Những ai cần tầm soát ung thư dạ dày?
(Dân trí) - Ung thư dạ dày là bệnh lý khá phổ biến, gây nên 15 nghìn ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, căn bệnh này triệu chứng khá mơ hồ, nhiều người đến viện khi đã ở giai đoạn muộn.
Việc tầm soát ung thư dạ dày sẽ cho phép phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, nhờ vậy điều trị hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia Bệnh viện K, những đối tượng có nguy cơ sau cần tầm soát ung thư dạ dày
- Tuổi cao (> 50 tuổi).
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...
- Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính, nhiễm HP.
- Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài, …
Việc phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay thì phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép chúng ta đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày, và nếu có tổn thương chúng ta có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.
Vì thế, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.
Ngoài ra, để phòng tránh ung thư dạ dạ dày nguy hiểm này cần thực hiện theo những khuyến cáo sau:
- Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục.
- Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.
- Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ
- Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh
- Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polype, u lành trong dạ dày
- Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá.
Tú Anh