Nhiều bệnh viện cam kết không để bệnh nhân... nằm ghép

(Dân trí) - Lần đầu tiên, 13 bệnh viện với nhiều chuyên khoa luôn quá tải đã ký cam kết chấm dứt hoàn toàn tình trạng nằm ghép với Bộ Y tế. Còn nhiều nghi ngại, băn khoăn nhưng các bệnh viện khẳng định, quyền lợi tối thiểu của người bệnh là mỗi người một giường chắc chắn được đảm bảo.

Ngày 20/1, tại Hội nghị Công tác khám chữa bệnh năm 2014, kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến chiều cùng ngày đã có 13 Bệnh viện ký cam kết với Bộ Y tế không nằm ghép. Đó là BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương, BV Lão khoa Trung ương, BV Châm Cứu, BV Nhiệt đới Trung ương, BV E, BV Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới (Quảng Bình), BV Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh), BV Tâm thần Trung ương I, BV Da liễu Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, BV Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, BV Trung Ương Huế.

Không phải ghép giường - Quyền lợi cơ bản nhất của bệnh nhân!

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong số các bệnh viện này, việc BV Nhi Trung ương tuyên bố chấm dứt tình trạng nằm ghép được dư luận quan tâm nhất. Bởi đây là “tâm điểm” của sự quá tải suốt thời gian dài mà đỉnh điểm là dịch sởi đầu năm 2014 và chính Bệnh viện này đã từng phải kêu cứu với Bộ Y tế vì tình trạng này.

Tình trạng 3 - 4 bệnh nhân/giường bệnh là cảnh thường ngày tại BV Nhi Trung ương 
Tình trạng 3 - 4 bệnh nhân/giường bệnh là cảnh thường ngày tại BV Nhi Trung ương hồi đầu năm 2014. Ảnh: Hồng Hải.

Trước những nghi ngại của dư luận rằng liệu BV Nhi Trung ương tuyên bố giảm tải có là quá sớm, khi thực tế việc khám chữa bệnh tại đây vẫn rất đông, với hàng nghìn lượt bệnh nhi mỗi ngày, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: “Đỉnh điểm là đầu năm 2014, Bệnh viện không lường hết được dịch sởi bùng nổ với quy mô lớn nên không kịp trở tay. “Kỉ niệm buồn” đó vẫn còn lại trong tâm trí của tôi, 124 trẻ tử vong do nhiễm trùng bệnh viện, do nằm ghép 3 - 4 bệnh nhi một giường… Chúng tôi đã rất trăn trở. Tôi cho rằng với một người bệnh, quyền lợi cơ bản nhất của bệnh nhân là nằm viện không phải ghép giường”, TS Hải cho biết.

Và để hiện thực hóa cái quyền lợi rất cơ bản này của người bệnh, BV Nhi Trung ương đã đưa ra hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cơ sở hạ tầng, tăng thêm phòng khám, chọn bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn làm tại phòng khám vào giờ cao điểm. 

Mỗi bác sĩ cũng chỉ được khám từ 50 - 60 bệnh nhân trong 8h làm việc; tăng thời gian tiếp xúc người bệnh, giảm thời gian chờ đợi xét nghiệm. Bên cạnh đó tạo thêm lớp “lọc” để sàng lọc kỹ bệnh nhi nhập viện. Bệnh viện đã thành lập đơn vị lưu ngắn 4 - 5 tiếng đồng hồ dành cho những trường hợp đứng giữa danh giới giữa nhập viện và ngoại trú. Những bệnh nhân này được vào đơn vị lưu ngắn và tiếp tục được theo dõi. Nếu bệnh nhân nặng lên cho nhập viện, còn nếu cho về sẽ có hướng dẫn cẩn thận. Bên cạnh đó thực hiện chiến lược bác sĩ phải gọi trực tiếp về cho bệnh nhân sau 4 - 5 tiếng, nếu ổn sẽ tiếp tục điều trị tại nhà theo phác đồ. Nhờ đơn vị lưu ngắn này, lượng bệnh nhi nhập viện giảm đi rất nhiều.

Kết quả, trong suốt 4 tháng vừa rồi, tại BV Nhi Trung ương không còn nằm ghép. So với thời điểm “nóng” về quá tải dịch sởi, việc BV Nhi Trung ương hiện thực 1 bệnh nhân/1 giường bệnh đúng như là mơ. Để tiếp tục duy trì tình trạng này, về lâu dài bệnh viện phải có tòa nhà mới, có cơ sở hai và tiếp tục thực hiện việc phân tuyến kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, quả quyết: Tại Việt Đức, tìm đỏ mắt cũng không thấy bệnh nhân nằm ghép. Bởi tại BV Việt Đức cả giường, cả cáng tổng số lên đến 1.110 giường nhưng chưa lúc nào lên đến 1.050 bệnh nhân. Tuy nhiên, có một thực tế vẫn chưa thể giải quyết đó là bệnh nhân phải phải chờ mổ.

“Mặc dù không quá tải nếu so với giường bệnh, cáng/bệnh nhân nhưng có một số khoa phòng thừa giường, khoa khác thiếu giường. Và do một số Trưởng khoa không điều tiết, đi các khoa lấy giường về ngay nên tôi đã ra quy định: Nếu ở Khoa mà nằm ghép trong khi giường nơi khác có, không chịu đi lấy giường về thì phạt bằng tiền. BV Việt Đức cam đoan không ai phải nằm ghép nhưng sẽ có những bệnh nhân nằm cáng để dễ di chuyển dễ, chụp chiếu. Vì thế, BV Việt Đức cam kết một bệnh nhân/1 giường (hoặc cáng), ông Quyết khẳng định.

13 bệnh viện đầu tiên trong cả nước cam kết với Bộ Y tế sẽ thực hiện giảm tải 
13 bệnh viện đầu tiên trong cả nước cam kết với Bộ Y tế sẽ thực hiện giảm tải bệnh viện, mỗi người bệnh nội trú sẽ được nằm 1 giường bệnh. Ảnh: H.Hải

Lo ngại đẩy bệnh nhân ra viện sớm

Trước thực tế tại cổng BV Nhi Trung ương có rất nhiều dãy nhà trọ người nhà bệnh nhân phải trả mức giá 70 nghìn/ngày vì bệnh nhi đã được ra viện nhưng vẫn tiếp tục phải thực hiện thủ thuật và nay có bệnh viện cam kết không nằm ghép với bệnh nhân nội trú sau 24 - 48 giờ nhập viện... Câu hỏi được đặt ra là liệu có xảy ra tình trạng bệnh viện sẽ “đẩy” bệnh nhân ra viện sớm làm tăng thêm gánh nặng cho người bệnh?

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: “Giảm tải bệnh viện đến tối đa đã là một thành công rất lớn, Bộ y tế không bắt ép ai cả. Kể cả không giảm tải thì chắc chắn vẫn sẽ có tình trạng như thế. 

Bởi trong thực tế khám chữa bệnh có những bệnh nhân chữa dị dạng phải nằm viện 2 - 3 năm. Thế giới có những bệnh nhân nằm viện 5 năm điều trị liệt. Việt Nam không có điều kiện đó, người bệnh được ra viện và thực hiện thủ thuật là điều bình thường. 

Như tại BV Việt Đức, bệnh nhân chạy thận nhân tạo cách nhật thì không thể nằm viện và BV Việt Đức có chỗ ở miễn phí cho những bệnh nhân này. Nếu bệnh viện Nhi Trung ương có chỗ ở ngoại trú từ thiện cho những bệnh nhân này thì tuyệt vời, bài toán sẽ được giải quyết”.

Còn TS Nguyễn Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho rằng hiện nay xu hướng ngày điều trị nội trú của các nước phát triển giảm. Việt Nam ngày điều trị trung bình là  6,7 - 7 ngày điều trị và mục tiêu ngày càng giảm xuống nhưng phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, tiên lượng bệnh.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc để bệnh nhân nằm ghép sau 1 - 2 ngày nhập viện là “khiên cưỡng” bởi với thời gian này nhiều người bệnh có thể đã được xuất viện, hay “đẩy” bệnh nhân ra viện sớm so với chỉ định sẽ khiến người bệnh lâm vào thế khó.

“Cắt thưởng”, cam kết bằng... danh dự!

 Theo ông Tường, việc các BV ký cam kết không nằm ghép với bệnh nhân nội trú dựa trên tinh thần tự nguyện và nỗ lực của Bệnh viện để đáp các yêu cầu tối thiểu của người bệnh chứ không phải do Bộ Y tế bắt ép. Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra, đánh giá, giám sát. Người bệnh bị nằm ghép sau khi ký cam kết hoàn toàn có thể phản ánh với lãnh đạo bệnh viện, nếu vẫn không giải quyết được báo cáo lên Bộ Y tế.

Về chế tài xử lý với các đơn vị cam kết không nằm ghép nhưng vẫn ghép đôi, ghép ba, Bộ Y tế chưa thực hiện. Tuy nhiên Bệnh viện cam kết giảm tải và Bộ Y tế rất ủng hộ. Các bệnh viện còn lại, Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị có điều kiện đăng kí sớm, bao giờ chính thức làm được mới kí cam kết. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn gì sẽ cùng gỡ vướng, chúng tôi không phải thả để bệnh viện tự bơi. 

Hơn nữa, cam kết này được lãnh đạo các BV ký bằng danh dự. Giám đốc các BV đều là GS, PGS, thầy giáo giảng dạy… nên chúng tôi tin rằng không có chuyện ký xong rồi để đấy. Bộ Y tế tin là các BV sẽ thực hiện đúng cam kết”, ông Nguyễn Quý Tường cho biết.

Hồng Hải

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm