Thông thường, thận sẽ xử lý glucose, nhưng khi chúng bị quá tải, glucose dư thừa sẽ thoát ra ngoài cùng với nước tiểu. Nước từ các mô khác của cơ thể cũng bị kéo theo cùng với nó, khiến người bệnh bị mất nước và thèm được uống để thay thế lượng nước bị mất.

Những dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường - 1

Lời khuyên: Các chuyên gia như ở Trường Y Harvard khuyên nên uống bốn đến sáu cốc nước mỗi ngày. Nếu đã uống đủ nước nhưng nhưng vẫn luôn cảm thấy khát, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Đi tiểu thường xuyên

Trong đái tháo đường giai đoạn sớm, cơ thể sẽ tăng sản sinh nước tiểu, cố gắng loại bỏ lượng đường thừa trong máu và người bệnh có thể thấy phải đi tiểu thường xuyên hơn. Bình thường chúng ta đi tiểu từ bảy đến tám lần mỗi ngày, nhưng đối với một số người, tối đa 10 lần mỗi ngày là bình thường.

Lời khuyên: Nếu thấy đi tiểu nhiều hơn mức bình thường và đặc biệt là nếu phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu, hãy liên hệ với bác sĩ.

Đói nhiều

Đái tháo đường khiến đường huyết tăng không kiểm soát. Đồng thời, nó ngăn chặn các tế bào sử dụng glucose làm năng lượng. Thiếu năng lượng có thể khiến người bệnh cảm thấy đói.

Lời khuyên: Nếu nhận thấy mình liên tục thấy đói mặc dù vừa mới ăn bữa chính và bữa phụ trong ngày, thì nên nói chuyện với bác sĩ.

Mệt mỏi

Vì đái tháo đường làm tăng đường máu đồng thời lại ngăn cơ thể sử dụng đường làm năng lượng, nên nó có thể gây mệt mỏi. Đi tiểu thường xuyên cũng làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh.

Lời khuyên: Có sự khác biệt giữa mệt mỏi thông thường và mệt mỏi do đái tháo đường. Mệt mỏi thông thường sẽ tốt hơn sau khi nghỉ ngơi. Nhưng nếu vẫn cảm thấy mệt mỏi mặc dù ngủ đủ giấc, thì đáng để thảo luận điều đó với bác sĩ.

Mờ mắt

Theo Bệnh viện Mayo, lượng glucose trong máu cao kéo chất lỏng từ các mô của cơ thể, bao gồm cả từ các thấu kính của mắt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hội tụ và gây ra nhìn mờ. Đái tháo đường cũng có thể khiến các mạch máu mới hình thành trong võng mạc, làm hư hại các mạch máu đã có. Nếu những thay đổi này tiến triển mà không được điều trị, chúng có thể dẫn đến mù.

Lời khuyên: Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào của đái tháo đường như nhìn mờ, thì điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt và khám định kỳ nếu có chẩn đoán.

Đái tháo đường là một bệnh tiến triển, ngay cả ở những bệnh nhân có lối sống tốt. Khi gặp bệnh nhân thường xuyên (cứ sau 3 tháng), các bác sĩ có thể xác định được mô hình của chỉ số đường huyết, đưa ra những lời khuyên về lối sống và tăng cường điều trị trước khi đường huyết bị mất kiểm soát. Khi bệnh nhân đi khám thường xuyên, bác sĩ cũng có thể phát hiện các dấu hiệu biến chứng sớm, làm chậm hoặc đẩy lùi tiến triển của bệnh.

Vết trầy xước hoặc vết bầm tím không lành

Đái tháo đường có thể khiến tổn thương ở da, chẳng hạn như vết trầy xước và vết bầm tím, chậm lành hơn. Lượng đường trong máu cao có thể làm cứng mạch máu, làm chậm lưu thông máu và ngăn oxy và chất dinh dưỡng đến được vết thương và vết bầm tím để chữa lành chúng. Đái tháo đường cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình sửa chữa tự nhiên của cơ thể.

Lời khuyên: Nếu nhận thấy rằng vết trầy xước hoặc vết bầm tím không lành nhanh như trước đây, hãy đến gặp bác sĩ.

Giảm cân không chủ ý

Giảm cân mà không có bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc tập thể dục nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng cái gì tốt quá cũng không hay: Giảm cân không chủ ý có thể là biểu hiện của những tình trạng bệnh nghiêm trọng như cường giáp, ung thư hoặc đái tháo đường.

Những dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường - 2

Khi bệnh nhân đái tháo đường bị mất glucose qua nước tiểu, họ cũng mất calo. Đái tháo đường cũng ngăn các tế bào hấp thụ glucose từ thức ăn để lấy năng lượng và cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy các kho dự trữ mỡ làm nhiên liệu thay thế. Cả hai đều có thể dẫn đến giảm cân.

Lời khuyên: Nếu thấy mình bị giảm cân trong khi không hề cố gắng, hãy gặp bác sĩ và hỏi xem có nên kiểm tra đái tháo đường không.

Cảm giác kiến bò, đau hoặc tê ở tay hoặc chân

Đái tháo đường có thể dẫn đến một loại tổn thương thần kinh gọi là bệnh thần kinh, có thể gây cảm giác kiến bò hoặc tê ở các chi như bàn tay hoặc bàn chân. Điều này rất nguy hiểm vì tê có thể làm cho vết trầy xước hoặc vết thương dễ bị bỏ qua hơn, và vì đái tháo đường có thể khiến vết thương lâu lành hơn, nên các biến chứng có thể xảy ra.

Lời khuyên: Hãy nhận biết những gì đang xảy ra với cơ thể và nếu bạn gặp phải bất kỳ tình trạng đau, tê hoặc ngứa ran bất thường nào ở tay hoặc chân, hãy gặp bác sĩ ngay.

Không có triệu chứng

Rất nhiều người không có triệu chứng của đái tháo đường. Đôi khi họ có thể thấy tăng cân, đói liên tục và tăng mệt mỏi liên quan đến nồng độ insulin cao, nhưng những triệu chứng này có thể xuất hiện trong các tình trạng khác, vì vậy điều quan trọng là phải làm xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân.

Lời khuyên: Kiểm tra chỉ số HgbA1c (đôi khi được gọi là "A1c") bằng xét nghiệm máu hàng năm trong khi khám sức khỏe định kỳ.

Cẩm Tú (Theo Remedy)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm