Những biến chứng thai nghén nguy hiểm
(Dân trí) - Trong thời kỳ mang thai, rất nhiều phụ nữ gặp những triệu chứng thai nghén: buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm với mùi lạ... nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mẹ và bé. Tuy nhiêu, có những triệu chứng lại là dấu hiện báo trước tai biến có thể xảy ra.
Theo Bác sĩ Jean Claude Tissot, Khoa Sản, Bệnh viện Việt - Pháp, khi gặp những biến chứng dưới đây, thai phụ cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Ra máu âm đạo: là hiện tượng không thể coi thường. Nếu xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ thì phần lớn liên quan đến bong nhau, chỉ cần được nghỉ ngơi, máu sẽ không ra nữa và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Nhưng cũng có thể đó là dấu hiệu sẩy thai hoặc một thai nghén bệnh lý như chửa ngoài tử cung, chửa trứng, thai chết lưu.
Nếu các tháng tiếp sau, hiện tượng ra máu vẫn tiếp diễn thì rất có thể báo động tình trạng cổ tử cung bị nhiễm khuẩn, rau thai cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé bám quá thấp (rau tiền đạo), sẩy muộn, đẻ non...
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tỷ lệ thai sản bị nhiễm trùng đường tiết niệu khá cao, nguy hiểm hơn, nhiều khi không có những dấu hiệu lâm sàng. Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả người mẹ và thai nhi: viêm bể thận, viêm thận, đẻ non, đẻ nhẹ cân, trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao....
Có cơn co tử cung và doạ đẻ non: Bác sĩ Jean Claude Tissot cho biết, từ tuần thứ 30 trở đi, sản phụ xuất hiện nhiều cơn co khiến cổ tử cung mở ra. Lúc này, sản phụ có nguy cơ đẻ non rất cao và bắt buộc phải được điều trị giảm cơn co.
Bác sĩ Jean Claude Tissot |
Huyết áp cao kèm theo phù nề bàn chân (xuống máu): Có những sản phụ bị phù nề rất nặng, sáng ngủ dậy tay, chân đều đau, khó bước đi và rất khó nắm tay lại. Nếu sản phụ có biểu hiện tăng huyết áp, kèm theo phù nề ở chân và xét nghiệm có Albumin trong nước tiểu sẽ dẫn đến nguy cơ tụ máu ở rau thai khiến rau thai có thể bị bong ra bất ngờ và nhanh. Khi đó, thai nhi sẽ bị chết lưu trong tử cung.
Tiền sản giật: là bệnh nhiễm độc thai thường gặp, chiếm tỉ lệ 6%-8% số phụ nữ mang thai. Biểu hiện đặc trưng: cao huyết áp, phù mặt, tay và nước tiểu nhiều chất đạm. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương các cơ quan như: gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ); làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.
Tăng cân nhiều trong quá trình mang thai và tiểu đường thai nghén: Một bà mẹ quá nặng cân sẽ có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường, đẻ khó, sau đó phát triển thành bệnh béo phì rất khó chữa.
Nếu bị tiểu đường trước khi mang thai thì phải được điều trị đường huyết ổn định mới sinh con để tránh nguy cơ bị dị dạng cho trẻ. Bị tiểu đường trong quá trình mang thai có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn hợp lý.
Người mẹ không nên ăn quá nhiều mà phải ăn đa dạng để vừa đủ dinh dưỡng cho con vừa kiểm soát được đường huyết. Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, đường.
Người bị tiểu đường có nguy cơ sinh non, đặc biệt, bị tiểu đường nặng vào cuối thai kỳ gây tăng huyết áp sẽ buộc phải mổ để lấy thai sớm.
Kiều Nga - Hồng Hải