Nhanh một giây... chậm một đời

Cuối năm bộn bề công việc, nào dọn nhà, dọn tủ thờ, lau chùi, giặt giũ, mua sắm… Việc nào cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu chúng ta làm trong tâm trạng vội vội vàng vàng.

Điểm qua vài lý do khiến bạn dễ bị “sứt mẻ” khi làm những công việc nêu trên sẽ giúp phòng ngừa được nhiều sự cố đáng tiếc.

 

Bong gân, trật khớp và những chấn thương

 

Tần suất dọn dẹp, lau chùi, sửa chữa nhà cửa trong những ngày này nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi đó, mọi người với áp lực thời gian, công việc chưa hoàn tất còn nhiều nên an toàn lao động đôi khi bị xem nhẹ.

 

Anh Trần Quang Huấn, ngụ tại P. 5, Q. 6, TPHCM kể lại tai nạn năm ngoái khiến anh không những mất đi ba bữa Tết mà ra giêng còn phải nằm nhà. Hôm 27 âm lịch, anh quyết định dọn dẹp trần la-phông đầy bụi và mạng nhện nhà mình. Anh vô tư leo lên chiếc ghế gỗ lâu ngày không sử dụng. Đang làm được 5 phút thì một chân ghế mục bị gãy khiến anh ngã xuống từ độ cao 4 mét. Nhờ phản xạ nhanh, anh chỉ bị nứt xương vai và trật khớp chân. Tuy nhiên bấy nhiêu cũng đủ để anh ở nhà dài hạn.

 

Theo Ths. BS. Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, trong những ngày gần Tết, số lượng người sửa chữa đồ đạc, nhà cửa nhiều hơn thường ngày nên số người bị tai nạn, thương tích cũng tăng lên. Có thể kể ra các mối nguy như không cẩn thận khi bưng các chậu cây cảnh, xê dịch giường tủ, bàn ghế… hay trượt ngã trong khi dọn dẹp.

 

Cẩn thận với đồ dùng có điện

 

Có vô số những lý do xuất phát từ điện khiến nhiều người phải ăn Tết trong bệnh viện hoặc thậm chí không hưởng thêm được một mùa Xuân nào nữa trong cuộc đời.

 

Không lúc nào thích hợp hơn những ngày cuối năm để chỉnh sửa các thiết bị trong nhà. Và đây là một trong những mối nguy hiểm đứng đầu danh sách các tai nạn trong gia đình. Đã có trường hợp trong lúc chỉnh sửa ăng-ten trên mái nhà bị điện giật rơi xuống đất. Người này tử vong vì chấn thương đầu quá mạnh.

 

Theo ThS. BS. Võ Quang Huy, Trưởng khoa Cấp cứu Ngoại viện, Bệnh viện Trưng Vương, trong quá trình dọn dẹp, bắt nối các thiết bị nên ngắt nguồn điện trước khi làm, che chắn hoặc cách ly trẻ nhỏ, động vật nuôi trong nhà với dây điện, cầu dao… Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý đến những khu vực dễ bị dẫn điện như mái tôn, nhà tắm, chậu cá cảnh… Nếu có thể, hãy cử một người đứng gần làm nhiệm vụ quan sát, canh chừng để an toàn hơn và có thể hỗ trợ nếu các sự cố xảy ra.

 

Lưu thông không an toàn

 

Số vụ tai nạn giao thông dịp Tết hàng năm luôn cao hơn ngày thường rất nhiều. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nhưng nạn nhân và gia đình sẽ chẳng thể nào ăn Tết trọn vẹn khi có một người trong nhà bị tai nạn.

 

Đừng để ngày tết mất vui vì những phút bất cẩn.

Đừng để ngày tết mất vui vì những phút bất cẩn.

 

Chính vì thế, ngoài việc đảm bảo các kỹ năng lái xe an toàn thì ngày Tết, việc hạn chế bia rượu là một điều quan trọng để không phải vào bệnh viện, nhất là khi đi dự tất niên. Nếu biết mình không thể tỉnh táo để lái xe, có thể gọi điện nhờ người nhà đến chở hoặc đi taxi về.

 

Cũng không quên nhắc đến việc vội vàng quá cũng gây ra tai nạn. Không khí Xuân rộn rã thường khiến con người hưng phấn và kích thích. “Nhanh vài giây, chậm cả đời”, chính vì thế nếu có ra đường thì hãy đi chậm, an toàn để cảm nhận mùa Xuân.

 

Đề phòng bỏng

 

Bánh tét, bánh chưng, lẩu, nước luộc gà, dầu mỡ sôi, hóa chất… và hàng chục thứ khác có thể khiến nhiều người bị phỏng và phải chịu đựng đau đớn. Ngoài việc cẩn thận với những nguyên nhân nêu trên, mọi người cũng để ý thêm về nhiều yếu tố bất ngờ khác. Chẳng hạn như chỗ đặt nồi bánh chưng đã bằng phẳng và ổn định chưa, vì nhiều trường hợp nguyên cả nồi nước sôi bị đổ ụp xuống vì được kê trên những hòn gạch bị mục. Hay chảo dầu chiên thức ăn bị chó mèo hay gà nhảy qua đổ trúng người… Cần hết sức chú ý đến trẻ em. Khi người lớn bận bịu thì chúng tự do tung tẩy khắp nơi.

 

Những mối nguy khác

 

Đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ được đưa vào bệnh viện vì bị các loại súng trò chơi bắn trúng mắt. Một số khác bị mắc cổ, dị vật đường thở khi ngậm hoặc nuốt phải các loại hạt dưa, bánh kẹo vào ngày Tết.

 

Nhiều người trong lúc dọn dẹp lại bị côn trùng như nhện, kiến, ong cắn. Chính vì thế, Ths. BS. Phạm Ngọc Huy Tuấn lưu ý, trong lúc dọn dẹp nên chú ý chiếu sáng và quan sát kỹ nơi góc khuất, tối, phải đeo găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ lao động…

 

Cần lưu ý

 

Tết năm Quý Tỵ vừa qua, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM tiếp nhận 48 ca tai nạn. Trong đó có 3 ca ngộ độc, 3 trường hợp điện giật, trong đó 1 ca đã tử vong.

 

Điều quan trọng nhất theo bác sĩ Huy Tuấn là mọi người trước khi làm bất cứ việc gì phải quan sát cẩn thận và tính toán đến các rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, kiến thức về sơ cứu như đuối nước, điện giật, rắn cắn, chấn thương cũng cần phải biết. Vì có những trường hợp sẽ được cứu chữa kịp thời nếu tại hiện trường có người biết cách sơ cứu cho nạn nhân.

 

Theo M.T

Gia đình