Nhân định thắng thiên

Trong ngành y tế TPHCM, bác sĩ Nguyễn Văn Truyền không xa lạ với nhiều người, không chỉ vì ông từng là PGĐ TT Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (tiền thân của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) mà còn vì ông đã chiến thắng căn bệnh ung thư hạch.

Hành trình qua những bệnh viện

 

Bác sĩ Truyền tay trong tay với người bạn đời, bác sĩ Ngân Hà. Ảnh: Thanh Hảo

Bác sĩ Truyền tay trong tay với người bạn đời, bác sĩ Ngân Hà. Ảnh: Thanh Hảo

 

Dù sự việc xảy ra đã 17 năm, bác sĩ Truyền vẫn nhớ như in diễn tiến cuộc chiến đấu của mình với căn bệnh ác tính mà từ chuyên môn gọi là lymphôm không Hodgkin. Ông kể: “Đó là năm 1996, trước tết âm lịch không lâu, khi tôi đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị ăn tết thì chợt thấy nhói đau ở lưng. Nghĩ không có gì nghiêm trọng, nên tôi ở nhà tự uống thuốc. Tết năm đó, bác sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc trung tâm Y khoa Medic, đến nhà chơi. Nghe tôi kể chuyện, anh ấy khuyên tôi vào Medic kiểm tra. Kết quả chụp CT cho thấy ở cạnh thận phải của tôi có một khối u khá to. Tôi linh tính chuyện chẳng lành đã đến”.

 

Tham khảo ý kiến một số bậc giáo sư đầu ngành, ai cũng khuyên bác sĩ Truyền vào bệnh viện Ung bướu điều trị. Ở đây, sau khi hội chẩn, các bác sĩ mở ổ bụng thám sát, lấy mẫu sinh thiết rồi lặng lẽ đóng bụng lại. TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu, người trực tiếp điều trị bác sĩ Truyền lúc đó, kể lại: “Vào những năm đó, kỹ thuật chẩn đoán ung thư trong nước chưa tiến bộ như bây giờ. Trường hợp này, chúng tôi phân vân giữa hai bệnh: sarcôm và lymphôm không Hodgkin. Tuy nhiên, dựa vào những kết quả có được, chúng tôi nghiêng về bệnh sau và cho bệnh nhân tiến hành hoá trị”.

 

Quyết định xem ra hợp lý. Sau vài đợt hoá trị đầu tiên, bác sĩ Truyền thấy khoẻ ra và ông quay lại làm việc tiếp. Nhưng đến đợt hoá trị thứ năm thì chân trái ông bắt đầu sưng to. Ông tìm đến trung tâm Medic và sau khi chụp hình, người ta phát hiện mạch máu ở chân ông đã bị một cục máu đông bít chặt. Vì bệnh này, ông phải vào bệnh viện Truyền máu huyết học điều trị. Nằm ở đây ba tuần, ông thấy đỡ nên xin bác sĩ cho về làm việc. Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ, thì một hôm trong khi làm việc ông đột nhiên chóng mặt. Khi người nhà chở ông đến bệnh viện Nhân dân 115, ông đã hôn mê! Kết quả hội chẩn cho thấy ông bị xuất huyết não, tác dụng phụ của việc dùng thuốc làm tan cục máu đông trước đó. “Để cứu mạng tôi, các bác sĩ quyết định mổ não. Ca mổ tốt đẹp, nhưng sau đó tôi bị nhiễm trùng vết mổ và phải chuyển sang bệnh viện Bình Dân điều trị tiếp”, bác sĩ Truyền nói. Không chỉ thế, trí nhớ của ông bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc mổ não. Ông quên nhiều chuyện, quên tên người thân, quên những vật dụng bình thường trong cuộc sống và phải học lại gần như mọi thứ. Mỗi khi đi làm, ông luôn thủ sẵn một cuốn sổ ghi chép, để không bỏ sót điều gì.

