Những bi kịch sinh con "thuận tự nhiên": Bé ngưng tim, mẹ đối diện cửa tử
(Dân trí) - 6 giờ sau sinh, sản phụ và con phải nhập viện. Dù thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết ảnh hưởng tính mạng, bà mẹ vẫn từ chối truyền máu và dùng kháng sinh, chấp nhận tất cả hậu quả.
Những bi kịch sinh con "thuận tự nhiên"
Mới đây, mạng xã hội lan tỏa rầm rộ bài viết của một tài khoản tên N.M., có nội dung chia sẻ việc vợ chồng người quen đã "sinh con thuận tự nhiên tại nhà", kèm hàng loạt tấm ảnh mẹ ngồi trong bồn tắm sinh con, dưới sự chứng kiến của người thân.
Chủ tài khoản N.M. còn khẳng định, 2 mẹ con nêu trên đều không sử dụng sữa công thức lẫn vaccine, đồng thời bày tỏ mơ ước "tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên khi chưa xuất hiện bệnh viện", để kêu gọi các thai phụ cùng thực hiện.
Bài viết tạo nên nhiều ý kiến tranh luận dữ dội, hầu hết đều lo ngại cho sức khỏe của mẹ và nhất là em bé, khi người lớn chủ động từ chối các can thiệp sản khoa hiện đại để "thuận tự nhiên".
Trước đây, có không ít các trường hợp phải đi cấp cứu, tính mạng bị đe dọa vì lâm bồn mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Vào tháng 11/2019, một sản phụ tên Y. (ngụ quận 11, TPHCM) đưa con đến một bệnh viện chuyên khoa Nhi trong tình trạng ngưng thở, mạch không còn, dây rốn đã khô, bánh nhau đựng trong thau muối và tro. Sản phụ cho biết trước đó bé được sinh tại nhà, vẫn còn trong bọc ối.
Người nhà đã tự xé bọc ối, nhưng bé khóc yếu, không bú. Đến gần 10 giờ sau - khi bé tím tái và không còn thở - gia đình mới đưa vào bệnh viện cấp cứu. Dù được bác sĩ tìm mọi cách cứu chữa, bệnh nhi không qua khỏi, với chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở, nhiễm trùng huyết.
Tháng 2/2020, chị H. (34 tuổi) sinh con lần thứ 3 theo phương pháp "thuận tự nhiên" tại nhà, theo hướng dẫn của các trang mạng. 6 giờ sau sinh, 2 mẹ con phải nhập viện, vì bé chưa được cắt rốn còn sản phụ thiếu máu nặng.
Tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), các nhân viên y tế đã rất vất vả để thuyết phục sản phụ và thân nhân thực hiện các can thiệp y tế cho mẹ và bé, như may lại vết rách tầng sinh môn, truyền dịch, chích thuốc co hồi tử cung, chích ngừa và tiêm vitamin K1 ngăn ngừa xuất huyết não cho trẻ sơ sinh...
Sau khi được giải thích, sản phụ đồng ý cho bác sĩ may lại vết rách khá rộng, với yêu cầu "không được chích thuốc tê". Kết quả xét nghiệm cho thấy, sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng… Tuy nhiên, bà mẹ vẫn ghi giấy cam kết không sử dụng kháng sinh, không truyền máu, không truyền thuốc phòng đờ tử cung và chấp nhận tất cả hậu quả.
Ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp thuyết phục gia đình, nhưng bản thân chị H. vẫn tiếp tục phản ứng, cho rằng "bệnh viện đang dụ để lấy tiền". Tại phòng theo dõi hậu sản, chị H. không đồng ý cho bác sĩ thăm khám và yêu cầu cùng với con xuất viện.
Trào lưu phản khoa học, đi ngược tiến bộ nhân loại
Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, khi sản phụ và em bé được đưa đến bệnh viện trong trường hợp "sinh rớt", nhân viên y tế sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, tiền đình của mẹ có bị rách hay không, sử dụng thuốc để phòng băng huyết sau sinh, thuốc kháng sinh người nhiễm trùng, vì sản phụ có thể đã sử dụng các dụng cụ chưa được sát trùng đúng cách.
Với trẻ sơ sinh, bé sẽ được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, lao ngay sau sinh, theo chương trình tiêm chủng quốc gia và chích vitamin K1 để đề phòng tình trạng xuất huyết não. Bé cũng cần được theo dõi sát nhịp thở, màu da, đặc biệt trong các trường hợp bé có thở nhanh.
Trong khi đó, trào lưu "sinh con thuận tự nhiên" đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé. Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới cảnh báo những nguy cơ mẹ và bé phải đối mặt nếu áp dụng liên sinh - sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế và không cắt dây rốn.
Theo đó, sinh con thuận tự nhiên tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ của nhân viên y tế có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra 5 tai biến sản khoa, gồm: băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn.
Kế tiếp, dù các lợi ích của chậm kẹp cắt dây rốn đã được chứng minh bằng những nghiên cứu khoa học, nhưng không đồng nghĩa với việc không cắt dây rốn, để dây rốn và bánh nhau gắn liền với em bé trong khi đang phân hủy tự nhiên, dẫn đến những nguy cơ sức khỏe lớn.
Bánh nhau chứa đầy máu nên rất dễ nhiễm trùng. Một thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy trong 3-10 ngày, thậm chí 2 tuần sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm tính mạng em bé.
"Việc cổ súy trào lưu sinh con thuận tự nhiên là phản khoa học, đi ngược lại với sự tiến bộ nhân loại nói chung và tiến bộ của y học", bác sĩ bệnh viện chuyên khoa Sản tuyến cuối ở TPHCM khẳng định.