Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo

Yến Lê Tiến Thịnh

(Dân trí) - Sau gần 2 năm chịu những đau đớn tột cùng vì vết thương phẫu thuật thay khớp háng bị nhiễm trùng dai dẳng, ông Biện Văn Minh (60 tuổi, Tây Ninh) đã được bác sĩ Bệnh viện FV điều trị thành công và đi lại gần như bình thường.

Hành trình phục hồi của ông Biện Văn Minh

Chịu đau suốt mùa dịch sau biến chứng thay khớp háng

Người đàn ông 60 tuổi vóc dáng lực điền, thong thả bước ra từ phòng khám của bác sĩ, với nụ cười nhẹ nhõm. Nhìn ông Minh ít ai nghĩ lão nông này cách đây ít lâu phải trải qua 4 lần mổ thay khớp háng và điều trị biến chứng nhiễm trùng kéo dài, cắn răng chịu đựng cơn đau tới mức có lúc bi quan nghĩ đến cái chết. Nhắc về hành trình gần 2 năm chữa bệnh của mình, ông nói: "Tôi đã hồi phục thể lực tới 80% rồi, được như vầy là nhờ may mắn gặp được bác sĩ Phát của Bệnh viện FV".

Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo - 1
Ông Biện Văn Minh chia sẻ câu chuyện điều trị khớp háng nhiễm trùng của mình (Ảnh: FV).

Năm 2019 ông Minh thấy mình bị đau chân trái. Khi đi khám, các bác sĩ ở địa phương chẩn đoán ông bị thoái hóa khớp háng, khuyên thay khớp nhân tạo. Nghe viễn cảnh mổ xẻ, ông rất sợ, nên chỉ mua thuốc giảm đau về uống.

Đầu năm 2020, cơn đau trở nên nghiêm trọng, thuốc giảm đau không còn tác dụng nữa. Tới khám tại một bệnh viện tư ở Củ Chi, bác sĩ kết luận ông bị hoại tử chỏm xương đùi, cần phải thay khớp háng. Để điều trị cho ông, các bác sĩ tại đây đã thực hiện 2 cuộc phẫu thuật. Kết quả hai lần tái khám cho thấy khớp nhân tạo tốt nhưng cơn đau vẫn không dứt, sau phẫu thuật 2 tháng ông vẫn phải dùng nạng để di chuyển.

Covid-19 bùng phát giữa lúc cơn đau khớp của ông ngày một tăng. Không thể đi khám, ông chỉ còn cách uống thuốc giảm đau và nằm cắn răng chịu đựng. Là lao động chính trong gia đình, vậy mà thời điểm đó lão nông đành bỏ mặc mảnh đất 20ha không người coi sóc.

"Vết mổ rất đau nhức, cảm giác nóng rát, rồi sau đó chảy mủ không ngừng. Mỗi ngày bà nhà tôi phải thay băng giúp tôi 2-3 lần. Tôi thực sự tuyệt vọng, đã có lúc không còn hy vọng sống. Tôi nói riêng với hai anh con rể, bệnh nặng thế này cha chắc không sống nổi, thôi khỏi trị. Nhưng các con động viên tôi cố gắng cầm cự bằng thuốc giảm đau, đợi dịch lắng xuống thì tìm bệnh viện tốt để điều trị", ông chia sẻ.

"Có thể đi lại được nhờ may mắn gặp đúng bác sĩ!"

Theo lời khuyên của một người quen từng điều trị khớp háng tại Bệnh viện FV, các con đưa ông Minh đến đây khám ngay sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu. Bác sĩ Lê Trọng Phát - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện FV - trực tiếp khám cho ông Minh. Các xét nghiệm cho thấy khớp háng của bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng, tạo thành một ổ dịch bên trong. Bác sĩ nhận định đây là ca khó, để điều trị triệt để cần xử lý sạch ổ nhiễm trùng và thay một khớp háng mới cho bệnh nhân.

"Ổ nhiễm trùng tại vết mổ thay khớp của bệnh nhân đã không được điều trị dứt điểm, mặc dù nhiều tháng uống kháng sinh và mổ đi mổ lại", bác sĩ Phát giải thích. Khớp háng làm bằng kim loại có các khe nhỏ, thuốc chống nhiễm trùng vào cơ thể qua đường máu, tuy nhiên máu không thể tiếp cận đến kim loại để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu chỉ cắt lọc phần thịt bị nhiễm trùng mà không lấy implant ra cũng không thể hết các ổ dịch.

Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo - 2

Bệnh nhân được thực hiện các khảo sát tại Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Ông Minh được chỉ định phẫu thuật để điều trị triệt để ổ nhiễm trùng. Bác sĩ Phát cắt lọc toàn bộ phần thịt bị nhiễm trùng, rửa sạch các mô. Khớp háng nhân tạo được lấy ra, thay vào bằng một thiết bị spacer (miếng ghép nhân tạo bằng xi măng sinh học) có kháng sinh, để giữ độ giãn của khe khớp, như một cách "giữ chỗ" để việc thay khớp sau này được tiến hành thuận lợi. Sau ca mổ, bệnh nhân được cho về nhà, đợi vết thương lành hẳn mới tiếp tục việc điều trị.