 

Thảnh thơi bước tới

 

Cuối năm 1997, sau khi theo dõi diễn tiến bệnh lymphôm của ông, bác sĩ đề nghị ông tiến hành xạ trị. Thời điểm đó, tình cờ gặp lại một số bạn cũ từ Pháp qua làm việc, ông được họ giúp sang Pháp chữa bệnh ba tháng miễn phí. Tưởng chừng mọi chuyện ổn định thì tháng 5/2001, trong khi đi công tác xa, ông lại tái phát bệnh lymphôm, lần này thật dữ dội, cả cơ thể ông nổi đầy hạch!

 

Quay về thành phố, ông được các bác sĩ đề nghị vào ngay bệnh viện Ung bướu để hoá trị. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Những ngày đó một đoàn chuyên gia y học Pháp đến trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM làm việc. Do hiệu trưởng, GS.TS Dương Quang Trung không có nhà, ông phải vào tiếp đoàn dù trong người rất đau đớn. Trong buổi tiếp, khi biết được bệnh tình của ông, một chuyên gia đề nghị bảo lãnh ông sang Pháp chữa trị. Bác sĩ Tô Thị Ngân Hà, người bạn đời của bác sĩ Truyền, nói: “Thời điểm đó, y học trong nước chưa có được những phương tiện tốt nhất để trị bệnh lymphôm như hiện nay. Pháp là một trong những quốc gia có kinh nghiệm trị bệnh này, nhưng nếu không có sự giúp đỡ từ bạn bè nước ngoài, có lẽ gia đình không kham nổi vì rất tốn kém”. Chuyến đi Pháp điều trị kéo dài cả năm trời, giữa năm 2002 ông mới về nước. Ở Pháp, ông được bác sĩ ghép tuỷ tự thân và cho sử dụng MabThera (Rituximab), một loại kháng thể đơn dòng mới ra đời trước đó vài năm. Ngày nay, cách điều trị này không mấy xa lạ với y học Việt Nam, nhưng thời đó nó được xem là tiên tiến, và nhờ thế hành trình chiến đấu bệnh ung thư của ông kết thúc một cách tốt đẹp.

 

Năm nay bước sang tuổi 76, bác sĩ Nguyễn Văn Truyền vẫn luôn yêu đời. Không lạc quan sao được, vì ông từng trải qua những ngày tháng đối mặt với căn bệnh ác tính, và thậm chí vào năm 2005, ông còn cận kề cái chết hơn bao giờ hết khi lên cơn nhồi máu cơ tim. Lần đó, ông lần lượt được bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115 và viện Tim đặt đến bảy stent để cứu mạng. Ông nói: “Tôi chiến thắng được bệnh tật chẳng qua là nhờ may mắn, được anh em thương mình thôi”. Nở nụ cười trên môi, ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Nguyễn Du với vẻ tâm đắc: “Có trời mà cũng có ta”, “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
 

 TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM: “Một trường hợp may mắn!”

 

Bệnh lymphôm không Hodgkin là một nhóm khoảng 40 thể rối loạn tăng sản lymphôm bào, gặp ở nam nhiều hơn nữ, với độ tuổi trung bình mắc bệnh là 50, diễn tiến rất phức tạp, xuất phát từ hạch hoặc ngoài hạch. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, nhưng có nhiều bệnh lý gen, tác nhân nhiễm trùng, yếu tố môi trường được xem có liên quan đến sự phát triển của lymphôm.

 

Thầy Nguyễn Văn Truyền có lẽ là người Việt Nam đầu tiên mắc bệnh này được điều trị bằng cách ghép tuỷ tự thân.

 

Một may mắn khác là thầy còn được dùng miễn phí MabThera tại Grenoble (Pháp), nơi khi đó đang tiến hành đánh giá lâm sàng thuốc này vì nó quá mới mẻ. Ngày nay, MabThera được sử dụng rất phổ biến và ở ta thuốc còn được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nhưng cách đây chục năm thuốc cực kỳ đắt, có tiền cũng chưa chắc mua được.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị