Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới

(Dân trí) - Bố trí giờ ra chơi cho các lớp đan xen nhau, cấp thẻ miễn dịch, thực hiện giới nghiêm theo giới tính… là những biện pháp chống dịch Covid-19 kỳ lạ đang được áp dụng trên thế giới.

Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới - 1

Đối với nhiều quốc gia đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, mở cửa lại trường học đang trở thành mục tiêu đầu tiên, trong tiến trình từng bước nới lỏng lệnh giãn cách.

Trong số các giải pháp mở cửa trường học nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn cho học sinh và giáo viên, cách mà Đan Mạch đang tiếp cận nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia trên thế giới. Theo đó, tại các trường học của đất nước Bắc Âu này, sân trường đã được chia thành các phần nhỏ với băng dính, trong lớp, bàn học được đặt giãn cách 2 mét để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Học sinh trước khi vào lớp sẽ được yêu cầu rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn, việc rửa tay cũng được lặp lại mỗi 2 tiếng 1 lần. Để hạn chế sự tiếp xúc giữa các học sinh một cách triệt để, nhà trường còn bố trí giờ nghỉ giải lao của các lớp xen kẽ nhau. Các bề mặt có thể tiềm ẩn mầm bệnh như: bồn rửa tay, toilet, tay nắm cửa… được tiệt trùng 2 lần/ngày.

Một quốc gia châu Âu khác là Cộng hòa Séc lại áp dụng chiến lược mở cửa trường học một cách chọn lọc. Theo đó, nhóm đối tượng được quay lại trường đầu tiên là các sinh viên cao đẳng, đại học năm cuối, tiếp đến lần lượt là: học sinh tiểu học; học sinh trung học.

Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới - 2

Chile sẽ bắt đầu cấp phát các thẻ miễn dịch số, “Covid cards”, trong tuần này cho những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Cụ thể, theo thông  cáo của một quan chức y tế nước này vào 20/4, “Covid cards” sẽ được cấp cho những người từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng đã có dấu hiệu hồi phục, sau 14 ngày cách ly.

Trong một động thái tương tự, chính phủ Anh cho biết rằng, quốc đảo sương mù cũng đang nghiên cứu về việc cấp “Chứng nhận miễn dịch” cho những đối tượng đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2, giúp những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục này có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới - 3

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít những quốc gia đang áp dụng chính sách giới nghiêm vào 2 ngày cuối tuần. Theo đó, từ thứ 2 đến thứ 6, yêu cầu ở trong nhà chỉ áp dụng với những người dưới 20 tuổi và trên 65 tuổi. Tất cả những công dân còn lại, về lý thuyết, được phép tự do ra ngoài. Tuy nhiên, ngoài đến công sở, những người không bị áp đặt lệnh giới nghiêm tại quốc gia này dường như không có lý do gì để ở ngoài đường quá lâu, khi hầu hết các loại hình kinh doanh nhỏ lẻ đều đã đóng cửa, các nhà hàng chỉ phục vụ đồ ăn mang về, địa điểm công cộng như công viên có những quy định giới hạn ngặt nghèo.

Tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, xứ Navajo (bang Arizona, Mỹ), lãnh thổ bán tự trị của người bản địa Hoa Kỳ hiện cũng đã thi hành chính sách giới nghiêm vào 2 ngày cuối tuần.

Tại Libya, những người dân thuộc diện được phép ra ngoài cũng chỉ có thể đi lại trên đường phố trong khung giờ 7 giờ sáng – 12 giờ đêm. Đồng thời, các cửa hàng cũng chỉ được phép hoạt động trong khung giờ này.

Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới - 4

Tại Thụy Điển, những người trên 70 tuổi, đối tượng có rủi ro cao nhất trước dịch Covid-19, đã được yêu cầu ở trong nhà. Tại Vương quốc Anh, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Warwick cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép những người thanh niên trong độ tuổi 20-30, hiện không chung sống với bố mẹ, nên là đối tượng đầu tiên được phép nới lỏng lệnh giãn cách xã hội.

Những biện pháp chống Covid-19 khác thường đang được áp dụng trên thế giới - 5

Tổng thống Peru đã tuyên bố rằng, nước này sẽ áp dụng biện pháp giới nghiêm dựa theo giới tính, theo cách mà vị lãnh đạo này giải thích, biện pháp này giúp đơn giản hóa việc phát hiện những người vi phạm. Cụ thể, đàn ông sẽ được ra ngoài vào thứ 2, 4, 6 và phụ nữ sẽ được ra ngoài vào thứ 3, 5, 7.

Panama đã áp dụng chính sách giới nghiêm theo giới tính này kể từ ngày 1/4. Các chuyên gia y tế của quốc gia này phân tích rằng, chính sách này sẽ khiến mọi người hạn chế đáng kể việc ra khỏi nhà, khi họ biết rằng “nửa kia” sẽ không thể đi cùng mình.

Minh Nhật

Theo NYP, 9News