Nghệ An

Nhiễm trùng toàn thân vì bị mò cắn

(Dân trí) - Sau 3 ngày sốt cao, bé Hương được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng gan, lách và hạch to, toàn thân phù nề. Đây là 1 trong 20 bệnh nhi nhập viện điều trị vì sốt do mò cắn từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hiện đang hồi phục sức khỏe.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hiện đang hồi phục sức khỏe.

Ngày 3/11, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhi Trần Thị Hương (SN 2008, trú tại xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) đã cắt cơn sốt, sức khỏe đang tiến triển theo hướng tích cực.

Trước đó, vào ngày 29/10, bé Hương nhập viện trong tình trạng sốt cao, gan to, lách to, hạch to, tình trạng bệnh diễn biến xấu, ảnh hưởng đến tính mạng. Theo gia đình, chiều ngày 26/10, bé Hương đột ngột lên cơn sốt, chảy nhiều nước mắt. Mặc dù được uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh nhi không hạ sốt, bệnh diễn biến xấu, toàn thân phù nề, dưới mắt phải xuất hiện vết tấy đỏ, chảy nước mắt liên tục nên gia đình chuyển cháu xuống Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để kiểm tra.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Lúc nhập viện, bệnh nhi đã ở trong tình trạng nguy kịch, gan to, lách to, hạch to. Thăm khám kỹ và thực hiện các xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị nhiễm trùng toàn thân, các cơ quan đều bị tổn thương, nguy cơ biến chứng cao. Nguyên nhân do bị mò (một loại côn trùng - PV) cắn, còn gọi là bị “sốt mò”. Sau 6 ngày điều trị tích cực, sử dụng kháng sinh đặc hiệu, hiện bệnh nhân đã hạ sốt, tỉnh táo, có thể ăn cháo”.

Trong năm 2014, Khoa Lây - Truyền nhiễm đã tiếp nhận khoảng 20 ca sốt mò. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến xấu gây khó khăn cho công tác chữa trị. Các bệnh nhân bị mò cắn thường sốt cao. Vết cắn chỉ là một chấm nhỏ nên gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân. Một thời gian ngắn sau, vết cắn sẽ mưng mủ gây khó chịu cho người bệnh. Bệnh “sốt mò” là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do các loại gặm nhấm, các loại côn trùng như ve, mò truyền vào cơ thể người qua vết cắn.

“Bệnh có diễn biến lâm sàng phong phú với rất nhiều triệu chứng không đặc hiệu, thương tổn ở nhiều cơ quan khác nhau nên dễ nhầm với các bệnh khác, gây khó khăn cho việc chẩn đoán cũng như điều trị. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây tổn thương tim, phổi, gan thận và nhiều cơ quan khác, gây biến chứng dẫn đến tử vong. Khi trẻ bị sốt cao trên 3 ngày mà không rõ nguyên nhân nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị”, bác sỹ Sơn khuyến cáo.

Hoàng Lam