Những cách đơn giản trị chứng sôi bụng
Bụng bị sôi sùng sục, không bị chướng hoặc bì gì cả… và gây ra cảm giác rất khó chịu. Đi khám, làm các xét nghiệm, siêu âm nhưng không phát hiện được nguyên nhân, bác sĩ cũng không kê đơn. Vậy phải làm sao?
Theo BS Nguyễn Đình Sang (Chuyên khoa bác sĩ gia đình, TT y tế quận 1), nếu đã làm các xét nghiệm (thử máu, thử phân, nội soi đại trực tràng để loại trừ các bệnh thực thể như ung thư đại - trực tràng , viêm đại tràng …) và kết quả âm tính (-) thì đó có thể là hội chứng đại tràng kích thích. Hội chứng này thường gặp rất nhiều và thường ở tuổi từ 20-40 tuổi và gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Nguyên nhân hiện nay chưa rõ, người ta thấy có sự rối loạn chuyển động của cơ trơn vách đại tràng khiến cho nhu động của ruột tăng nhưng không có sự thay đổi về cấu trúc cũng như tổn thương của ruột. Bệnh có liên quan đến yếu tố tâm lý như sự lo lắng quá độ, stress trong cuộc sống.
Triệu chứng:
- Sôi ruột, trung tiện nhiều.
- Đau quặn bụng từng cơn, đau có thể giảm khi bệnh nhân trung tiện hoặc đại tiện.
- Khi ăn vào cơn đau có thể tăng lên và mắc đi đại tiện.
- Có thể có trướng bụng về phía bụng bên trái.
Mặt khác bệnh nhân nhân có thể mệt mỏi, bực bội, ăn không ngon, hồi hộp, đau lưng.
Bệnh có thể tự khỏi nhưng một thời gian sau lại tái phát trở lại.
Điều trị:
- Ăn nhiều chất xơ như rau.
- Tránh ăn nhiều chất béo.
- Tránh ăn nhiều gia vị như tiêu, ớt.
- Không uống rượu bia, bỏ thuốc lá nếu có.
- Năng vận động như đi bộ, tập các động tác lưng - bụng, tập yoga.
- Có cuộc sống thoải mái, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh những căng thẳng trong cuộc sống.
- Dùng tâm lý liệu pháp như thôi miên, tự ám thị.
- Có thể dùng thuốc như:
+ Làm giảm co thắt ruột như Spasmaverine 40mg, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên.
+ Actapulgite 3g, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 gói.
Theo BS Nguyễn Đình Sang
Tuổi trẻ