Nhiễm hàng loạt vi khuẩn gây bệnh đường ruột vì rửa rau nước bẩn

(Dân trí) - TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, với nguồn rau rửa nước kênh đen kịt, lo ngại nhất chính là việc nhiễm hàng loạt vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh đường ruột, từ E. Coli, Coliform, trứng giun sán…

Theo ông Phong, việc người dân sau khi thu hoạch rau liền rửa ngay dưới dòng nước thải đen ngòm, chứa phân, vỏ của nhiều chai thuốc trừ sâu rồi đem bán là rất nguy hại. Bởi khi rau được rửa ở nguồn nước này sẽ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm có trong nguồn nước ô nhiễm.

Rau rửa ở nguồn nước ô nhiễm như thế này có nguy cơ nhiễm hàng loạt vi sinh vật, kí sinh trùng gây bệnh đường ruột nguy hiểm. Ảnh: Mạnh Thắng
Rau rửa ở nguồn nước ô nhiễm như thế này có nguy cơ nhiễm hàng loạt vi sinh vật, kí sinh trùng gây bệnh đường ruột nguy hiểm. Ảnh: Mạnh Thắng

Trong khi đó, việc rửa rau khó làm sạch hoàn toàn các vi khuẩn gây bệnh đường ruột này. Nếu ăn phải rau sống, rồi hành (cũng thường được nấu chưa chín vì cho vào sau khi đã tắt bếp) thì nguy cơ cho đường tiêu hóa là rất lớn.

“Có thể không phải đi viện ngay, nhưng sự tích tụ của vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa lâu ngày sẽ gây hại cho sức khỏe. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, người nông dân nên chấm dứt ngay việc rửa rau trong nguồn nước ô nhiễm như thế này. Còn người tiêu dùng nên mua rau tại nơi có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy trước khi chế biến”, ông Phong nói.

Cùng quan điểm này, TS.BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rau rửa trong nguồn nước ô nhiễm rất nguy hiểm bởi như mô tả, dòng nước tù đen kịt, có cả phân, xác chết súc vật, rồi vỏ hộp các loại thuốc trừ sâu… tiềm ẩn quá nhiều vi sinh vật và các chất gây hại. Vì thế, việc rửa rau tại đây là không nên. Trong khi đó không thể nhận biết được đâu là rau được rửa ở nguồn nước ô nhiễm, vì thế, người tiêu dùng khi ăn rau phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, ăn rau nấu chín để giảm thiểu nguy cơ cho sức khỏe.

Không chỉ rau rửa ở nguồn nước ô nhiễm, các loại rau thủy sinh dễ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, mà ngay cả rau trồng trên cạn, không rửa cũng có nguy cơ nhiễm nếu người nông dân dùng nguồn nước ô nhiễm tưới rau. Trong khi đó, tập quán dùng nước thải tưới rau là khá phổ biến, khiến rau trồng trên cạn cũng nhiễm kí sinh trùng, vi sinh vật từ nguồn nước ô nhiễm này.

Theo đó, một kết quả nghiên cứu về mầm bệnh ký sinh trùng trên rau được tưới bằng nước thải tại thành phố và nông thôn tỉnh Nam Định do PGS.TS Nguyễn Văn Đề và cộng sự Đại học Y thực hiện cho thấy, trong tổng 660 mẫu rau tưới bằng nước thải thì tỷ lệ nhiễm kí sinh trùng là 9,1%. Các loại kí sinh trùng thường gặp là giun đũa, gin tóc, ấu trùng giun móc, giun lươn, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ, khuẩn E.coli và bào nang amíp…

TS Phong khuyến cáo, khi mua rau người tiêu dùng nên mua ở các cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ. Dù là rau thủy sinh hay rau trên cạn đều cần rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun sán, ký sinh trùng trên rau. Trươc khi rửa dưới vòi nước, có thể ngâm 5 – 10 phút trong chậu để làm tan đất, bụi bẩn, ki sinh trùng bám trên rau, rửa sạch rồi rửa dưới vòi nước. Tuy nhiên việc rửa rau cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các kí sinh trùng, vi sinh vật nguy hiểm bám trên rau, vì thế việc nấu chín là vô cùng quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật gây bệnh đường ruột nguy hiểm này.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm