1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều mẫu sữa không đạt chỉ tiêu chất lượng

(Dân trí) - Kết quả kiểm nghiệm 10/10 mẫu sữa không đạt về chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí, 5/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu tổng số nấm men và nấm mốc, 7/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu Coliforms.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và nguyên liệu pha chế sữa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo Cục An toàn thực phẩm, việc lấy mẫu sữa kiểm nghiệm là thực hiện kế hoạch giám sát chủ động mối nguy an toàn thực phẩm năm 2013, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa đậu nành, sữa đậu xanh và nguyên liệu pha chế sữa trên địa bàn.

Nhiều mẫu sữa không đạt chỉ tiêu chất lượng

Từ ngày 11-12/9/2013, Chi cục đã tổ chức giám sát, lấy 16 mẫu tại các điểm bán sữa (kinh doanh thức ăn đường phố) trên địa bàn 06 quận (quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và tại chợ Kim Biên - quận 5) để kiểm nghiệm đánh giá một số chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh, hóa lý đối với sản phẩm tại Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng.

Đối với sản phẩm bột béo: 1/1 mẫu đạt các chỉ tiêu về vi sinh và hóa lý. Đối với sản phẩm hương liệu pha chế sữa: 5/5 mẫu đều không phát hiện kim loại nặng.

Đối với 10 mẫu sản phẩm sữa (5 mẫu sữa đậu nành, 5 mẫu sữa đậu xanh): không phát hiện đường hóa học trong sản phẩm nhưng đã phát hiện 10/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí, 5/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu tổng số nấm men và nấm mốc, 7/10 mẫu không đạt về chỉ tiêu Coliforms.

Cũng liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, trước thông tin phản ánh tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh bán tràn lan loại “bột nhừ siêu tốc” sử dụng để làm mềm thực phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần. Cục ATTP đã yêu cầu Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tiến hành: lấy mẫu sản phẩm bột làm nhừ thực phẩm trên thị trường; kiểm nghiệm, định danh hóa chất, mức độ ảnh hưởng của chất này đến sức khỏe con người; tổng hợp, báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 30 tháng 10 năm 2013.

Bên cạnh đó, trên một số phương tiện thông tin có phản ánh tình trạng “Tràn lan hàn the ường hóa học” trên thị trường TP. Hồ Chí Minh Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người kinh doanh phụ gia thực phẩm trên địa bàn thực hiện đúng quy định tại của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm đề nghị tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm trên địa bàn tại các cơ sở sản xuất, chế biến các loại thực phẩm có khả năng sử dụng hàn the và đường hóa học. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hồng Hải