Nhiều bất cập trong điều trị thoái hoá khớp giai đoạn đầu
(Dân trí) - Hơn 50% người trên 50 tuổi chịu ảnh hưởng bởi chứng bệnh thoái hóa khớp và số người mắc đang tăng nhanh, tỉ lệ thuận với tuổi thọ con người, nhưng việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị thoái hoá khớp giai đoạn đầu tại Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức.
Tại Hội nghị Cập nhật về điều trị thoái hoá khớp do Hội Thấp khớp học Việt Nam tổ chức cuối tháng 4/2016, GS TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân thoái hóa khớp có xu hướng tăng lên do tuổi thọ người Việt được nâng cao đáng kể. Hiện có khoảng 50% người trên 50 tuổi đang chịu những tác động tiêu cực của căn bệnh này.
Còn theo GS. Jean Yves Reginster, Chủ tịch Hiệp hội châu Âu về các khía cạnh lâm sàng và kinh tế của loãng xương và thoái hoá khớp (ESCEO), Chủ tịch nhóm hoạt động về Y đức và chất lượng trong nghiên cứu khoa học (GREES), nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các bệnh xương khớp (Tổ chức Y tế thế giới), hiện có khoảng 250 triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi thoái hoá khớp – Con số này đã đẩy thoái hoá khớp lên vị trí thứ 11 trong danh sách các bệnh tật có số người mắc nhiều nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tich Hội thấp khớp học Việt Nam (VRA), tỷ lệ mắc bệnh thoái hoá khớp tăng theo tuổi tác và thời gian. Cụ thể, chỉ tính riêng thoái hoá khớp gối, nếu trong độ tuổi từ 26 trở xuống, chỉ có khoảng 4,9% đối với nữ và 4,6% đối với nam mắc bệnh thì ở độ tuổi 27-45, tỉ lệ này là 19,3% với nữ và 18,6% đối với nam và tăng vọt lên gần 50% khi ở tuổi 46-60…. và 100% ở người trên 90 tuổi.
Ảnh hưởng của bệnh thoái hoá khớp đối với các vùng trên cơ thể có xu hướng khác nhau ở các châu lục. Nếu ở châu Âu, thoái hoá khớp gặp chủ yếu ở tay thì ở Việt Nam, thoái hoá khớp chủ yếu là ở khớp gối, khớp háng, trong đó khớp gối là nhiều nhất.
Khi không được phát hiện sớm, điều trị đúng, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ khớp biến dạng, tàn phế. Trong khi đó, việc chẩn đoán, dự phòng và điều trị giai đoạn đầu trong nước đều còn rất nhiều bất cập, khiến việc điều trị cơ bản (bước 1 trong chiến lược điều trị bệnh thoái hoá khớp theo tiêu chuẩn của ESCEO) không hiệu quả, buộc phải sử dụng thuốc nâng cao, thuốc điều trị cuối cùng cũng như phẫu thuật:
Thiếu thầy thuốc giỏi
GS Ân cho biết hiện thời lượng giảng dạy về bệnh khớp tại các trường Y ở nước ta là rất ít, thậm chí có 1 số trường không hề có giờ nào dạy về viêm khớp. Hậu quả là rất ít bác sĩ có chuyên môn về lĩnh vực này, dẫn tới việc chẩn đoán và điều trị chủ yếu là kiêm nhiệm, làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị của người bệnh ở giai đoạn đầu.
Lạm dụng chụp X-quang
Theo GS Ân, chụp X-quang trong chẩn đoán bệnh thoái hoá khớp rất ít giá trị. Ví như bệnh thoái hoá cột sống thắt lưng, gai đốt sống, không phải cứ chụp X-quang xong là kết luận bị thoái hoá cột sống.
Cụ thể, với gai đốt sống, ngay cả khi 11/12 đốt sống xuất hiện gai thì cũng không thể kết luận là viêm khớp cột sống bởi nguyên nhân chính hình thành gai đốt sống là do sự lão hoá và gai cột sống không phải là nguyên nhân gây đau đớn. Còn hình ảnh thoái hoá cột sống cũng cần phải được xét nghiệm mở rộng, quan tâm tới các yếu tố khác như bệnh zola thần kinh, di căn ung thư...
Quá nhiều loại glucosamin
Theo PGS. Ngọc Lan, glusamin từ lâu được biết đến là hoạt chất rất cần cho khớp và tốt cho người viêm khớp. Do đó, có rất nhiều loại glucosamin trên thị trường, trong đó chủ yếu là glucosamine sulfate, glucosamine hydrochloride và được đóng gói với hàm lượng khác nhau, từ 500-1.500mg.
Tuy nhiên, sau 1 thời gian dài sử dụng, đến nay các nhà khoa học đều công nhận glucosamine hydrocholoride dùng một mình hay kết hợp không có hiệu quả giảm đau trong bệnh viêm khớp gối tốt hơn đáng kể so với giả dược.
Nhưng ngay với cả glucosamine sulfate dạng tinh thể, được chứng minh lâm sàng là có hiệu quả trong dự phòng và điều trị bệnh khớp (bước 1 trong Chiến lược điều trị) thì liều dùng hiệu quả phải là 1200 – 1500 mg glucosamin/ngày và phải dùng từ 3 tháng trở lên mới thấy hiệu quả. Trong khi đó, bệnh nhân thường chỉ dùng 1 thời gian ngắn, thấy không hiệu quả là bỏ điều trị.
Thuốc giảm đau - Không hiệu quả nhưng vẫn khuyến cáo dùng
Theo GS Reginster, tất cả các hướng dẫn trên thế giới đều đưa thuốc giảm đau là bước đầu tiên trong 4 giải pháp điều trị thoái hoá khớp. Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả các hướng dẫn này đều có lưu ý là không nên dùng thuốc giảm đau lâu dài và hết sức thận trọng về liều sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, tim mạch, thận. Chưa kể, hiệu quả của phương pháp này rất thấp. Thuốc gần như không có hiệu quả sau 6 tháng.
Do đó, Hiệp hội châu Âu về các khía cạnh lâm sàng và kinh tế của loãng xương và thoái hoá khớp đã đưa ra khuyến cáo mới nhất đó là sử dụng liệu pháp thay thế thuốc giảm đau bằng thuốc tác dụng lâu dài, điều trị triệu chứng mạn tính của thoái hoá khớp (SYDADOA).
Còn theo PGS. Ngọc Lan, người bị bệnh khớp cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp trong sử dụng thuốc giảm đau, nhất là những bệnh nhân có kèm các bệnh lý ở đường tiêu hoá để tránh các biến chứng. Còn với liệu pháp SYSADOA, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc glucosamine sulfate kê đơn, thuốc chondroitin sulfate kê đơn và các loại SYSADOA khác.
Nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng
GS Trần Ngọc Ân đã bày bày tỏ lo ngại về tình trạng nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng trong điều trị thoái hóa khớp. Hàng trăm loại thực phẩm chức năng nhập khẩu được quảng cáo có chứa Glucosamin và bán tràn lan trên thị trường và được quảng cáo như thuốc khiến nhiều người mua về uống để phòng, chữa thoái hóa khớp.
Nhiều loại thực phẩm chức năng thực ra lại là thuốc, nhưng chưa được kiểm định, thử nghiệm và xác nhận hiệu quả... Do đó, khi bệnh nhân lầm tưởng, tự mua về sử dụng sẽ bỏ qua cơ hội điều trị bệnh hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.
Trần Phương
(Email: tranthuphuong@dantri.com.vn)