Nhiều bệnh viện phải mua thuốc giá cao

Trong tờ khai gửi Cục Quản lý dược, thuốc M có giá nhập khẩu đến cảng (giá CIF) là 0,63 USD/viên (khoảng 13.161 đồng), chi phí đơn vị nhập khẩu (7.572 đồng/viên), lợi nhuận dự kiến, giá bán buôn dự kiến và giá bán lẻ dự kiến (29.000 đồng/viên).. nhưng là do nhà nhập khẩu tự khai.

Tờ khai này có đầy đủ các yêu cầu như giá CIF, giá nhập khẩu đến cảng bằng VND, chi phí đơn vị nhập khẩu (7.572 đồng/viên), lợi nhuận dự kiến, giá bán buôn dự kiến và giá bán lẻ dự kiến (29.000 đồng/viên). Tuy nhiên, tất cả chi tiết này đều do nhà nhập khẩu tự khai, không có bất kỳ sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng. Đây chính là căn nguyên khiến bệnh viện mua nhầm thuốc giá cao.

 

Đấu thầu vẫn... thua

 

Giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội cho hay trong 1.400 thuốc trúng thầu vào bệnh viện này, bệnh viện đã phát hiện hai thuốc thuộc nhóm mua bán lòng vòng, đẩy giá lên 5-6 lần so với giá nhập khẩu là Poan 50 và Maxazith. “Chúng tôi kiểm tra về giá bằng cách yêu cầu doanh nghiệp cung cấp cam kết không bán với giá cao hơn giá bán cho các bệnh viện cùng địa bàn. Tuy nhiên cách kiểm tra này không hiệu quả khi nhà cung cấp làm giả hóa đơn mua bán hoặc mua bán lòng vòng”, vị giám đốc này cho hay.

 

Chính vì lý do này, mặc dù đã tổ chức đấu thầu công khai nhưng một số thuốc trong nhóm mua bán lòng vòng vẫn lọt vào bệnh viện. Cách đây ba năm, Bệnh viện BM từng mua phải một thuốc giá cao, thủ thuật của nhà cung cấp là scan làm giả hóa đơn mua bán với các bệnh viện khác và cung cấp cho Bệnh viện BM.

 

Kiểm tra đường đi của các thuốc đã bị phát hiện mua bán lòng vòng 4-5 cầu thì điểm đến cuối cùng đều là... bệnh viện. Tại Bệnh viện N ở trung ương, một số thuốc, thực phẩm chức năng thuộc nhóm đã bị mua bán nhiều lần như Poan 50, Cexal, Maxazith, thực phẩm chức năng HP...

 

Nên công khai giá CIF

 

Trong tờ khai gửi Cục Quản lý dược cho mỗi sản phẩm dược phẩm, luôn có đầy đủ các thông số như giá CIF, lợi nhuận dự kiến, giá bán buôn, bán lẻ dự kiến... Tuy nhiên tất cả chi tiết này đều do nhà nhập khẩu tự khai, không có bất kỳ xác nhận nào của cơ quan quản lý như Cục Quản lý dược.

 

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một bệnh viện cho hay nếu giá thuốc nhập khẩu đến cảng được công khai và có xác nhận của Cục Quản lý dược, việc chấm thầu thuốc sẽ có cơ sở. Bệnh viện sẽ không cho các thuốc có giá bán cao gấp hơn hai lần so với giá nhập khẩu trúng thầu. Tuy nhiên, hiện không có bất kỳ cơ sở nào để so sánh giá thuốc, bệnh viện không biết đâu là giá gốc của sản phẩm và vẫn chấm trúng thầu cho những trường hợp giá đã đẩy lên 5-7 lần so với giá nhập khẩu.

 

“Nếu Cục Quản lý dược yêu cầu cung cấp giá CIF, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp trung thực, bởi vì cục có quyền cấp và thu hồi số đăng ký lưu hành thuốc. Giá cơ sở này được Cục Quản lý dược kiểm tra ở cơ quan hải quan và đưa công khai lên website Cục Quản lý dược, việc chấm thầu thuốc vào bệnh viện sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều” - vị lãnh đạo này cho hay.

 

Hiện tại một số bệnh viện đang phong tỏa tiền mua thuốc của các nhà cung cấp bán thuốc giá cao, lòng vòng đã bị phát hiện. Song trong số hàng ngàn sản phẩm đã trúng thầu vào bệnh viện mỗi năm, mới có vài ba thuốc bị phát hiện là mua bán lòng vòng, đẩy giá.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