Nhiều người nghèo còn hờ hững với “phao” bảo hiểm y tế
(Dân trí) - Rất nhiều người khi đi viện, danh giới giữa sống - chết không phải là do bệnh trạng của họ mà lại chính do chi phí bỏ ra để chi trả việc chữa trị. Nhiều người đã từng rớt nước mắt khi gia đình xin về để chết vì không có tiền chữa trị...
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) cho biết, không biết bao lần ông chứng kiến cảnh bệnh nhân có cơ hội sống nhưng người nhà đành gạt nước mắt xin về vì không có tiền chữa trị.
BS Cấp nhớ mãi trường hợp sản phụ trẻ ở Phú Thọ bị suy gan và nhiễm trùng máu sau sinh được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Dù suy gan nặng, nhưng qua 5 ngày điều trạng, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, chỉ cần điều trị 10 - 15 ngày nữa bệnh nhân sẽ được cứu sống. Ngược lại, nếu không điều trị tiếp, bệnh nhân sẽ tử vong. Biết vậy nhưng sự nghèo khó của một gia đình miền núi khiến cả gia đình lâm vào bế tắc, không chạy vạy đâu ra tiền để chữa trị cho con nên đành nhắm mắt xin con về để… chết.
“Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này nên tôi nhớ, chi phí điều trị cho bệnh nhân không nhiều, ước chỉ 30 - 40 triệu đồng. Khi vào viện, gia đình còn không có đủ vài triệu nộp tiền ký quỹ khám chữa bệnh nhưng bệnh viện vẫn quyết nhận điều trị bởi bệnh nhân có cơ hội sống rất cao. Vậy mà đi được nửa quãng đường, người nhà xin về vì một đồng trong nhà cũng không có, gia đình không biết xoay sở ra sao”, BS Cấp nói.
“Nếu bệnh nhân này có thẻ BHYT, chi phí sẽ đỡ đi rất nhiều. Tổng số tiền điều trị mất khoảng 40 triệu, có thẻ BHYT, bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng 8 triệu”, BS Cấp nói.Thương bệnh nhân còn quá trẻ, hoàn toàn có khả năng sống, bác sĩ Cấp đã gọi điện đến báo Dân trí nhờ kêu gọi sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái, nhờ thế mà bệnh nhân được được tiếp tục điều trị và được trở về với gia đình.
Một trường hợp khác là chị N.H.H bị tai biến sau sinh nở phải mổ lần hai phải nằm tại khoa Hồi sức tích cực (BV Phụ sản Hà Nội) 10 ngày. Ngày ra viện, mừng rơi nước mắt vì tai qua nạn khỏi, và thấy vui mừng hơn vì nhờ có thẻ BHYT, chị chỉ phải thanh toán hơn 20% tổng số chi phí điều trị hơn 50 triệu.
“Khi được 34 tuần tuổi, tôi có việc lên nhà bác ở Hà Nội chơi, không ngờ đau bụng chuyển dạ và được gia đình đưa vào bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sau khi mổ đẻ được 8 tiếng chuyển về phòng, tôi bị chảy máu trong và phải phẫu thuật lại ngay trong đêm. Sau mổ, nằm Hồi sức tích cực 5 - 6 ngày mà bụng tôi vẫn chướng lên như mang thai 8 - 9 tháng. Thôi thì siêu âm, chụp X - quang, truyền thuốc đủ cả, sau 12 ngày tôi mới bình phục và xuất viện. Trong quá trình nằm viện, vừa lo bệnh tình, vừa lo ngay ngáy tiền chữa trị…”, chị H nói.
“Nếu không có thẻ BHYT, phải thanh toán cả 50 triệu chắc phải bán nhà đi mới đủ tiền. May mắn thẻ BHYT đã chi trả đến 80% chi phí, nên gia đình chỉ phải nộp hơn 10 triệu đồng. Giờ mới thấy, bỏ tiền ra mua BHYT quý như thế nào. Tuy nhiên, người quê tôi vẫn chưa "thông", nhiều người vẫn kiên quyết không bỏ tiền mua BHYT với lý do mình khỏe mạnh, mua thẻ biết khi nào dùng, lãng phí”, chị H nói.
40% dân số chưa có thẻ BHYT
TS.BS Nguyễn Cao Luận, Trưởng đơn vị Tư vấn điều trị mạn (BV Bạch Mai) cho biết, rất nhiều người bệnh nghèo bị suy thận không có BHYT họ không thể theo đuổi việc điều trị. Nhiều người chỉ vào bệnh viện để chạy thận một lần cho biết rồi xin về quê, ngậm ngùi chấp nhận cái chết.
“Một bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu trung bình tháng 13 lần với tổng số tiền chạy thận là 7,5 triệu. Nếu không có thẻ BHYT, không ai (thậm chí cả nhà giàu) có thể chi trả được mức phí này hàng tháng, kéo dài cả vài chục năm. Trong khi đó, nếu có BHYT, họ chỉ phải thanh toán 5-20% tùy từng đối tượng. Không có BHYT thì bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ chết và thực tế, i chưa có một bệnh nhân nào không có BHYT mà lọc máu được đến 5 năm cả. Và tới 100% ca bệnh đang chạy thận tại đây đều có BHYT”, TS Luận dẫn chứng.
TS Luận cho rằng, riêng với những bệnh nhân suy mạn, tôi cho rằng họ phải vô cùng cảm ơn BHYT. Bởi với việc thanh toán 5 - 20% chi phí khám chữa bệnh, đó là điều nhân văn nhất của BHYT, đúng tính chất của lá lành đùm lá rách.
Gánh nặng kinh phí có lẽ sẽ giảm bớt phần nào nếu người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Thế nhưng, hiện nay cả nước vẫn còn gần 40% dân số chưa có bảo hiểm. Vì thế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang hoàn thành đề án BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 để trình Chính phủ.
Hồng Hải