1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những ca bệnh hy hữu

Khi khát vọng sống của con người gặp được trí tuệ và trái tim nhân hậu, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Xoay lại đôi chân tật nguyền

 

Trong suốt mấy chục năm làm việc, lần đầu tiên TS Đỗ Tiến Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Quân đội - gặp một ca bệnh hy hữu như vậy.

 

Người bệnh là Vũ Thị S., 19 tuổi, xinh xắn ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị dị tật chân bẩm sinh. Bàn chân trái của cô quặt hẳn vào trong chứ không hướng ra trước như người bình thường. Từ đầu gối đến bàn chân trái của S. chỉ dài vỏn vẹn chưa tới 20cm. Chân trái vì thế ngắn hơn chân phải đến 20cm.

 

TS Dũng nhớ lại, trường hợp hụt chân dài nhất anh từng gặp cũng chỉ 16 cm (ở một bệnh nhân nữ được phẫu thuật vào năm 1991). Đoạn chân bị tật của S. nổi lên một khối u to hơn cả phần đùi. S. gần như không sử dụng được chân trái; thậm chí nó còn làm vướng víu thêm chân phải, vì bàn chân trái lúc nào cũng gần như chạm chân phải, khiến S. đi lại hết sức khó khăn.

 

“Một ca hết sức phức tạp, và chúng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật”, TS Dũng cho biết. Vào những ngày cuối năm 2006, S. đã được phẫu thuật lần thứ nhất để chỉnh trục xương và kéo dài chân được khoảng hơn 5cm.

 

Đây là ca phẫu thuật hết sức phức tạp vì xương chân của S. đã bị teo từ bé, cong vẹo trên cả hai bình diện. Các bác sĩ đã cắt xương, lắp khung kéo dài chân, đợi sinh xương và tự liền. Sau khi xương tự liền, S. phải chịu thêm một ca phẫu thuật nữa để kéo dài nốt gần 15cm xương hụt còn lại.

 

“Tiên lượng của trường hợp này rất tốt. Chức năng của chân trái sẽ hoàn toàn bình thường sau ca phẫu thuật thứ hai”, với kinh nghiệm gần cả đời của một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình, TS Dũng tự tin nói.

 

Gian nan che vùng sọ khuyết

 

Hơn một năm trời đeo đuổi 4 ca đại phẫu, cuối cùng thì cô sinh viên ở Huế Trần Thị Bích N. cũng tìm lại được hình dáng tương đối giống ban đầu của mình.

 

Cuối năm 2005, chiếc xe công nông mất lái đâm thẳng vào người cô, kéo lê thân thể cô hàng chục mét. Toàn bộ mái tóc cùng mảng da đầu, kèm thêm một miếng xương sọ diện tích 5x7cm của cô gái bị mất.

 

Vào Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng nguy kịch, N. được các bác sĩ lấy vạt da đùi cấy tạm thời lên chỗ da đầu bị mất, gỡ bỏ phần xương sọ bị dập nát, dùng vạt da trán xoay lên từ phía trán để che phủ vùng lộ não, giữ tính mạng cho cô.

 

Từ đó, với khát vọng sống mãnh liệt, N. bắt đầu đeo đuổi những cuộc mổ lớn của đời mình. Lần mổ thứ hai được thực hiện tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ – Bệnh viện St Paul (Hà Nội).

 

Cả vùng đầu của cô lúc này chỉ còn lại một dải tóc nhỏ xíu xung quanh, ở giữa thì trọc lóc; chỗ não bị khuyết lõm sâu, phập phồng. Các bác sĩ đã đặt một túi thể tích 400cc, bơm đến 700cc dịch vào để giãn da.

 

Hơn 2 tháng sau, một cuộc phẫu thuật nữa được tiến hành để tháo túi giãn da và che phủ vùng da bị mất. Tuy vậy, kích thước da đầu vừa có được không đủ để che tất cả.

 

Vì thế, 3 tháng sau, Ngọc lại chịu đựng một cuộc phẫu thuật để đặt thêm 2 túi giãn da (kích thước 30cc và 280cc) thì mới đủ diện tích để che phủ toàn bộ đầu.

 

Trong lần phẫu thuật cuối cùng, các bác sĩ đã phải đặt một miếng xương nhân tạo cacbon để che phủ phần não bị lộ của Ngọc, đồng thời căng nốt chỗ da còn lại.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh (Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện St. Paul), điều đặc biệt là lần căng da này được thực hiện trên mảng da đã được căng trước đó - một kỹ thuật đặc biệt khó và hiếm khi thành công.

 

Cuối cùng thì đầu của Ngọc đã tròn lại, tóc đã mọc lên, vùng não không còn nguy cơ bị tổn thương nữa. Sau những tháng ngày vật lộn kiên trì, khát vọng sống của cô gái tuổi 20 đã được đền đáp nhờ bàn tay, trí tuệ tuyệt vời và tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc.

 

Lạc mất “hòn trống mái”

 

Đêm cuối năm, một phụ nữ trẻ hớt hải bế người đàn ông trạc 40 tuổi quấn trong chăn lao thẳng vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 108). Cô gái trình bày với bác sĩ rằng “nạn nhân” trèo cây bị trượt hỏng mất “của quý”.

 

Nhưng người đàn ông khi tỉnh dậy, mặt cắt không còn giọt máu đã thừa nhận: “Tôi bị người ta cắt mất cái ấy”. Thì ra, vì ghen tuông, L.T.T (39 tuổi, quê Bắc Giang) đã bị 3 người đàn ông khống chế và cắt mất hoàn toàn khu vực chứa “hai hòn trống mái”.

 

Lúc đó, do bị choáng quá nên anh không biết chúng lưu lạc nơi đâu hay bị thủ phạm quăng đi mất rồi. Lấy hết sức tàn, anh chỉ kịp tìm được một mảnh da to bằng lòng bàn tay, nhờ người cho vào túi nylon, mang theo mình với hy vọng mong manh là bác sĩ có thể khâu vá lại được. Sau đó, anh ngất đi.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa - Phụ trách trực khoa Cấp cứu ban đầu - cho biết: Đây là trường hợp đặc biệt hiếm gặp. Thông thường khi gặp sự cố, các quý ông cũng chỉ bị mất phần đầu chứ không đến nỗi bị mất một cách triệt để đến vậy.

 

BS Hòa cũng không thể hiểu nổi tại sao T., trước một tai nạn chết người như vậy lại vẫn có thể tìm lại được chút “thân thể” của mình. Các bác sĩ đã ngay lập tức đưa phần da còn sót lại mang đi bảo quản.

 

Cuối cùng họ cũng đã vá miếng da đó về chỗ cũ cho T., nhưng rất tiếc không thể kiếm đâu được “hòn trống mái” cho anh. Họ đã bằng mọi giá cứu được khu vực chứa ống dẫn niệu cho T., thế nên khả năng bài tiết của anh trong tương lai sẽ không bị ảnh hưởng gì.

 

“Chúng tôi rất tiếc vì đã không làm gì hơn được cho anh” – Dù nghe bác sĩ Hòa nói trong tiếc nuối, nhưng chúng tôi, và cả các bệnh nhân đều hiểu, họ đã làm được những điều tưởng chừng không thể.

 

Theo Bảo Thắng

Tiền phong