Nhân viên y tế không nhìn vào giá để phục vụ người bệnh!
(Dân trí) - Trong 1 tiếng rưỡi, Bộ trưởng Y tế đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả, tập trung vào quy định cụ thể trong Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế. <i>Dân trí</i> xin đăng toàn bộ nội dung này từ Cổng thông tin chính phủ.
Bộ Trưởng Bộ Y tế tại buổi GLTT
Cùng dự cuộc đối thoại có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo Sở y tế tỉnh Phú Thọ, và lãnh đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Đa khoa Tỉnh Hòa Bình, Thị xã Sơn Tây.
BTV: Nhiều độc giả gửi câu hỏi về Cổng TTĐT Chính phủ đề nghị Bộ trưởng giải thích tại sao lại có sự điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, cụ thể về mức tăng viện phí như thế nào và bao giờ tăng, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là câu hỏi rất tổng quát. Tại sao lại tăng? Phải nói đây là yêu cầu rất bức thiết phải làm từ lâu nhưng có nhiều khó khăn trong thực hiện. Giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính 1 phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần.
Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường.
Mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lương khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, ga trải giường... cũng rất khó khăn.
Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia BHYT, người có điều kiện thì đi tìm tới dịch vụ trả tiền.
Thêm vào đó, do giá chỉ tính một phần chi phí nên Nhà nước bao cấp hết cho cả người nghèo, người giàu. Giá thấp nên người có điều kiện kinh tế tìm đến chất lượng cao cũng khó, trong khi giá dịch vụ trả tiền cũng phải có một khung trần theo quy định, dẫn đến chất lượng cũng không thật sự cao, nên nhiều người đã ra nước ngoài chữa bệnh.
Thứ ba, với các cơ sở khám chữa bệnh, rất vất vả cho cán bộ y tế, kể cả cán bộ quản lý và các y bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị. Một đôi găng phải tái tiệt trùng do mức chi của BHYT có hạn, không thể động viên khuyến khích cán bộ y tế, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của cán bộ.
Thứ ba, thu BHYT có tăng vì tỷ lệ dân tham gia BHYT tăng, tỷ lệ mức thu cũng tăng so với lương, lương cũng tăng. Với phương châm người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách Nhà nước sẽ lo, còn những ai có điều kiện nên có đóng góp nhiều hơn.
Mức tăng thì trong cấu thành của giá có 7 yếu tố, lần này mới chỉ tính 3, Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao… Mức tăng từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần).
Thông tư 04 có hiệu lực từ 15/4, các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình mức thu lên Bộ, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình HĐND, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện nhanh tùy theo phê duyệt các cấp có thẩm quyền.
Ông Trịnh Minh Thạnh (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang): Xin Bộ trưởng cho biết, Nhà nước đã cân nhắc, tính toán như thế nào khi quyết định tăng viện phí vào đúng thời điểm khó khăn như hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của ông rất xác đáng. Đối tượng mà chúng ta vẫn lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn… Với người nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 95%, với đối tượng cận nghèo, năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75…
Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.
Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh... Tôi nghĩ rằng, đây là nỗ lực lớn và sự ưu việt của nhà nước ta.
Còn những đối tượng khác, đã nằm trong diện bảo hiểm y tế. Chúng tôi nghĩ rằng, Nhà nước và ngành y tế đã cân nhắc kỹ khi ban hành thông tư này.
Độc giả Trí phan [vantribvqnam@...com] hỏi: Thưa Bộ trưởng, vừa qua, Liên Bộ có ký thông tư điều chỉnh 447 danh mục dịch vụ y tế tôi rất đồng tình, vì với khung giá này bệnh viện sẽ có nguồn kinh phí để chi trả các khoản chi phí khác, và mức hưởng của người bệnh về dịch vụ sẽ tăng lên do BHXH chi trả , tuy nhiên còn 1 số vấn đề xin bà cho biết tại sao trong khung giá chưa có :
1. Khung giá về chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nhưng chưa được BHXH chi trả không có trong thay đổi lần này.
2. Trong 1 số loại dịch vụ luôn bao gồm các chi phí vật tư nằm trong phẩu thuật , điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi các lọai vật tư có biến động về giá , dễ xảy ra tình trạng cho bệnh nhân nộp thêm
3. Khi nào Bộ y Tế xây dựng giá theo nhóm bệnh , đây là phương pháp tối ưu về chi phí điều trị
4. Về mức đóng BHYT cho mọi người khác nhau , nhưng mức hưởng quyền lợi về BHYT giống nhau theo hướng không công bằng ví dụ cán bộ đóng 4,5 % theo lương cao hơn nhiều so với đối tượng người nghèo, hoặc tự nguyện nhưng quyền lợi hưởng BHYT giống nhau. Xin Bà cho biết cách giải quyết tình trạng này như thế nào .
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Rất cám ơn bạn Chí Phan. Về câu thứ nhất, chúng tôi đang nghiên cứu để tính tới vấn đề BHXH chi trả cho chế độ ăn của người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp. Còn lần này chỉ điều chỉnh các phi phí trực tiếp.
Về câu hỏi thứ hai, có những trường hợp phải có chi phí vật tư trong phẫu thuật, có trường hợp gây phiền toái cho người bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành quy trình chuẩn nên số đó không nhiều.
Về vấn đề xây dựng giá theo nhóm bệnh, cần phải có thời gian và lộ trình. Hiện Bộ đang xây dựng với một số nhóm bệnh, dựa vào sự hỗ trợ quốc tế để xây dựng hình thức chi trả như trọn gói theo ca bệnh…, đây là hình thức tiên tiến nhất hiện nay.
Về câu hỏi cuối cùng, ta đã biết BHXH là sản phẩm rất văn minh và nhân đạo của nhân loại, vừa mang tính chất dự phòng lúc ốm đau, vừa mang ý nghĩa chia sẻ cho cộng đồng nữa.
Nhân Bệnh [nguoidanhoibotruong@...com]: Tôi có thẻ BHYT nhưng khi đi khám bệnh ngoài 20% cùng chi trả thì phải nộp một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải nộp như vật tư, thuốc trong phẫu thuật thủ thuật, chênh lệch giá xét nghiệm, cận lâm sàng ...Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương.
Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế:
- Bệnh viện thu như vậy có đúng theo quy định hay không?
- Kể từ ngày giá viện phí tăng thì các khoản này những người bệnh như tôi có bị thu các khoản như đã nói trên không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây cũng là câu hỏi ngành Y tế muốn tìm cách giải quyết từng bước.
Thứ nhất, khi đồng chi trả 20%, nhưng phải nộp thêm một số khoản mà theo BV giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải dùng thì về nguyên tắc, làm như vậy không đúng quy định, nhưng về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Như chúng tôi đã trình bày, mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm, không thể đủ. Thời gian qua, có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần là phải trả thêm so với mức quy định của bảo hiểm y tế bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp, như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%.
Thứ 2, nếu viện phí tăng lên như mức hiện nay, chúng tôi nghĩ là, về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt như có những thủ thuật trên cơ địa người đó phải dùng bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết…
BTV: Tuy nhiên, phần thu thêm vượt rất nhiều so với mức 20%?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đối với trường hợp của bạn, cũng cần thông tin cụ thể hơn để trả lời. Mức quy định của BHXH cũng như Bộ Y tế, Tài chính đã thống nhất phải nằm trong khung giá đã quy định. Nếu như có những phát sinh thuốc, dụng cụ ngoài danh mục, giá vượt mức, nhưng cần thiết, bác sĩ vẫn phải sử dụng để chữa bệnh trước đã. Trường hợp đó, số tiền phát sinh có thể cao hơn rất nhiều.
Ông Trần Duy Thịnh (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình): Chúng tôi là những người ở vùng sâu, vùng xa, nếu tăng giá viện phí cao lên thì những người dân bị mắc các bệnh hiểm nghèo không thể đủ tiền chi trả khi về chữa bệnh ở tuyến Trung ương. Vì thế, đối với những gia đình nghèo như chúng tôi càng thêm khó khăn. Vậy các cơ quan chức năng đã tính đến vấn đề này chưa?
Gần với nội dung như trên, độc giả Phạm Minh Hùng (Bắc Giang) hỏi: Tăng viện phí thì với người dân không có bảo hiểm thì sẽ xử lý như thế nào? Người dân nghèo không có tiền mua bảo hiểm, nếu viện phí tăng, họ có được hỗ trợ khi đi chữa bệnh không? Nếu không, tôi e rằng người dân nghèo vốn đã nhiều bệnh tật đe dọa lại càng không có cơ hội đi khám chữa bệnh mất.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Những băn khoăn của độc giả là rất chính đáng, Chính phủ và ngành Y tế trăn trở nhiều về vấn đề này trước khi ban hành Thông tư.
Tuy nhiên, Chính phủ đã hỗ trợ mua bảo hiểm cho người nghèo là 95%, cận nghèo 70%, đồng chi trả là 50%. Chuẩn nghèo và cận nghèo như thế nào đã được ban hành với quy định cụ thể.
