1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều sai lầm trong chăm sóc viêm đường hô hấp ở trẻ mùa nắng!

(Dân trí) - Thông qua hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi về PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, và PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã chỉ ra nhiều quan niệm sai lầm và đưa ra những hướng dẫn chi tiết để trẻ khỏe mạnh, có đủ sức chống chọi với bệnh tật.<br><a href='http://giaoluu.dantri.com.vn/Public/141/dang-ky-phong-van.html'><b> >>  Mời bạn đọc theo dõi Giao lưu trực tuyến tại đây</b></a>

Bắt đầu GLTT: “Cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ mùa nắng”

Phó Tổng Biên tập báo Dân trí Nguyễn Lương Phán (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: Quang Phong)

Hơn 400 câu hỏi bạn đọc gửi về tòa soạn xoay quanh các vấn đề liên quan đến ho, chảy nước mũi, viêm tai, sốt cao… các bệnh viêm hô hấp tái đi tái lại, uống kháng sinh nhiều đợt không khỏi. Phụ huynh nào cũng lo lắng con mình phải sử dụng kháng sinh quá thường xuyên và đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để làm sao con ít ốm, khỏe mạnh hơn, đủ sức chống chọi với những đợt nóng bức của mùa hè.

Thương con thành hại con

Tuy nhiên, phần nhiều những giải pháp này lại chưa khoa học như cho con dùng nhiều đợt kháng sinh khi tình trạng viêm đường hô hấp của trẻ kéo dài; ngại xịt nước muối biển để làm sạch mũi vì sợ đẩy sâu vi khuẩn vào trong; tự thực hiện khí dung tại nhà; con vừa khỏi ốm đã cho đi chơi; nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày với hy vọng phòng được bệnh hô hấp; mang chậu nước, máy tạo ẩm vào phòng điều hòa….

Cụ thể, đối với tình trạng viêm đường hô hấp kéo dài, phụ huynh tự ý cho uống nhiều đợt kháng sinh, chống viêm mà trẻ vẫn không khỏi hẳn, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khẳng định: “Việc điều trị kháng sinh nhiều đợt kéo dài là hoàn toàn không nên vì sẽ làm tăng men gan, ảnh hưởng tiêu hóa cho bé vì kháng sinh tiêu diệt hết các vi khuẩn có lợi cho cơ thể”.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết các trường hợp viêm họng không dùng kháng sinh vì 90% là do vi rút. “Dùng kháng sinh rất có hại cho em bé nên chị phải lựa chọn, đợt nào nghi do vi khuẩn thì dùng kháng sinh, đợt nào thấy không phải do vi khuẩn thì không nên dùng”.

Về việc vệ sinh mũi, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, khẳng định: “Nếu các cháu không có biểu hiện gì về bệnh thì không việc gì phải nhỏ nước muối suốt vì bản thân mũi khi không bị bẩn đã có cơ chế tự làm sạch rồi, không cần tác động thứ gì khác vào cả”. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi thì cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phê phán việc phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế (như tại bệnh viện) thì sẽ thực sự là 1 ổ nhiễm khuẩn. Theo đó, cứ khí dung là con sẽ ốm suốt, chưa kể có thể có những bất thường xảy ra như ngay những giây đầu tiên đã có thể gây phản ứng bất thường làm bé ngừng thở ngay. Phong trào khí dung tại nhà ở tất cả các nước đến giờ đều đã được khuyến cáo không dùng nữa.

Riêng trong sử dụng điều hòa, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Hiện nay rất nhiều người khi chạy điều hoà lại sợ bị khô. Phòng khô thì trẻ mới ít ốm và điều hoà tiêu chuẩn đã có độ ẩm phù hợp với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, do người da mỏng thì khi khô da hơi căng nhưng như thế không ảnh hưởng gì, không nên suy rằng việc này khiến trẻ con ốm. Vậy nên nhiều nhà cho thêm chậu nước, phun sương trong phòng, hơi nước làm bão hoà trong phòng, con chị hay bị ốm là đúng”.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: QP)
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh: QP)

Tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc đúng

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên nhân của viêm đường hô hấp trên: Thứ nhất là bị cảm lạnh khi thay đổi thời tiết. Thứ hai là do hít phải chất độc hại có trong môi trường. Thứ 3 có thể bị nhiễm vi rút... Và trên cơ địa có sức đề kháng không tốt làm bệnh phát sinh và phát triển.

Do đó, cần giữ cho mũi trẻ luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách tăng cường hút mũi, vệ sinh mũi ngay khi có biểu hiện viêm mũi.

“Để long đờm thật nhanh bạn phải kết hợp nhiều phương pháp. Thứ nhất nhỏ thêm nước muối cho loãng đờm rồi hút ra; hai là bạn phải kết hợp phương pháp vỗ rung để đờm long ra (dùng bàn tay của mẹ khum lại vỗ vào lưng trẻ)”, BS Ngọc Dinh khuyên.

Về vấn đề viêm mũi họng tái đi tái lại, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Ở trẻ 10 tháng thì nguyên nhân thường là do vi rút thì đừng dùng kháng sinh. Chúng tôi khuyến cáo chỉ nên chữa triệu chứng bằng thuốc hạ sốt, rửa mũi, thuốc ho.

Sau một đợt bị ốm, trẻ thường hay sút cân. Vì vậy, cần phải cho cháu ăn thêm. Thường chúng tôi khuyên cho trẻ ăn thêm 1 bữa so với bình thường, kể cả khi đã khỏi ốm để nhanh chóng lấy lại cân nặng như bình thường.

Việc khó hơn là làm sao tăng sức đề kháng của em bé lên. Đầu tiên là phải ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, gồm cả vi chất. Tăng cường ra quả. Sau nữa cần tiêm chủng phòng bệnh cho đầy đủ, có rất nhiều vắc xin phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hiện nay, người ta cũng có một số loại thuốc để tăng cường sức miễn dịch như các sản phẩm chiết xuất từ các vi khuẩn... thì cũng có thể dùng thử xem có giảm thời gian ốm đau của trẻ đi không”.

“Để phòng bệnh, bạn có thể nâng cao sức đề kháng cho bé; bạn có thể cho bé uống các thuốc tăng sức đề kháng. Giữ môi trường sống của bé sạch sẽ, thoáng khí, không hút thuốc lá, không có vật nuôi”, PGS. BS Ngọc Dinh khuyên.

Trần Phương

(Tổng hợp)