Nhà thuốc GPP: “Nhiệm vụ bất khả thi”?
(Dân trí) - Bộ Y tế quy định: Từ tháng 1/2009 nhà thuốc trong bệnh viện phải đạt GPP; đến tháng1/2011 các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt tiêu chuẩn này. Nhưng, theo phản ánh của nhiều địa phương, đích Bộ đặt ra là rất khó thực hiện.
Tại Hội nghị bàn về tiến độ thực hiện nhà thuốc GPP (nguyên tắc tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc) khu vực Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ (do Cục Quản lý Dược tổ chức) nhiều ý kiến trái chiều của đại diện Sở Y tế các tỉnh đã được đưa ra.
Ông Hoàng Hường, trưởng phòng Quản lý Dược tỉnh Quảng Bình thẳng thắn thừa nhận: “Cái đích về đến đầu năm 2011 các nhà thuốc ở tỉnh này phải đạt tiêu chuẩn GPP khó lòng có thể đạt được. Bởi, muốn Thực hành nhà thuốc tốt thì phải có đơn thuốc kê bởi bác sĩ. Nhưng cho đến nay, vấn đề thuốc kê đơn không hề được triển khai. Vậy đơn đâu mà bán thuốc? Vì vậy, hiện thuốc hầu như được bán theo nhu cầu của người mua.
Cũng theo quy định, nhà thuốc GPP, luôn phải có dược sĩ tốt nghiệp Đại học (TNĐH) đứng quầy. Tuy nhiên, vấn đề thiếu dược sĩ đang là nỗi nhức nhối ngay tại các nhà thuốc bệnh viện, thì ở các nhà thuốc tư nhân “bói” đâu ra dược sĩ thường xuyên. Trên thực tế, hiện các nhà thuốc ở Quảng Bình chỉ đứng tên dược sĩ và thỉnh thoảng họ mới có mặt ở đó”.
Đại diện Sở Y tế Thanh Hoá cũng bày tỏ: Để đạt được tiêu chuẩn nhà thuốc GPP, đơn vị kinh doan phải đảm bảo rất nhiều yếu tố. Ngoài yêu cầu về dược sĩ có trình độ cao thì còn cần diện tích tối thiểu 10m2, bố trí các khu riêng biệt, các thiết bị bảo quản theo yêu cầu (nhiệt kế, ẩm kế), hồ sơ, sổ sác kế toán... nghĩa là cần rất nhiều chi phí mới có được GPP. Câu hỏi nhiều doanh nghiệp đặt ra là khi bỏ nhiều kinh phí đến vậy, họ phải được quyền lợi đi kèm. Nhưng những vấn đề mấu chốt ấy lại được quy định hết sức chung chung.
Sở này cũng thông báo, chưa có doanh nghiệp kinh doanh dược nào đăng ký GPP, kể cả các nhà thuốc bệnh viện.
“Thực hiện GPP là vì danh dự của ngành Y. Sở Y tế tỉnh cũng đã mời các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm đến nghe chuyên gia tập huấn, giảng về GPP. Cũng có một vài doanh nghiệp khảo sát ở một số bệnh viện, trong đó có cả bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng đến giờ chưa ở đâu phát tín hiệu thực hiện, dù Sở đã rất nhiều lần đánh tiếng, thậm chí hứa hạ chuẩn so với quy định ở một số khu vực”, Ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, nói.
Ông Hào đưa ra thực tế: Hiện nay, các bệnh viện cũng đã thực hiện chính sách tự chủ về tài chính. Các nhà thuốc ở bệnh viện T.Ư dễ dàng thực hiện quy định GPP là vì lượng hàng bán ra rất lớn, đem lại nhiều lợi nhuận. Trong khi, đa số các bệnh viện tuyến huyện đều không mặn mà gì do lợi nhuận đem lại không được bao nhiêu. Đã có không ít bệnh viện ở tỉnh tuyên bố: chấp nhận dừng hoạt động của nhà thuốc bệnh viện do không đạt chuẩn GPP vào đầu năm 2009.
Khó cũng phải làm
Ngay tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Dược khẳng định: "GPP là công đoạn cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc. Nếu để tình trạng các nhà thuốc lộn xộn như hiện nay thì quy trình đảm bảo chất lượng thuốc chỉ là nửa vời. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối lẻ thuốc đang phát triển mạnh về số lượng nhưng đang tồn tại rất nhiều bất cập như: dược sĩ đại học thường xuyên vắng mặt, thậm chí phó mặc việc tư vấn cho người không có chút chuyên môn dược nào; kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu hoặc không được phép lưu hành...".
Thực hiện GPP là mục tiêu lớn mà Bộ Y tế quyết tâm đạt được. Trong quá trình triển khai cũng đã nảy sinh những khó khăn. Ngay tại TP.HCM, nơi thực hiện khá thành công quy định về GPP cũng gặp không ít khó khăn trong thời gian ban đầu.
Về vấn đề thiếu dược sĩ không chỉ là bài toán khó ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên khu vực. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn, hệ thống bán lẻ dược ở nước ta dày đặc nhưng thường là manh mún lại thiếu tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy loại bỏ những nhà thuốc không đạt yêu cầu là việc cần thiết. Mới đây, Cục đã có hướng dẫn đối với một số tỉnh miền núi khó khăn, thay thế dược sĩ TNĐH bằng dược tá bán hàng. “Còn đối với các bệnh viện nhà thuốc, thực hiện GPP theo đúng lộ trình quy định là trách nhiệm của lãnh đạo Viện và Sở ở mỗi địa phương”, ông Thanh nhấn mạnh.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng: Không có lý do gì để thực hiện GPP, đặc biệt là tại các nhà thuốc ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Còn đối với nhà thuốc của các Viện chuyên khoa thì Cục cũng nên đề nghị Bộ xem xét lại quy định sao cho phù hợp.
P. Thanh