1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhịn tiểu gây hại như thế nào?

(Dân trí) - Lâu ngày, việc nhịn tiểu có thể gây hại đáng kể cho bàng quang.

Việc chống lại cảm giác buồn tiểu có thể làm yếu các cơ đáy chậu có tác dụng đóng kín bàng quang cho đến khi chúng ta sẵn sàng đi tiểu. Các cơ vòng niệu đạo ngoài, một trong các cơ đáy chậu, hỗ trợ cho niệu đạo và cổ bàng quang. Cơ này, cùng với các cơ khác, ngăn bàng quang rò rỉ nước tiểu do áp lực khi ho, hắt hơi, cười, hoặc chạy nhảy.

Nhịn tiểu gây hại như thế nào? - 1

Nước tiểu đi ra khỏi cơ thể như thế nào?

Xung quanh bàng quang có một số cơ quan tạo nên hệ tiết niệu, bao gồm hai quả thận, hai niệu quản, hai cơ vòng niệu đạo, và một niệu đạo. Nước tiểu từ thận nhỏ giọt xuống hai ống cơ được gọi là niệu quản. Niệu quản có trách nhiệm dẫn nước tiểu xuống bàng quang.

Cơ bức niệu - là tổ chức thành của bàng quang - làm giãn bàng quang, cho phép nó phình ra như một quả bóng. Vì vậy, khi bàng quang đầy, cơ bức niệu co lại, và cơ vòng niệu đạo trong mở ra một cách tự động và không tự chủ để nước tiểu thoát ra.

Thông thường, chúng ta sẽ đi tiểu ít nhất 4-6 lần một ngày, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta cố nín không đi tiểu?

Nhịn tiểu có tác hại gì?

Khi nước tiểu vào niệu đạo, nó bị cơ vòng niệu đạo ngoài chặn lại, tương tự như một vòi nước. Khi nhịn tiểu, chúng ta giữ cho cơ vòng đóng; chúng ta sẽ chủ động mở “cửa xả lũ” khi đi tiểu. Các thụ thể căng giãn trong các lớp của cơ bức niệu gửi tín hiệu theo dây thần kinh đến vùng cùng cụt của tủy sống, khởi động tín hiệu phản xạ đi ngược trở lại bàng quang. Điều này làm tăng áp lực của bàng quang, vì vậy chúng ta biết nó đã đầy, khiến cơ vòng niệu đạo trong đồng thời mở ra, được gọi là phản xạ tiểu tiện.

Não có thể cho biết đã đến thời điểm thích hợp để đi tiểu hay chưa bằng cách gửi một tín hiệu khác để co cơ vòng niệu đạo ngoài. Chúng ta sẽ cảm thẩy mót tiểu khi có khoảng 150 đến 200 ml nước tiểu trong bàng quang; 400-500 ml sẽ khiến chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Mặc dù bàng quang có thể giãn ra được; trên 1.000 ml nó có thể bị vỡ.

Trong trường hợp hiếm gặp, bàng quang có thể vỡ đòi hỏi phải phẫu thuật. Tuy nhiên, trong các tình huống bình thường, quyết định đi tiểu sẽ ngừng tín hiệu của não đến cơ vòng niệu đạo ngoài, khiến nó giãn ra, và bàng quang xả hết nước tiểu.

Nhịn tiểu quá lâu, bắt nước tiểu ra quá nhanh, hay đi tiểu mà không có hỗ trợ thể chất thích hợp (ví dụ, ngồi xổm), có thể dần dần khiến các cơ đáy chậu bị yếu hoặc phải làm việc quá sức. Điều này có thể dẫn đến vùng đáy chậu tăng hoạt động, đau bàng quang, tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily