Nhiều mẫu nước ngầm ở vùng ven TPHCM bị ô nhiễm
(Dân trí) - Nguồn nước thủy cục chưa được cung ứng, người dân các quận huyện vùng sâu, vùng xa của thành phố đang phải sử dụng nước ngầm, nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước này bị nhiễm vi sinh, nhiễm chất hữu cơ, không đạt các chỉ tiêu về độ kiềm, sắt... nguy cơ gây bệnh cho cộng đồng.
Gần 9% hộ gia đình đang sử dụng nước ô nhiễm
Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, hiện trên địa bàn có 91,13% số hộ gia đình đã được cấp nước thủy cục phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực vùng ven thành phố chưa có mạng lưới nước máy. Để có nước sạch phục vụ sinh hoạt, người dân phải sử dụng nguồn nước cấp qua đồng hồ tổng, bồn chứa nước, trạm cấp nước, thiết bị lọc nước hộ gia đình.
Riêng huyện Cần Giờ và một phần huyện Nhà Bè người dân phải sử dụng nước vận chuyển qua các ghe, xà lan từ nguồn nước lấy từ các họng bơm của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn. Tính đến giữa tháng 7/2016, toàn thành phố còn 168.635 hộ (chiếm tỷ lệ 8,87%) chưa tiếp cận được nguồn nước sạch, người dân phải sử dụng nguồn nước tự khai thác để sử dụng, nguồn này là nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa.
Qua các kết quả giám sát, đánh giá chất lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố trong 8 tháng đầu năm, BS Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cho hay:
Các mẫu nước giếng hộ dân hầu như có độ pH thấp, tỷ lệ mẫu không đạt là 41,62% (82/197 mẫu không đạt). Hàm lượng Amoni trong nước giếng cao vượt giới hạn cho phép (9,14%). Các điểm không đạt tại Quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn. Một số điểm không đạt hàm lượng sắt tổng số (2,03%) tại Quận 12, Hóc Môn; 4,06% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh.
Hiểm họa đối với sức khỏe
Phân tích chuyên môn của BS Nhân chỉ ra: Các chất không đạt trong nguồn nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Cụ thể, độ pH cho biết được tính trung tính của nước, hay nước mang tính a-xít hoặc tính kiềm. Độ pH thấp gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da.
Độ pH thấp làm tăng tính a-xít trong nước, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm hỏng vải quần áo khi giặt…
Trong cơ thể người, sắt là thành phần nguyên tố liên kết các tổ hợp hem và protein tạo nên hemoglobin và myoglobin giúp chuyên chở oxy, sắt còn tham gia quá trình oxy hóa khử. Tuy nhiên, lượng sắt có nhiều trong nước sẽ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị, làm suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu cho con người.
Về cơ bản, sắt hòa tan trong nước là sắt 2 (Fe2+) sẽ gây cho nước có mùi tanh rất khó chịu. Khi tiếp xúc với không khí thì sắt 2 (Fe2+) sẽ chuyển hóa thành sắt 3 (Fe3+) kết tủa tạo màu đỏ nâu gây mất thẩm mỹ cho nước, làm cho quần áo bị ố vàng, sàn nhà, dụng cụ bị ố màu nâu đỏ. Hơn nữa, khi nước chảy qua đường ống, sắt sẽ lắng cặn gây gỉ sét, tắc nghẽn trong đường ống.
Với những mẫu nước có hàm lượng amoni cao chứng tỏ nguồn nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…). Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu ô-xy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axit amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Nguồn nước bị nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms) do nước thải thấm vào mạch nước ngầm, do nước từ trên mặt đất chảy tràn xuống giếng hoặc do quá trình lưu chứa nước chưa đảm bảo vệ sinh. E.coli và Coliforms là những nhóm vi khuẩn định danh, khi chúng hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật, có thể khiến nguồn nước nhiễm những vi khuẩn đường ruột như tả, lỵ, thương hàn. Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...
Xử lý nước trước khi sử dụng
Nền kinh tế xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng cũng kéo theo những hệ lụy đối với môi trường sống khiến chất lượng nước ngầm ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt. Để hạn chế tối thiểu những tác động do nguồn nước không đảm bảo đến sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp sử dụng nguồn nước an toàn.
Theo đó, đối với khu vực chưa được cung cấp nước sạch, người dân cần xử lý nước tại hộ gia đình trước khi đưa vào sử dụng bằng các biện pháp vệ sinh định kỳ hệ thống lọc, vật chứa; đậy kín các vật chứa nước.
Đối với khu vực đã được cung cấp nước sạch, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch, không khai thác sử dụng nước ngầm, trám lấp các giếng tại hộ gia đình.
Vân Sơn