1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều sai lầm khi chăm con ốm

(Dân trí) - Trẻ em ốm đau là chuyện “hàng ngày”, tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, nhiều bà mẹ luống cuống trong chăm sóc con, chăm sai khiến bệnh tình của trẻ càng nặng hơn.

Ủ ấm khi con sốt


Ủ ấm khi con sốt

Đây là sai lầm phổ biến của các bà mẹ khi thấy trẻ sốt. Một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư về việc xử lý khi con sốt được công bố tại Hội nghị điều dưỡng nhi khoa lần thứ 9 mới đây, thì có quá một nửa bà mẹ mắc sai lầm khi chăm bé sốt.

Cụ thể, chỉ có 37% bà mẹ có kiến thức đúng, 21% có hành vi đúng. Còn lại, đến hơn 23% các bà mẹ mặc thêm quần áo ấm cho con khi bị sốt, thậm chí vẫn có người chườm đá, lạnh. Việc chườm đá, lạnh chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm, còn thực tế, nó sẽ gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài hơn, gây sốt cao hơn. Đặc biệt nhiều người chỉ sờ thấy con ấm đã vội vàng cho uống thuốc hạ sốt mà không cặp nhiệt độ. Hơn 9% bà mẹ cho rằng 38,5 độ mới là sốt, nhưng có bà mẹ khi sờ đầu con hơi âm ấm và cho là sốt, mua thuốc về uống.

“Thân nhiệt trẻ đang tăng cao, phải mặc thoáng mát thì mới hạ được sốt thì nhiều bà mẹ lại ủ ấm cho con khiến thân nhiệt càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật”, PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc BV Nhi TƯ nói.

Cũng theo TS Hải, tâm lý các bà mẹ, sờ đầu thấy con sốt là lại sợ, lo lắng. “Thôi chết, lại ốm rồi” và nhanh chóng hạ sốt cho trẻ, dù có lúc trẻ chưa sốt đến mức phải dùng thuốc. “Sốt là phản ứng của cơ thể trước một nguyên nhân gây bệnh. Khi sốt, các hoạt động chuyển hóa của cơ thể tăng lên, huy động hệ thống bảo vệ cơ thể. Trong khi nhiệt độ cơ thể trẻ đang lên cao, người lớn can thiệp hạ sốt nhanh thì khả năng bảo vệ, huy động nguồn lực của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh sẽ bị kém đi và không có lợi cho trẻ”, TS Hải giải thích thêm.

Không ít trường hợp đưa con tới viện khám bởi lý do sốt, bác sĩ hỏi sốt bao nhiêu độ, tần suất sốt bao tiếng/lần, sốt cao nhất là bao nhiêu độ, nhiều mẹ chỉ nhớ là sốt trên 38 độ C là đã cho hạ sốt. Trong khi đó, đặc tính của sốt cũng rất quan trọng để bác sĩ chẩn đoán bệnh, xem bé sốt vi rút hay vì lý do gì đó.

Trong nghiên cứu của BV Nhi TƯ, đa số các bà mẹ được phỏng vấn hiểu sai về định nghĩa sốt. Có những người không cặp nhiệt độ cho con mà chỉ khẳng định sốt qua cảm giác, cho rằng "sờ thấy ấm là sốt". Có người lại cho rằng nhiệt độ 37 mới là sốt. Thậm chí vẫn hơn 9% chị em cho rằng nhiệt độ 38,5 mới là sốt. 

Trong khi đó sốt là tình trạng tăng nhiệt nhiệt độ của cơ thể trên mức giới hạn bình thường. Trẻ được định nghĩa là sốt khi thân nhiệt ở miệng là từ 37,5 độ C trở lên, ở nách là 37,2 độ C.

TS Hải cho biết, xử lý đúng khi trẻ sốt, đó là cởi bớt quần áo, mặc đồ thoáng, ở nơi thoáng nhưng tránh gió lùa. Khi trẻ sốt nhẹ, 37,5-38,5 độ C thì chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà cần cho bé uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cho uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc ở hậu môn.

Cho trẻ ăn không căn cứ vào nhu cầu của trẻ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều mẹ ôm con đến viện chỉ bởi nguyên nhân bé trớ nhiều. Khi bác sĩ hỏi ra thì mới biết, nguyên nhân trớ là do ép trẻ ăn no quá.

“Nhiều bà mẹ hiểu nhầm về lời khuyên cho trẻ ăn theo nhu cầu. Nhu cầu ở đây là nhu cầu ăn của trẻ, dựa trên căn cứ khoa học chứ không thể theo nhu cầu bừa bãi của các bà mẹ. Nhiều bà mẹ con vừa bú xong 5 - 10 phút, đặt con xuống bé khóc “oe oe” lại lôi ti ra cho bú để bé nín. Ăn nhiều khiến bé trớ, kéo theo hàng loạt nguy cơ ho, sặc sữa, viêm đường hô hấp mũi, họng vì sặc…”, TS Dũng nói.

Vì thế, cần lưu ý cho trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ, 2 - 3 tiếng ăn một lần, không ăn theo bữa lắt nhắt vừa khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn vì bụng luôn ở trạng thái lưng lửng, vừa giảm nguy cơ nôn trớ do ăn quá no ở trẻ.

Tùy tiện dùng thuốc

Cũng theo nghiên cứu này của BV Nhi trung ương thì có tới 44% bà mẹ tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định là rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là một sai lầm rất đáng trách của các bà mẹ. “Việc tự chữa cho con, chữa theo đơn của bé khác… khiến nhiều trẻ bị biến chứng nặng là viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi rút rất nặng. Những bé này thời gian điều trị sẽ lâu hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn”, TS Dũng nói.

TS Dũng cho biết thêm, tình trạng tự làm bác sĩ của các bà mẹ ngày càng phổ biến. Họ lý giải, đưa con đi khám, thấy bác sĩ nghe nghe, nhòm vào miệng con thế là xong, kê đơn cũng chẳng có gì đặc biệt, sốt vi rút thì không dùng kháng sinh, mà nhiễm khuẩn thì vẫn kê các loại kháng sinh thông thường nên lần sau, họ tự biến mình thành bác sĩ.

Theo TS Dũng, để người bác sĩ khám phân phân biệt vi-rút hay vi khuẩn đã khó huống hồ chỉ định kháng sinh. Dùng kháng sinh gì, liều bao nhiêu, cho thời gian bao lâu… là cả một nghệ thuật, trình độ của bác sĩ. Không học, cứ hồn nhiên cho con dùng thuốc tưởng là giỏi, là tiết kiệm, không mất thời gian, không phải đưa con đến viện là một sai lầm. Từ những viêm nhiễm thông thường đường hô hấp trên có thể biến chứng viêm phổi, điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Tú Anh