Đối tượng thứ ba là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng khó khăn cũng được quan tâm. Gần đây nhất, theo Quyết định 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo… được hỗ trợ về chi phí ăn uống, đi lại, chữa bệnh… Do đó, họ có thể hoàn toàn yên tâm.
Sắp tới, Nhà nước sẽ tiến tới lộ trình y tế toàn dân, hỗ trợ 30% cho các hộ mức thu nhập trung bình.
Tôi cho rằng, mức đóng bảo hiểm y tế chỉ vào khoảng 400 nghìn đồng, trong khi mức chi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, người dân nên mua bảo hiểm y tế.
Ông Vũ Nguyễn Thanh Phúc (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ): Từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các Bệnh viện đã “xé rào” từ lâu. Vì thế, vấn đề người dân chúng tôi băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí. Tôi cho rằng, nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì BV tuyệt đối không được thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ với chi phí tăng thêm. Liệu Bộ Y tế có thể kiểm soát được vấn đề lạm dụng, làm ảnh hưởng đến túi tiền, đến đời sống của người bệnh?
Đồng thời nay thêm phần điều chỉnh khung giá mới nữa liệu có dẫn đến tình trạng “giá chồng giá” tại các bệnh viện hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều lo lắng của ông là rất đúng. Thứ nhất, Nhà nước có đầu tư từ A-Z không? Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay, chúng tôi xin trả lời thẳng thắn là không. Đối với tuyến trung ương, ngân sách hiện nay, có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn, hoặc có những bệnh viện chỉ cấp khoảng 10-30% đối với tuyến trung ương nói chung, chủ yếu chỉ cấp tiền lương cơ bản.
Mỗi lần tăng lương cơ bản, kèm theo phụ cấp, giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh rất lo. Vì tuyến trung ương, hỗ trợ khoảng 10-20%, tuyến tỉnh, NSNN hỗ trợ từ 30-50%, chỉ có tuyến huyện hỗ trợ khoảng 80%. Còn lại là phải thu, mà nguồn thu đó chủ yếu từ BHYT và dịch vụ y tế khám theo yêu cầu, nhất là ở tuyến trên. Do đó, nói là lo từ A-Z là không có.
Thứ 2, đối với các chuyện “xé rào”, sự thật này là có, nhưng không phải là xé rào, đấy là những trường hợp đi khám dịch vụ, tức là người không tham gia BHYT, họ tham gia dịch vụ, tiền công khám khoảng 30.000 đồng, giá dịch vụ thu theo giá thị trường. Còn những bệnh nhân BHYT, giá này đã có sự thống nhất của Bộ Tài chính, Y tế, BHXH và có sự giám sát của BHXH, nên tiền khám cũng chỉ thanh toán 3000 đồng, tức là khám ca ấy, BH sẽ thanh toán lại cho bệnh viện 3.000 đồng, thuốc cũng nằm trong danh mục, dịch vụ trong khung giá, nên không thể xé rào. “Xé rào” có thể đối với trường hợp bệnh nhân khám dịch vụ y tế (khám theo yêu cầu bản thân). Khám dịch vụ, ít nhất cũng phải thu đủ chi phí.
Thứ 3, Bộ Y tế có kiểm soát được không? Không phải hiện nay, mà từ trước tới nay Bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của Bảo hiểm)
Bộ Y tế có thanh tra Bộ… Tại Sở Y tế các tỉnh cũng có các đơn vị tương ứng.
Bà Đỗ Thị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội): Theo cách giải thích của Bộ trưởng tôi thấy việc ban hành khung viện phí mới là hoàn toàn phù hợp. Nhưng vấn đề là liệu các bệnh viện có lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết làm khổ cho người bệnh hay không?
Theo tôi được biết, hiện nay ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay. Cũng có trường hợp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị thuốc đắt gấp hàng chục lần nhưng không nằm trong danh mục thanh toán BHYT thay vì có thể sử dụng thuốc vừa tiền và có trong danh mục được thanh toán. Vậy có cách nào giám sát, ngăn ngừa vấn đề này để người dân có thể yên tâm?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo tôi, với bệnh nhân BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn, vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ.
Như tôi nói, để khắc phục được vấn đề này, phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Sắp tới, Bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này.
Bên cạnh đó, với một số hình thức chi trả tiên tiến, chẳng hạn chi trả trọn gói như tôi đã nói ở trên, hiện tượng này sẽ dần được hạn chế.
Lê Thị Phùng (Diễn Châu, Nghệ An): Một trong những bất hợp lý ở y tế xã hiện nay là nhiều nơi có bác sĩ nhưng lại thiếu trang thiết bị, máy móc chẩn đoán bệnh. Thậm chí ngay cả BVĐK tỉnh, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, thiếu thiết bị cần thiết... Vì vậy, các bác sĩ khó lòng mà "tay không bắt giặc”, bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ lên tuyến trên gây quá tải. Bộ Y tế nghĩ sao về điều này và sắp tới khi tăng giá viện phí, các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư liệu có giải quyết được tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của chị rất có lý, hiện nay một số trạm y tế xã gặp tình trạng đó. Bộ Y tế đã trình Chính phủ Quyết định 950 về đầu tư cho trạm y tế xã, nhưng như chúng ta biết, nước ta còn nghèo, ngân sách có hạn nên bố trí cho QĐ 950 nâng cấp trạm y tế xã chưa có. Vừa rồi chỉ mới nâng cấp được BV huyện, xây mới một số BV huyện, tỉnh…
Trang thiết bị còn thiếu thốn, tuy nhiên, sau khi thực hiện QĐ 47 đối với nâng cấp xây mới bệnh viện huyện, trong đó có cả trang thiết bị và với mức được tăng lên, chúng tôi nghĩ rằng, các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, trạm y tế xã, bệnh viện huyện nói riêng sẽ có điều kiện được nâng cấp, ít nhất là mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản, chi phí vật tư tiêu hao được đảm bảo, bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám chữa bệnh tương đối khang trang. Các chi phí về thuốc, điện nước được đầy đủ, kể cả bảo trì máy móc.
Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải: Biểu giá điều chỉnh viện phí hiện nay mới đáp ứng một phần nhỏ. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không phải chỉ một vấn đề bổ sung giá viện phí mà phải bao gồm tất cả các yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực.
Như vậy, điều chỉnh là góp thêm một phần cơ bản để có một phần kinh phí giúp cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn chứ không phải quyết định toàn bộ việc nâng cao chất lượng chuyên môn sau khi chúng ta điều chỉnh giá viện phí.
Ông Đặng Văn Thuý (Kiến An, Hải Phòng): Thưa Bộ trưởng, dù giá viện phí đã cũ, đã rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp, nhưng vì sao các bệnh viện vẫn chưa “ngã bệnh” và Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế đã bao giờ nhận được báo cáo lỗ của bệnh viện nào chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tình trạng này rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều bệnh viện đang “hấp hối”. Bộ Y tế, Sở Y tế nắm khá chắc nguồn thu chi của các bệnh viện và có thể nói mức thu hiện nay, những người quản lý chịu áp lực rất lớn. Nhiều bệnh viện nói hình ảnh là “tự ăn thịt mình”, họ khẳng định tồn tại như thế này là một nỗ lực rất lớn.
Ngày hôm qua, Bộ đã tổ chức hội nghị toàn ngành để chuẩn bị thực hiện Thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng các đại biểu cũng nói rằng việc điều chỉnh này mới chỉ là một phần. Do đó, nói mức thu như cũ mà không khó khăn là không đúng sự thật.
Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai cho biết năm 2011 nợ 70 tỷ đồng nếu Bộ không cấp thêm kinh phí vì lương cơ bản tăng.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Phạm Lê Tuấn: Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của các đơn vị trực thuộc và các tỉnh về vấn đề thiếu kinh phí, điển hình như BV Bạch Mai, Lão khoa, Học viện Y học cổ truyền… Đây là bức xúc kéo dài với các bệnh viện.
Có những hội nghị mà chúng tôi không dự, nhưng được phản ánh lại rằng các địa phương, đơn vị vẫn nói nhiều nhất về bảo hiểm y tế, chi phí hoạt động. Có BV ĐBSCL nói một năm lỗ khoảng 600 triệu đồng, Giám đốc bệnh viện đều phải co kéo từ khoản này sang khoản khác, ảnh hưởng nhiều đến việc duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường… vì phải tập trung cho người bệnh.
Chúng ta trong một thời gian dài chỉ thu một phần, Nhà nước cấp kinh phí phần còn lại. Nhưng điều kiện kinh tế Nhà nước không đủ, do đó phải xã hội hóa, các đơn vị có điều kiện tự bổ sung thêm kinh phí, cung ứng các thiết bị hiện đại…
Bạn đọc thuy le [ldthuy@...com]: Mọi thứ đều cần kinh phí thì Bộ Y tế mới làm được. Điều đó đúng , nhưng có một thứ không cần kinh phí, đó là nụ cười, sự ân cần ,niềm nỡ ,vui vẻ đối với bệnh nhân. Cán bộ y tế cần sửa.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi tiếp thu góp ý của bạn. Đúng là nghề này đòi hỏi 3 yêu tố: Y lý, y thuật (là chuyên môn) và y đức. Vì vậy, để khám chữa bệnh tốt, người thầy thuốc ngoài dược phẩm, trang thiết bị, còn có tấm lòng. Đúng là cần phải có nụ cười, tính nhân văn. Tình trạng thiếu nụ cười cũng xảy ở một số cơ sở nhất là ở những nơi quá tải ở phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh, quá đông, chật chội, nóng bức, ngột ngạt, một số cán bộ nhân viên còn thiếu nụ cười hay nhiều khi thái độ cũng chưa được ân cần.
Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ Y tế đã được ban hành. Vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức chung kết hội thi toàn quốc quy tắc ứng xử ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện tham gia.
Hầu hết các lực lượng điều dưỡng y tế, cán bộ y tế của các đơn vị này từ tuyến xã, tuyến huyện, tỉnh, TW tham gia. Đây cũng là cuộc vận động lớn.
Bà Bùi Thị Tuyết (Tiền Hải, Thái Bình): Đã hai năm liền tôi phải đi chạy thận nhân tạo. Năm ngoái, khi chưa được xét hộ nghèo, tôi phải chạy thận tự nguyện, mỗi tháng mất 1,5 triệu đồng. Năm nay, tôi được xét là hộ nghèo nên được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mỗi tháng chỉ phải trả 370.000 đồng. Nếu theo mức tăng mới, hàng tháng tôi phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Để bớt gánh nặng cho người nghèo, bệnh viện có quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính, có chi phí điều trị lớn không?
Mới đây tôi được biết, thành phố Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ điều trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân suy thận đặc biệt khu vực thành phố và Quảng Nam. Vậy, liệu chính sách này có được áp dụng ở các tỉnh, thành khác không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin chia sẻ đối với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Về mức đóng, theo mức thu mới là khoảng 460.000 đồng, tăng 60 nghìn đồng, một tháng chạy 8 lần sẽ thêm 480.000 đồng.
Do người nghèo được Nhà nước chi trả 95%, bệnh nhân sẽ phải chi trả 5%, tức là 24.000 đồng.
Chúng tôi rất chia sẻ với bệnh nhân và Chính phủ đã ban hành Quyết định 14, sẽ hỗ trợ thêm phần phải đồng chi trả với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt.
Bạn Minh Anh (mia1102@...com): Thực tế là giá viện phí hiện nay theo tôi là chưa minh bạch. Theo Bộ Y tế, mỗi lượt khám cho bệnh nhân, bảo hiểm y tế chỉ trả 3.000 đồng. Tuy nhiên, giá dịch vụ đã tăng lên cao. Theo các bệnh nhân khám tại các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai (Hà Nội) thì giá khám bệnh thông thường là 30.000đ, số tiền 3.000đ chỉ đủ mua cuốn sổ y bạ. Vậy Bộ trưởng và các GĐ Bệnh viện VĐ, BM có ý kiến gì trước thông tin này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi nghĩ rằng, cũng khá minh bạch, bởi đã khám BHYT, giá như thế nào phải thu như thế đó, và BHXH thanh toán theo quy định. Ngoài ra, bệnh nhân có thể khám bệnh tự nguyện (theo yêu cầu) với phí dịch vụ 30.000 đồng, vì dịch vụ theo nguyên tắc thu đủ bù chi để tái đầu tư. Thời gian vừa qua nếu không có NĐ 69 về xã hội hóa, NĐ 43 về giao quyền tự chủ mà chỉ trông vào BHXH thì chắc BV không thể tồn tại. Chính nguồn dịch vụ này giúp các BV bổ sung hỗ trợ các nguồn chi phí thường xuyên cũng như trả lương tăng thêm và phụ cấp. Chắc chắn, giá dịch vụ khác giá bảo hiểm.
Phó Giám đốc BV Bạch Mai, PGS.TS Mai Trọng Khoa: Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời đã rất rõ. Giá bảo hiểm (mức cũ) là 3.000 đồng và giá dịch vụ 30.000 đồng. Đối với BV Bạch Mai, xin khẳng định hoàn toàn minh bạch. Bởi thực chất đây là 2 sự chi trả cho 2 đối tượng, đối với đối tượng được bảo hiểm chi trả thì không có gì khuất tất. Thứ 2, đối với những người khám dịch vụ, tự chi trả, tất cả được thu chi theo quy định của Bộ Y tế và mọi khoản thu chi được công khai minh bạch. Hàng năm, đối với BV Bạch Mai các cơ quan kiểm toán, kiểm tra của các cấp các ngành đều đi kiểm tra.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, vấn đề giá dịch vụ y tế mà hôm nay Cổng TTĐT Chính phủ đặt ra tại đối thoại trực tuyến là điểm nút mà sự chênh lệch rõ rệt. Giá cũ, như chúng ta biết là 1995, tức là từ 17 năm trước. Một độc giả Hải Phòng vừa hỏi các BV đã ngã bệnh chưa, thì quả thật chúng tôi phải dùng từ “rất may mắn” còn tồn tại đến hôm nay. BV Bạch Mai hiện nay có gần 3000 cán bộ công chức, nhưng kinh phí từ Bộ Y tế rất nhỏ, chưa thể đáp ứng được một phần vô cùng nhỏ chi trả tiền lương. Như vậy, BV phải tự lo mọi chi phí.
Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng, thay đổi giá viện phí là đòi hỏi thực tế, là điều kiện tồn tại để phát triển.
Nếu không, tôi tin rằng không phải chỉ BV Bạch Mai, mà cả các BV tuyến TW sẽ rơi vào tình trạng khó có khả năng hoạt động được. Câu hỏi của bạn Minh Anh và các độc giả giúp chúng tôi có dịp được bày tỏ về vấn đề này.
Hiện nay, tại BV Bạch Mai, có số lượng rất lớn các bệnh nhân nghèo, nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Giá dịch vụ của chúng tôi, nhiều trường hợp trong nhiều chuyên khoa đang phải bù lỗ, không đủ đáp ứng chi phí. Nhưng nhiều bệnh nhân nghèo chúng tôi đã và đang tiến hành hỗ trợ. Trong một hoàn cảnh đã khó lại càng khó hơn nữa.
Do đó, việc thay đổi giá viện phí là cơ hội để chúng ta có dịch vụ tốt hơn. Nếu như chúng ta không thay đổi, khó lòng chúng ta đòi hỏi ngành Y tế có thể làm tốt hơn việc của mình khi mà tất cả đều thiếu, thậm chí có những cái đang âm so với giá trị thực của nó. Chúng tôi hết sức mong muốn có sự chia sẻ của xã hội.
Một vấn đề nữa, về y đức và những nụ cười của cán bộ ngành y tế, tôi cho là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, trong một bối cảnh cường độ làm việc căng thẳng, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, công nghệ, công cụ phục vụ cho quá trình thao tác nghề chưa đủ, cần có sự chia sẻ của cộng đồng.
Tôi cho rằng, sẽ không bao giờ được biện minh và tha thứ cho thái độ không tốt của những thầy thuốc, nhân viên y tế khi vin vào các khó khăn nêu trên. Chúng tôi mong muốn có sự chia sẻ từ phía cộng đồng, ở đây là nhận thấy được khó khăn của ngành Y tế nói chung và đặc biệt đối với BV Bạch Mai. Chúng tôi đã cố gắng, gồng lên như thế nào để tồn tại.
PGS Trần Bình Giang- Phó Giám đốc BV Việt Đức: Tôi xin phép bổ sung thêm một số ý: Thứ nhất, tới nay, những bệnh nhân BHYT hay bệnh nhân đến khám theo tuyến bình thường, BV vẫn thu giá tiền và thanh toán BHYT với mức 3000 đồng/lần khám.
Xin chia sẻ câu chuyện, cách đây 2 năm khi tôi đang trực lãnh đạo bệnh viện, nhân viên có báo 1 trường hợp thắc mắc. Đấy là 1 bác cựu chiến binh già, từ một tỉnh xa đến khám. Bác thắc mắc, “tôi từ tỉnh xa đến đây, tôi muốn được các GS, bác sĩ giỏi khám, mà ở đây bệnh viện lại thu có 3000 đồng thì chỉ có sinh viên ra hành hạ chứ làm gì có GS Bác sĩ giỏi khám với giá 3000 đồng”.
Điều đó chứng tỏ người dân cũng thấy việc chúng ta thu 3000 đồng là một cách bất hợp lý. Tất nhiên, BV Việt Đức có 1 khu điều trị tự nguyện, tách biệt hẳn với khu phòng khám thông thường. Bệnh nhân điều trị sẽ trả 1 khoản viện phí hợp lý hơn.
Thứ 2, mức tăng giá dịch vụ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt điều trị và nâng cao chất lượng điều trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia được đào tạo bài bản, đã học từ những trung tâm lớn trên thế giới, có thể thực hiện được những kỹ thuật khó, nhưng đi kèm theo, muốn thực hiện những điều đó, chúng ta phải có phương tiện, máy móc, dụng cụ, kim chỉ, thuốc men…
Giá những thứ đó đều giống giá quốc tế, nên nếu chúng ta không thu đủ, không có tiền để mua sắm thì hoặc là phần thiếu đó, người bệnh phải bù lại bằng cách này hay cách khác.
Nếu như viện phí được tính đúng, đủ, càng nhiều người tham gia BHYT, những người khỏe giúp cho những người yếu, thì phần đó, BHYT sẽ thanh toán phần lớn cho người bệnh.
Chúng tôi cho rằng, khi chúng ta tăng viện phí, tính đúng, tính đủ, thì người bệnh, đặc biệt là người bệnh BHYT là những người có lợi chứ không phải việc tăng viện phí làm cho người bệnh, những người nghèo không có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
BTV: Xin dành cho lãnh đạo các bệnh viện một số câu hỏi từ độc giả:
Xin hỏi liệu tăng viện phí lần này đã làm cho cán bộ nhân viên y tế yên tâm công tác hay chưa?
Nếu tăng viện phí, tăng các chi phí xét nghiệm thì phần tăng này có được đầu tư lại cho thiết bị y tế vì có nhiều bệnh viện dù được đầu tư, thực tế chăm lo xây dựng cơ bản chứ không đầu tư thiết bị phục vụ bệnh nhân?
Là người dân, chúng tôi rất muốn biết cụ thể lãnh đạo các bệnh viện ở Trung ương và ở địa phương là bệnh viện sẽ làm gì với nguồn tăng viện phí?
TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K: Tôi xin trả lời câu hỏi về sự hài lòng của nhân viên y tế. Trước hết, phải nhìn nhận một cách rõ ràng không phải vì giá viện phí mà nhân viên y tế không hài lòng hay không yên tâm phục vụ người bệnh. Tôi nghĩ rằng đội ngũ nhân viên y tế luôn yên tâm phục vụ sức khỏe nhân dân, như lời dạy của Bác Hồ.
Tôi nghĩ phải hiểu rõ đây là việc điều chỉnh giá một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hiện tại. Giá dịch vụ y tế được quy định từ 1995 đến nay trong khi hoàn cảnh khách quan đã trải qua nhiều biến đổi.
Phải thấy rằng, khoa học kỹ thuật đang tiến như vũ bão, ngành Y tế đang từng bước áp dụng, có những vấn đề chúng ta đã làm chủ, có thiết bị đã sản xuất được, nhưng cũng có những kỹ thuật mới mà chúng ta phải nhập khẩu.
Thêm vào đó, phải khẳng định cái nhìn về bệnh học cũng đã có nhiều thay đổi so với ngày chúng tôi còn đi học.
Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh không chỉ là mong muốn của người dân, mà đó là còn là mục tiêu, là mong muốn của Đảng và Nhà nước.
Tôi xin nhắc lại rằng người thầy thuốc luôn yên tâm khi chạy chữa cho người bệnh, nhưng sự yên tâm đó có nhiều vấn đề. Do đó, trong khó khăn chung, sự chia sẻ của người bệnh sẽ giúp các nhân viên y tế yên tâm hơn. Đó sẽ là sự động viên lớn nhất với ngành y tế.
Tôi xin nói riêng một chút về bệnh viện K. Các đồng nghiệp cũng rất hiểu, ngoài khó khăn chung của ngành, thì số lượng bệnh nhân đến bệnh viện K rất đông, cơ sở vật chất hạn chế, bề dày kinh nghiệm chưa được nhiều như các khoa nội, ngoại, sản nhi, đội ngũ cán bộ dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là chưa thể phủ đến các địa phương…
Chính vì vậy, trong khó khăn chung, chuyên ngành ung thư còn khó khăn hơn nữa. Điều này cũng là tất yếu, vì chuyên ngành này ở các nước tiên tiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tôi hết sức chia sẻ với ý kiến của độc giả, nhưng cũng mong rằng giữa nhân viên y tế và người bệnh sẽ có cái nhìn thân thiện hơn, đúng hơn, chăm sóc, phục vụ sẽ có hiệu quả hơn.
BTV: Thưa Bộ trưởng, như vậy có thể thấy phần lớn người dân đồng tình về chủ trương điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, và những câu hỏi người dân nêu ra phần lớn mang tính chất hỏi để biết thông tin cụ thể. Phải chăng công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương đúng này của ngành y tế chưa tốt?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đấy cũng là một cách hiểu. Thông tư mới được ban hành nhưng đã qua 7 - 8 lần dự thảo. Trước khi ban hành, đã có nhiều phóng sự trên truyền hình cũng như trên nhiều tờ báo về chủ trương này. Đặc biệt, trong lần đối thoại trực tuyến gần đây trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tôi đã đề cập đến vấn đề điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Các đồng nghiệp của chúng tôi từ cấp trung ương đến cấp huyện đều có các cuộc trả lời xung quanh chủ trương này. Còn các câu hỏi chi tiết về giá dịch vụ thì chỉ đến khi quy định được đưa ra và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhất trí thì mới có thông tin cụ thể. Tôi nghĩ, buổi đối thoại trực tuyến hôm nay là kênh cung cấp thông tin hữu ích cho người dân.
Độc giả Bùi Minh Nhật (Phường Quang Trung, TP.Vinh, Nghệ An): Tôi cho rằng, thực hiện BHYT toàn dân là giải pháp cơ bản, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thực hiện chức năng chia sẻ rủi ro của BHYT. Hiện vẫn còn gần 40% dân số chưa tham gia BHYT trong khi đích đến đã rất gần. Vậy có giải pháp gì cụ thể phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân từ năm 2014 như Luật BHYT đã đề ra không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Các nước phải trải qua thời gian rất dài mới thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân. Cho nên con số 60% người dân tham gia BHYT cũng là nỗ lực rất lớn của chúng ta. Tuy nhiên, phần 40% còn lại cũng đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Những đối tượng đã tham gia BHYT thì hoặc là thuộc diện bắt buộc như cán bộ công nhân viên chức, người lao động trong doanh nghiệp, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách.
Những người chưa tham gia BHYT chủ yếu thuộc đối tượng người cận nghèo (từ năm nay Nhà nước sẽ hỗ trợ 70%), học sinh, sinh viên (nhà nước hỗ trợ 50%), nông dân, diêm dân, buôn bán nhỏ…
Để tiến tới BHYT toàn dân, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hơn Luật BHYT trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Bộ sẽ đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về lộ trình BHYT toàn dân. Về quản lý Nhà nước, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ xây dựng đề án lộ trình BHYT toàn dân, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề này, bởi đây là vấn đề an sinh xã hội lớn, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, cần phối hợp của toàn hệ thống chính trị.
Gần đây, chúng tôi đã đề nghị và Chính phủ đã tăng dần mức hỗ trợ người dân mua BHYT. Chúng tôi đề nghị đưa tỷ lệ người dân có BHYT như một chỉ tiêu kinh tế -xã hội cơ bản, một chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Một vấn đề khác là vận động, tuyên truyền, vì nhiều người dân vẫn có tâm lý khi ốm đau mới mua BHYT. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người dân, làm hài lòng người bệnh; nghiên cứu, đổi mới phương thức chi trả BHYT…
Bà Nguyễn Thị Mai (Moscow, CHLB Nga): Bảo hiểm Y tế của Việt Nam vẫn mang tính cào bằng, chỉ có 1 loại chung cho mọi người. Thực tế thì số người thu nhập cao ở nước ta hiện đã khá nhiều, có người sắp thành tỷ phú đô la. Khi ốm đau rất nhiều trong số này vào bệnh viện quốc tế hay ra nước ngoài chữa bệnh. Vậy ngành Y tế có chính sách bảo hiểm "cao cấp" nào cho những người này để vừa có thêm nguồn thu san sẻ cho loại hình khác, và mang lại nhiều lợi ích khác?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi này rất chính đáng. Trong lòng chúng tôi khi xây dựng chính sách thì rất muốn có các mệnh giá bảo hiểm khác nhau, mức bảo hiểm cơ bản, mức trung bình, cao cấp… Nhưng hiện nay, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta xác định mức bảo hiểm cho toàn dân. Trong dự thảo Luật sắp tới, chúng tôi đề xuất Chính phủ trình Quốc hội về những loại hình bảo hiểm khác nhau để người có thu nhập cao tham gia các loại hình bảo hiểm cao cấp.
BTV: Như vậy, trong 1h30 phút, Bộ trưởng đã trả lời nhiều câu hỏi của độc giả tập trung vào 2 nội dung chính là quy định cụ thể trong Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi mà người dân, độc giả gửi đến và mong rằng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục trả lời, giải đáp sự quan tâm của người dân bằng văn bản để Cổng TTĐT Chính phủ đăng tải. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Tài chính, lãnh đạo các bệnh viện, đại diện các cơ quan truyền thông.
Cổng TTĐT Chính phủ