Ba tháng sau, ổ nhiễm trùng trong cơ thể ông Minh đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ Phát mới thực hiện phẫu thuật thay khớp háng mới cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi.

"Chỉ 2 ngày sau ca mổ tôi đã có thể đứng dậy được. Cảm giác lúc đó mừng lắm. Thực sự không nghĩ mình có thể đứng lên được như xưa", ông Minh xúc động nhớ lại. Khi ông xuất viện, gia đình mở tiệc đãi chòm xóm. Ai cũng mừng cho lão nông đã hồi phục sau hai năm bị bệnh tật hành hạ.

Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo - 3

Bệnh nhân được bác sĩ Phát thông báo tình trạng sức khỏe (Ảnh: FV).

Lần tái khám trong tháng 12/2022, bác sĩ Lê Trọng Phát thông báo, khớp háng của bệnh nhân phục hồi rất tốt, ông đã có thể đi không cần đến gậy. Do trải qua 4 lần mổ, vết thương lành nhưng mô còn chai cứng nên khi đi vẫn hơi có cảm giác thốn, tuy nhiên chịu khó tập luyện thì cảm giác này sẽ hết theo thời gian.

Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo - 4
Ông Minh đã đi lại được mà không cần sự trợ giúp của gậy (Ảnh: FV).

"Sau hơn ba tháng, tôi đã có thể loanh quanh làm được việc nhà. Sức khỏe đã hồi phục 80%. Tôi rất mừng vì đã gặp được bác sĩ Phát. Nhờ bác sĩ mà tôi đi lại khỏe re như trước", ông Minh phấn khởi cho biết.

Với sức khỏe hồi phục, giờ đây lão nông hy vọng sẽ sớm quay lại công việc đồng áng. Hơn 20 hecta đất trồng mì và cao su vẫn đang đợi bàn tay ông chăm sóc.

Nhiễm trùng: tai biến nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp háng

Trao đổi về trường hợp của bệnh nhân Biện Văn Minh, bác sĩ Lê Trọng Phát cho biết, tai biến nhiễm trùng trong thay khớp háng không hiếm gặp, và việc điều trị khó hơn rất nhiều so với việc thay khớp, chi phí điều trị cao, thời gian kéo dài và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần bệnh nhân. Nếu chẳng may implant bị nhiễm trùng thì chỉ có cách mổ lấy implant ra, điều trị nhiễm trùng triệt để rồi mới thay một khớp khác - là một nguyên tắc trong ngành thay khớp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa nhiều cơ sở y tế đủ kinh nghiệm khắc phục nhiễm trùng thay khớp, những trường hợp mổ ra, rửa vết thương rồi đóng lại thì vẫn thất bại trong điều trị. Bên cạnh đó, nhiều người phải thiệt thòi mang ổ nhiễm trùng trong người suốt quãng đời còn lại vì không có điều kiện để mổ lại.

Nhiễm trùng - biến chứng nguy hiểm trong phẫu thuật thay khớp nhân tạo - 5
Môi trường phòng mổ vô trùng tại Bệnh viện FV góp phần quan trọng cho thành công của các ca thay khớp nhân tạo (Ảnh: FV).

"Khi biến chứng nhiễm trùng xảy ra mà không được xử lý thì dẫn đến ổ nhiễm mạn tính, sẽ làm suy yếu sức khỏe bệnh nhân, người bệnh rất đau đớn, ảnh hưởng chất lượng sống", bác sĩ Phát cho biết. Do vậy, tất cả các ca mổ liên quan đến cơ xương khớp, nhất là đặt một bộ phận nhân tạo vào cơ thể, đều rất nhạy cảm với vấn đề nhiễm trùng.

"Tại FV, chúng tôi đặc biệt quan tâm quy trình liên quan đến phẫu thuật: phải tuyệt đối đạt tiêu chuẩn cao trong kiểm soát nhiễm khuẩn, để xác suất nhiễm trùng thấp nhất có thể", bác sĩ Phát chia sẻ.

Các ca mổ thay khớp tại FV đều được thực hiện trong môi trường phòng mổ vô trùng, đạt chuẩn y tế quốc tế JCI. Vì vậy, hàng năm, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện FV thực hiện gần 70-100 ca thay khớp háng. Theo đại diện bệnh viện, chưa có trường hợp nào bị vấn đề nhiễm trùng.

Hiện tại, Bệnh viện FV kết hợp cùng Bảo hiểm Xã hội TPHCM áp dụng chi trả bằng Bảo hiểm y tế Nhà nước cho các phẫu thuật thay khớp vai, khớp gối và khớp háng tại FV. Mức chi trả lên đến 45% các chi phí điều trị tại bệnh viện FV theo quy định của BHXH, trong đó bao gồm các chi phí phẫu thuật và vật tư cấy ghép, thiết bị y tế và vật tư tiêu hao. Để biết thêm thông tin bạn đọc có thể liên lạc với bệnh viện qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.

Đang được quan tâm