Nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc vì sơ cứu không đúng cách

(Dân trí) - Trước khi nhập viện, vì không được sơ cứu, hoặc có sơ cứu mà không đúng cách nên rất nhiều nạn nhân đã chết trước khi được đưa tới viện. Nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, gãy khung chậu, vỡ cơ hoành… đã tử vong trong lúc khiêng nạn nhân lên cáng, lên ôtô.

Hầu hết bệnh nhân được đưa tới viện bằng xe máy, taxi

“Như tại bệnh viện Thanh Nhàn tuần nào cũng thấy có nạn nhân, bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện. Còn tại bệnh viện Việt Đức, chỉ có 5-10% nạn nhân tai nạn giao thông được sơ cứu tại chỗ. Một nửa số người được sơ cứu nhưng lại sai kỹ thuật và vận chuyển không an toàn. 51% nạn nhân ở Hà Nội và 55% bệnh nhân ở Huế được chuyển đến bằng xe máy dân dụng”, Giáo sư Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết tại Hội nghị quốc tế chuyên đề cấp cứu trước bệnh viện diễn ra sáng nay, 11/11 tại Hà Nội.

GS Đính nhấn mạnh thêm, trong ngành y tế, cấp cứu trước bệnh viện là một khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, thiết bị đơn giản nhất. Ngược lại, nếu làm không tốt thì chi phí sẽ đội lên hàng chục, hàng trăm lần hay hơn nữa, thậm chí còn để nạn nhân, bệnh nhân tử vong.
 
Nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc vì sơ cứu không đúng cách - 1
Việc sơ cứu, vận chuyển đúng trước khi tới viện sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh

Cùng quan điểm này, TS Đặng Văn Chính, giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Việc cấp cứu trước viện tại Việt Nam còn rất hạn chế. Theo thống kê tại bệnh viện trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010, khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận gần 96.000 trường hợp thì có tới 91.686 trường hợp là do nhân dân tự chuyển đến bằng các phương tiện khác nhau như taxi, xe máy... và những trường hợp này hầu như không được sơ cứu gì, người dân cứ thế nhấc bổng người bị nạn lên xe máy, taxi và đưa thẳng tới bệnh viện.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng, ở Hà Nội vận chuyển bằng xe cứu thương chỉ chiếm 10% các ca cấp cứu. Một nghiên cứu tiến hành ở 6 bệnh viện tỉnh cho thấy có 98% nhạn nhân của các vụ tai nạn đến viện bằng xe máy.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Liên Hương và cộng sự trong năm 2008 cũng cho thấy chỉ 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, 52% bệnh nhân không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường.

Đối với cấp cứu nhi khoa, hệ thống cấp cứu trước bệnh viện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận tới hơn 2.000 bệnh nhi cấp cứu hàng tháng. Điều đáng quan tâm là khoảng 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu chưa đúng của người dân và cả y tế tuyến cơ sở trong quá trình cấp cứu và chuyển bệnh nhi lên.

Giảm 1.000 người chết vì TNGT nếu được cấp cứu kịp thời

Theo thống kê của ủy ban an toàn giao thông quốc gia, mỗi năm nước ta có 11.000-12.000 trường hợp tử vong do tai nạn. Hàng năm, lượng bệnh nhân bị thương do TNGT cần phải sơ cấp cứu lên tới 50.000 người. Theo tính toán, việc nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT thông qua đào tạo kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường nhằm cấp cứu kịp thời và đúng cách các trường hợp bị tai nạn có nguy cơ tử vong cao, sẽ có thể giảm được 10% số người bị chết cho tai  nạn giao thông, tương tứng với khoảng 1.000 nạn nhân mỗi năm.

Điều này cho thấy, vấn đề cấp cứu trước bệnh viện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc cứu sống người bệnh sau này. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng khẳng định, cấp cứu cho bệnh nhân trong 15 phút đầu được gọi là thời gian kim cương, cấp cứu trong 30 phút được gọi là thời gian vàng. Cấp cứu đúng có thể giúp tăng khả năng sống cho người bệnh, hạn chế thương tật, tiết kiệm tiền của cho chính gia đình người bệnh và xã hội, chất lượng đời sống người bệnh được đảm bảo.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác cấp cứu trước viện tại Việt Nam còn rất hạn chế. Như theo báo cáo bước đầu của Nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ tại VN về chăm sóc y tế trước khi đến bệnh viện đáp ứng TNGT thì đánh giá kỹ thuật cấp cứu ban đầu cho thấy: 34,8% không được xử trí cấp cứu; các xử trí thông thường chỉ đạt yêu cầu chuyên môn dưới 50%. Chưa kể, mới có một bộ phận nhỏ tham gia vào cấp cứu trước viện, trong đó chủ yếu là 115 (115 Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu cấp cứu bệnh nhân), ngoài ra có một số công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân, nhưng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà, trang thiết bị, trình độ cấp cứu còn nhiều bất cập.

“Qua thực tế cấp cứu, sơ cứu trước khi chuyển nạn nhân tới viện cho thấy, không ít trường hợp tử vong trước khi đến bệnh viện do bệnh nhân không được sơ cứu kịp thời và không đúng phương pháp. Giải pháp duy nhất hữu hiệu là mỗi thành phố có một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu chuyên phục vụ cấp cứu trước bệnh viện. Theo đó, tất cả những người làm công tác phục vụ sức khỏe, an ninh trật tự của thành phố như cảnh sát, cứu hỏa, bộ đội cảnh vệ, bảo vệ sân bay, lái xe cấp cứu... đều phải có kỹ thuật cấp cứu cơ bản. Điều này sẽ giúp nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng sơ cấp cứu các bệnh nhân nói chung và tai nạn thương tích do TNGT nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong và các di chứng là hết sức cần thiết”, GS Đính nhấn mạnh.

Hồng Hải