Những ai cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của lá gan?

Hà An

(Dân trí) - Vượt qua ung thư phổi, ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nước ta. Do phát hiện muộn, nên tỷ lệ tử vong rất cao trong khi bệnh không khó phát hiện.

Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới. Đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp.

Trong khi đó, ung thư gan chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...

Những ai cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của lá gan? - 1
Khối u gan của bệnh nhân 20 tuổi được mổ cắt gan nội soi.

BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K cho biết ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam. Vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C... 

Ngoài ra tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác. 

Đối tượng nào cần tầm soát ung thư gan sớm?

Theo BS Lê Trung Hiếu, Khoa Phẫu thuật Gan Mật tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có 2 nhóm đối tượng có khả năng mắc ung thư gan cao. 

Thứ nhất là những người đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan. Cụ thể gồm:

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan

- Virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.

- Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường túyp 1, basedow, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ…

- Gan nhiễm mỡ không do rượu.

Thứ hai là những người mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan.

- Các bệnh béo phì, tiểu đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.

- Xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều.

- Ngoài ra còn những nguyên nhân tự phát mà khoa học chưa thể nghiên cứu và giải thích.

Bác sĩ khuyên khi có những biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám.

Những ai cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của lá gan? - 2

Các phương pháp tầm soát ung thư gan hiện nay

Theo BS Hiếu, hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến nhất là: xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP trong máu và siêu âm gan. 

AFP là một loại protein có trong thai nhi tuy nhiên sau khi trưởng thành thì tỷ lệ AFP trong máu rất thấp. Bệnh nhân mắc ung thư gan thì chỉ số AFP tăng lên bất thường. Tuy nhiên khi xét nghiệm bước đầu mà chỉ số AFP tăng, không có nghĩa là bạn mắc bệnh ung thư. 

Việc chỉ số AFP tăng là biểu hiện nghi ngờ ung thư gan, bạn nên thực hiện các phương pháp tầm soát khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để kết luận chắc chắn hơn tình trạng bệnh của mình. 

Trong khi đó, siêu âm gan có thể phát hiện được khối u nhỏ hơn 1cm với chi phí tiết kiệm và không ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra siêu âm gan còn giúp phát hiện xơ gan và một số bệnh khác về gan.

Dựa vào hình ảnh của siêu âm gan ta có thể xác định được các thương tổn của gan. Kết hợp siêu âm gan với xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP sẽ cho ra kết quả chẩn đoán chính xác hơn việc thực hiện riêng lẻ từng phương pháp.