Những ai cần đề phòng bệnh ung thư dạ dày “gõ cửa”

(Dân trí) - Nhiễm khuẩn HP, thói quen ăn nhiều đồ cay, đồ nướng, tiền sử gia đình có người mắc… thì cần chú ý tầm soát bệnh ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay và con số mắc ung thư dạ dày hàng năm trên thế giới cũng như tại Việt Nam có xu hướng gia tăng

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát.

Trong những trường hợp mà bệnh ung thư tiến triển hơn thì những dấu hiệu rõ hơn như bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đấy là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn hơn.

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K đến nay để tìm hiểu thực sự một nguyên nhân đích xác gây ung thư dạ dày thì vẫn là một câu hỏi lớn. Người ta thống kê một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Một là các yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP). Uớc tính trên thế giới có khoảng 70% dân số thế giới mắc vi khuẩn HP này, tuy nhiên không phải ai nhiễm HP cũng mắc phải ung thư dạ dày.

Những ai cần đề phòng bệnh ung thư dạ dày “gõ cửa” - 1

Hai là các yếu tố nguy cơ khác là tuổi. Ví dụ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Tuy nhiên theo TS Bình thì ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa. 

Ba là chế độ ăn uống. Chế độ ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày. 

Bốn là ung thư dạ dày có những yếu tố nguy cơ khác như yếu tố gia đình. Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn. Một số nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ mắc bệnh này có liên quan đến đột biến gen.

Ngoài ra, theo TS Bình, bệnh lành tính lâu năm có thể tác động bởi biến đổi về mặt sinh lí trong dạ dày thay đổi, gây nên ung thư dạ dày. Hay như nhóm máu, người nhóm máu A có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những nhóm máu khác…

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật (mổ mở, nội soi), truyền hóa chất, xạ trị, điều trị đích. Việc áp dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh phải mổ (mở hoặc nội soi), dựa trên kết quả sau mổ bác sĩ cân nhắc phương án điều trị nội khoa tiếp theo. Nội soi cắt dạ dày thường được chỉ định cho những trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn 1-3.

Để phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay thì phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày. Nếu có tổn thương có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày. 

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi, trong đó có tầm soát ung thư. Những người tiền sử gia đình có người bị ung thư, đa polyp đại tràng, viêm gan B… nên khám sàng lọc sớm hơn. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm nội soi một lần.

Hà An

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư