Nhiều dịch bệnh “hoành hành” trong 9 tháng đầu năm

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện tại Việt Nam có nhiều dịch bệnh cùng tồn tại, từ cúm A/H1N1 đến lại cúm gia cầm A/H5N1 nguy hiểm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, “amip ăn não”… Đáng nói, nhiều dịch bệnh có xu hướng tăng mạnh.

Tử vong do bệnh dại gia tăng

Tại Hội nghị Sơ kết công tác y tế 9 tháng năm 2012 - Kế hoạch 2013 diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nội, Bộ Y tế cho biết số ca tử vong vì bệnh dại đang có xu hướng tăng lên. Năm 2011 là 110 ca bị bệnh dại, tăng thêm 40 ca so với năm trước đó. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 74 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Bắc (hơn 83%).
 
Vì thế, bệnh dại cũng được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở nước ta. Nguồn lây bệnh dại chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo.
 
Một bệnh nhân bị chó dại cắn đang được điều trị tích cực. Ảnh: SKDS
Một bệnh nhân bị chó dại cắn đang được điều trị tích cực. Ảnh: SKDS

Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc người dân nuôi chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng dại thường chỉ đạt 30-40%, vì thế, luôn có khả năng bùng phát dịch trong bất cứ thời điểm nào.

Đa số người dân đều chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào và sợ đi tiêm phòng vì “nghe nói” tiêm vắc xin dại đầu óc sẽ đần độn, ngu dốt. Kết quả điều tra mới đây của chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia cho thấy, trong tổng số hơn 1.200 trường hợp tử vong vì bệnh dại thì có 73 ca là do điều trị bằng thuốc nam, hơn 900 ca là do không tiêm vắc xin và 59 trường hợp tiêm nhưng không đủ liều.

Trong khi đó, bệnh dại có thể khởi phát từ một vết cắn, thậm chí từ vết trầy xướt nhỏ. Và khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, cần phải tiêm phòng dại cho chó mèo theo đúng định kỳ. Với người có nguy cơ cao mắc bệnh dại như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, những người chế biến thực phẩm… thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Còn khi bị súc vật cắn, phải ngay lập tức rửa vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng vi rút dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.

Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu phấn đấu loại trừ cơ bản bệnh dại trên toàn quốc vào năm 2015. Bệnh có thể chủ động phòng chống được bằng tiêm vắc xin.

Dịch chồng dịch

Ngoài bệnh dại có xu hướng gia tăng thì năm 2012 cũng là năm của nhiều dịch bệnh. Như với dịch cúm A/H5N1 nguy hiểm, trong khi năm 2011 không ghi nhận ca bệnh nào, nhưng 9 tháng đầu năm nay đã có 4 trường hợp mắc, trong đó 2 tử vong. Trong khi đó các ổ dịch cúm gia cầm mới liên tục xảy ra ở các địa phương khiến nguy cơ dịch bệnh lây truyền sang người là rất lớn.

Tiếp đến là sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết với số mắc trong 9 tháng đầu năm là gần 58 nghìn ca mắc, trong đó 46 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2011 số mắc tăng đến 19%, tử vong tăng 12%.

Bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là “amip ăn não” cũng khiến người dân hoang mang. Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp “amip ăn não” người. Bệnh sốt rét tuy đã được khống chế ở tỷ lệ mắc thấp nhưng gần đây lại bùng phát ở Đắc Nông với 420 ca, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 30% so với năm trước.

Dịch tay chân miệng tuy không bùng phát mạnh mẽ như năm 2011, nhưng số ca mắc tay chân miệng trong cả nước vẫn rất cao. Từ đầu năm đến 30/9 cả nước ghi nhận 110.674 ca, trong đó 41 tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Riêng 2 tuần đầu tháng 10 đã ghi nhận thêm 6.000 người mắc và 1 người tử vong.

Bên cạnh đó, “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi cũng khiến nhiều người hoang mang, với số ca mắc là 216 ca, 13 ca tử vong. Căn bệnh này đã được chỉ tên là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Rất may mắn, sau khi có sự vào cuộc của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng thì tại địa bàn Ba Tơ, Quảng Ngãi đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch  bệnh đang có diễn biến phức tạp trên nhiều phương diện, Tuy nhiên, tại một số địa phương, chính quyền vẫn chưa thực sự quan tâm, kịp thời đầu tư, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Việc thu nhập thông tin về tình hình dịch bệnh tại các khu vực tiếp giáp biên giới còn nhiều khó khăn nên còn bị động trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Vì thế, để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ cho cộng đồng, nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến… Đồng thời phải chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời, hướng tới xây dựng một hệ thống giám sát chủ động các yếu tố nguy cơ dịch bệnh…

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm