1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiễm độc băng dán xuyên da

Gần đây trên mạng internet lan truyền một tài liệu khuyến cáo mọi người nên cảnh giác khi xài băng dán vì đã có trường hợp xước da, sử dụng băng dán bịt lên vết thương, bất ngờ bị khó thở, mắt mờ, suy hô hấp vì thuốc thấm vào máu, gây nhiễm độc...

 

Nhiễm độc băng dán xuyên da - 1


Hiện nay việc dùng dạng thuốc là miếng băng dán (còn gọi cao dán) để dán lên da nhằm trị hoặc phòng bệnh khá phổ biến. Thuốc ở dạng này có hai loại, cho hai tác dụng khác nhau. Một loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ kiểu như miếng cao dán Salonpas, chỉ có tác dụng giảm đau ở chỗ vùng dán. Còn loại thứ hai mặc dù dán lên da nhưng cho tác dụng toàn thân, tức cho tác dụng không khác gì thuốc uống hay tiêm, kiểu như dán thuốc lên da ở ngực nhưng trị được đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim. Người dùng thuốc rất cần biết miếng băng dán dùng thuộc loại nào để có sự thận trọng đúng mực, vì nếu xài không đúng có thể gây nguy hiểm.

 

Băng dán là dạng thuốc đặc biệt

 

Miếng băng dán lên da nhưng thuốc thấm qua da cho tác dụng toàn thân, còn được gọi là hệ điều trị xuyên da (transdermal therapeutic system, viết tắt TTS). Ta thấy sau tên thuốc của dạng thuốc này có chữ TTS là vì thế, ví dụ như Nitroderm TTS. Dù là miếng băng mỏng hình chữ nhật hay hình tròn thì dược chất đều sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu và cho tác dụng toàn thân. Như vậy, mặc dù đường dùng thuốc có khác nhưng dạng băng dán xuyên da cho tác dụng không khác thuốc uống hay thuốc tiêm mà lại có các ưu điểm: không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hoá bởi gan như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất một cách liên tục không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày; nếu cần ngưng ngay sự điều trị thì chỉ cần bóc miếng băng dán ra khỏi da…

 

Do có nhiều ưu điểm kể trên nên băng dán xuyên da hiện được dùng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: Nitroderm TTS chứa trinitrin dùng trị đau thắt ngực, phòng nhồi máu cơ tim, Scopoderm TTS chứa scopolamin dùng phòng chống say tàu xe, Estraderm TTS chứa estrogen dùng trị rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ, Fetanyl TTS chứa fetanyl dùng trị đau nhức nặng như đau ung thư giai đoạn cuối, Nicoderm TTS chứa nicotin dùng cai hút thuốc lá… Do băng dán xuyên da là dạng thuốc đặc biệt cho tác dụng toàn thân nên ta phải thận trọng khi dùng.

 

Không tuỳ tiện xài băng dán

 

Không thể tránh tuyệt đối những hiểm hoạ khi dùng dạng thuốc đặc biệt như băng dán. Tuy nhiên nếu cẩn trọng và hiểu được những nguyên tắc an toàn khi sử dụng dạng thuốc này thì có thể nói người bệnh đã đặt được mình vào tình trạng an toàn tối đa:

 

Về loại băng dán cho tác dụng tại chỗ cũng cần lưu ý, không nên dán vào chỗ trầy xước hoặc có vết thương, vì hoạt chất có thể thấm vào bên trong cơ thể gây hại, chẳng hạn những loại băng dán chứa metyl salicylat, mentol, camphor, thymol… trong đó metyl salicylat, nếu thấm nhiều vào máu sẽ gây độc.

 

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: trước khi dùng, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết liều lượng, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán là bao lâu, cũng như thời điểm dán, cách thay băng dán mới, cách huỷ băng dán sau khi dùng xong… Dán Nitroderm TTS vào vùng da trước ngực, dán Scopoderm TTS phòng say tàu xe vào vùng da khô phía sau tai bốn giờ trước khi lên xe (nếu sáng sớm hôm sau khởi hành, nên dán vào đêm ngay trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu)…

 

Tuân thủ chỉ định điều trị: tuy chứa cùng dược chất nhưng tuỳ vào nhà sản xuất, sẽ có nhiều loại băng dán xuyên da với cách sử dụng khác nhau. Đối với thuốc trị đau thắt ngực do chứa cùng một hoạt chất là trinitrin, cần được phóng thích xuyên qua da với lượng hằng định có kiểm soát (10mg hoạt chất trong 24 giờ), hàm lượng của mỗi thuốc vì vậy thường khác nhau, tuỳ theo kiểu băng dán. Việc dùng miếng băng dán loại nào, dán trong thời gian bao lâu do các bác sĩ trực tiếp khám bệnh, điều trị quyết định. Tuỳ theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dạng loại phóng thích 5mg hoạt chất nhưng có khi phải dùng loại phóng thích 10mg trong 24 giờ. Người dùng thuốc không nên tuỳ tiện dùng theo ý mình.

 

Cảnh giác tác dụng phụ: dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay thuốc tiêm. Chẳng hạn Fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp. Hoặc scopoderm TTS chứa dược chất chống co thắt, chống nôn đồng thời có thể gây tác dụng phụ liệt đối giao cảm: làm cho khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ)… Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, phải báo cho bác sĩ biết. Cũng vì nguy cơ gây tác dụng phụ mà nhiều loại băng dán xuyên da chống chỉ định (không được dùng) ở phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em (ví dụ trẻ dưới 12 tuổi không dùng Fetanyl TTS, trẻ dưới tám tuổi không dùng Scopoderm TTS, trẻ từ 8 – 15 tuổi dùng một nửa băng dán Scopoderm TTS...)

 

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm