Nhiều bệnh nhân mắc tả bị trụy mạch

(Dân trí) - Dù mới bắt đầu mùa dịch nhưng đã có 12 bệnh nhân bị truỵ mạch do tả phải nằm ở khoa Cấp cứu, điều trị tích cực. Nguyên nhân có thể là do người dân chủ quan đến viện muộn nhưng cũng có thể là độc tố vi khuẩn tả cao.

Bệnh nhân tiếp tục tăng

Theo ông Hà, không như năm ngoái, cả đợt dịch chỉ có vài ca nặng nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì truỵ mạch. Năm nay, dù mới bắt đầu mùa dịch đã có 12 bệnh nhân tiêu chảy truỵ mạch phải nằm ở khoa Cấp cứu, điều trị tích cực. “Số ca tiêu chảy nặng nhập viện có thể là do người dân chủ quan đến viện muộn nhưng cũng có thể là độc tố vi khuẩn tả cao”, ThS Nguyễn Hồng Hà, Viện phó Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, nhận định.
 
Nhiều bệnh nhân mắc tả bị trụy mạch - 1
Hành lang Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia được
tận dụng bố trí như một phòng bệnh. Ảnh chụp chiều 14/5. ( Ảnh: H.Hảii)
Về các ca tiêu chảy cấp nhập viện, con số bệnh nhân vẫn tăng lên hàng ngày. Tính hết ngày 12, cả viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia có 79 ca tiêu chảy cấp, trong đó 33 là dương tính với khuẩn tả. Riêng trong ngày 13/5, đã có thêm 35 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện, trong đó một nửa là tả. Theo ThS Hà, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm sẽ tiếp tục tăng, vì đây mới là thời điểm đầu mùa dịch.
 
Còn tại Bệnh viện E, nơi phát hiện ca tả đầu tiên của Hà Nội (cũng là ca đầu tiên của cả nước) trong năm 2009, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện tính đến tối 14/5 là 70 bệnh nhân. Trong đó, có 35 ca dương tính với khuẩn tả. Rất nhiều ca bệnh nặng, mất nước độ 3, độ 4 rất nguy hiểm.
 

Cho đến thời điểm này, thống kê tại Viện cho thấy, bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm tại Hà Nội đông nhất là dân cư thuộc quận Thanh Xuân (25,7%), tiếp đến là quận Hai Bà Trưng (18%), tiếp đến là các quận Đống Đa, Hoàng Mai…

 

Điều tra dịch tễ cho thấy có đến hơn nửa ca bệnh là do ăn thịt chó, mắm tôm và rau sống; ăn hàng quán chiếm 15%, 3 trường hợp nhập viện sau khi ăn cỗ.

Hiện khoa Truyền nhiễm bệnh viện E đã phải kê thêm 25 giường (lên thành 50 giường) nhưng vẫn không đủ chỗ nằm, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, nằm ghép 2 - 3 người một giường. Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cũng trong tình trạng tương tự. Viện đã dành khoảng 90/160giường bệnh để điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp mà vẫn không đủ chỗ nên nhiều giường bệnh phải nằm ghép hai, nằm ngoài hành lang.

Đặc biệt nguy hiểm là trong số bệnh nhân tiêu chảy cấp đang nằm điều trị tại Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia có hai bệnh nhân nặng là hai phụ nữ đang mang thai. Theo ThS Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng khoa Viêm gan Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, việc mất nước quá nhiều do nhiễm tả trong thời gian mang thai có thể dẫn đến rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hoá gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế các bà mẹ phải cực kỳ thận trọng trong vấn đề ăn uống.

Bị đi ngoài, hãy đến ngay bệnh viện

Đó là lời cảnh báo của ThS Hà trước việc nhiều người bệnh khá chủ quan, thờ ơ đến viện muộn. Ông Hà khuyên: “Trong thời điểm này, nếu bị đi ngoài, đừng chủ quan nghĩ là rối loạn tiêu hoá bình thường mà hãy nghĩ đến tiêu chảy cấp, vì thời điểm này, nguy cơ bị tiêu chảy cấp nguy hiểm là rất lớn. Hãy đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị sớm nhất.

“Khi bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh nhân bị trụy mạch rất nhanh. Thậm chí, chỉ sau nửa ngày bị đi ngoài đã bị mất nước dẫn đến trụy mạch (không bắt được mạch, không huyết áp, suy thận) rất nguy hiểm đến tính mạng. Cũng đừng căn cứ vào lượng phân để đánh giá tình trạng bệnh của bản thân vì nhiều khi tình trạng mất nước của cơ thể không tương xứng với lượng phân đi ra. Vì nhiều người do căn cứ vào lượng phân, thấy mỗi lần đi không nhiều nên chủ quan, khi được đưa đến viện đã trong tình trạng mất nước nặng, độ 3 - 4, chân tay co quắp, truỵ mạnh...”, ông Hà nói.
 
Nhiều bệnh nhân mắc tả bị trụy mạch - 2
Một thanh niên bị tiêu chảy cấp nặng, bị truỵ mạch, nằm bất động dù
đã qua 1 ngày truyền nước, điều trị (Ảnh: H.Hải)

Như trường hợp một cụ ông 82 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội đang được điều trị suy thận sau tiêu chảy tại Viện. Trước đó, cụ bị tiêu chảy cấp rất nặng nhưng gia đình nghĩ cụ già yếu nên không đưa đi viện. Tới lúc bệnh quá nặng mới cho lên bệnh viện huyện cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi bệnh tiêu chảy được điều trị ổn định, bệnh nhân này xuất hiện dấu hiệu suy thận. Hiện thời gian điều trị sẽ rất dài, do thể lực của cụ yếu.

Ngoài ra, khả năng miễn dịch với khuẩn tả là có nhưng rất ngắn, chỉ được 2 - 3 năm. Nghĩa là nếu đã từng mắc bệnh, cơ thể cũng không sinh ra miễn dịch để bảo vệ suốt đời mà chỉ có giá trị trong vòng 2 - 3 năm. Vì thế, khâu vệ sinh ăn uống, vệ sinh cơ thể, môi trường là vô cùng quan trọng. “Trong thời điểm này, tốt nhất là mọi người nên mua thực phẩm về tự nấu. Thức ăn đường phố hay bất cứ nguồn thực phẩm nào ô nhiễm đều có nguy cơ gây tiêu chảy cấp nguy hiểm chứ không riêng gì thịt chó, mắm tôm. Điều tra cho thấy, có người bị tiêu chảy cấp vì ăn bánh mỳ sữa, ăn bún, ăn bánh gatô. Vì thế, an toàn thực phẩm là tối quan trọng”, ThS Hà cảnh báo.

Nhận định số ca tiêu chảy cấp nguy hiểm sẽ tiếp tục tăng lên, nên cả bệnh viện E, Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đều đã lên phương án dự phòng để nếu số lượng bệnh nhân vào đông hơn cũng có thể xử lý được. Như điều chỉnh các khối bệnh nhận khác để tập trung xử lý bệnh tiêu chảy cấp đang diễn biến căng thẳng.
 
Một cách làm đang được Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia áp dụng là: sau khi điều trị bệnh nhân nhiễm khuẩn tả theo đúng phác đồ, liệu trình, bệnh nhân hết đi ngoài, âm tính với khuẩn tả thì cho xuất viện để giải phóng chỗ cho bệnh nhân mới. Danh sách bệnh nhân xuất viện sẽ được gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng nơi cư trú để tiếp tục được theo dõi, cách ly thêm một vài ngày.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm